Phát ngôn của ca sĩ Negav trên sân khấu concert "Anh trai say hi" với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ thấy chưa? Mẹ thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa!" đã tạo làn sóng phản đối và chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng. Mặc dù đã có bài đăng xin lỗi nhưng những tranh cãi về đời từ và phát ngôn của nam rapper này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bày tỏ về việc nghỉ học giữa chừng, nghỉ học sớm liệu có thành công sớm, bạn Nguyễn Kim Tuyến bình luận: "Chính vì bỏ học sớm nên ca sĩ này mới có phát ngôn như vậy. Cùng nghĩa đó, nhưng nếu chia sẻ theo hướng cảm ơn mẹ đã tạo điều kiện cho con theo đuổi ước mơ có phải hơn không. Trước bao nhiêu khán giả, phát ngôn của nam ca sĩ này phần nào cổ xuý việc bỏ học, rồi bạn trẻ lại nghĩ bỏ học cũng làm được người nổi tiếng".
Cộng đồng mạng lên tiếng chỉ trích, đề nghị người nổi tiếng hay KOLs cần có trách nhiệm xã hội của mình trong mọi hành động và phát ngôn. |
Bạn Nguyễn Huyền Trân viết: "Dù có vang danh như thế nào cũng không nên cho rằng việc nghỉ học là đúng đắn, ngoại trừ hoàn cảnh thật sự không cho phép. Một số người cho rằng nghỉ học sớm là bước đi hợp lý nếu một cá nhân đã có đam mê và mục tiêu cụ thể. Ví dụ, trong giới công nghệ, nhiều doanh nhân thành công như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg từng nghỉ học để tập trung vào các dự án của mình. Những trường hợp này thường được xem như minh chứng cho việc không nhất thiết phải có bằng cấp để thành công".
Theo Huyền Trân, điểm chung của những cá nhân này là họ đều có kế hoạch rõ ràng và sự hỗ trợ từ các nguồn lực khác, như môi trường thuận lợi để phát triển ý tưởng hoặc tài chính ổn định.
Vì vậy, việc nghỉ học không phải là yếu tố duy nhất giúp họ thành công, mà còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng quản lý rủi ro. Khi thiếu đi những yếu tố này, việc nghỉ học có thể dễ dàng trở thành một quyết định thiếu suy nghĩ, làm mất đi cơ hội tích lũy kiến thức cần thiết.
Còn Nickname Giang Ami cho rằng: "Các bạn đừng ảo tưởng không học vẫn có thể thành công. Tôi thấy, những trường hợp bỏ học vẫn thành công đã có lực sẵn, nỗ lực có, nền tảng gia đình chắc. Mặt khác, khi ra trường, cơ quan, doanh nghiệp cũng yêu cầu có thêm bằng cấp chuyên môn, vẫn phải học để thăng tiến, cập nhật các quy định và thay đổi xã hội. Vì vậy, học chưa khi nào là phí..."
Với bạn Văn Đạt, thành công không phải là một khái niệm cố định, và nó có thể khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu và kỳ vọng cá nhân. Có người coi thành công là việc kiếm được nhiều tiền, người khác lại đo lường nó qua việc có cuộc sống hạnh phúc và cân bằng.
Do đó, việc nghỉ học sớm hay hoàn tất quá trình học tập chỉ là một phần trong quá trình phát triển của một cá nhân, không phải là yếu tố quyết định duy nhất.
"Quan trọng hơn, người ta cần xem xét đến sự nỗ lực cá nhân, tinh thần không bỏ cuộc và khả năng thích nghi với thay đổi. Ngay cả khi nghỉ học hoặc tiếp tục học, điều cốt yếu là mỗi người phải biết tìm kiếm cơ hội và tận dụng tối đa nguồn lực mình có để đạt được mục tiêu", Đạt bình luận.
Trước đó, chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang đã chia sẻ với Tiền Phong sau phát ngôn của Negav. Theo chuyên gia này, phát ngôn của Negav không chỉ mang tính kích động với người trẻ, mà nghiêm trọng hơn, phát ngôn ấy cổ vũ tinh thần tiêu cực là xem nhẹ việc học, giáo dục.
Trong khi, việc học trước hết là học làm người, nghĩa là học cách ứng xử, cách sống có tôn ti trật tự, biết yêu thương, trân trọng những điều tốt đẹp xung quanh, sau mới đến học kiến thức. Bằng tốt nghiệp hay công việc chỉ là thử thách cuối cùng của việc học, không thể thay thế cả quá trình học.