Cụ thể, video về "Những lần mình kiếm tiền trên Tinder" của K. đã có gần 300 nghìn lượt xem với mô tả như sau: "Mình đã nhiều hơn một lần có thu nhập từ Tinder hay các app hẹn hò nhờ vào những chiêu trò mà mình sử dụng..."
Trong video, K. nói về các cách bản thân kiếm tiền như sau: Lập tài khoản trên Tinder sau đó hẹn các bạn nam gặp mặt ngoài đời. Kết thúc buổi gặp, K. sẽ hỏi bạn nam ngỏ ý mượn tiền mặt, cô sẽ chuyển khoản lại.
"Mình thường gặp các bạn nam rất là tốt nên không ai đòi mình chuyển khoản và trực tiếp đưa tiền cho mình đi taxi về, mỗi ngày như thế thường kiếm được 200 đến 500 nghìn. Mỗi ngày gặp một người như vậy là mỗi tháng được vài triệu, đó chính là tiền tiêu hàng ngày rồi", K. nói.
Ngoài ra, K. còn thừa nhận, cô viết hồ sơ thuê và giúp nhiều bạn nam trò chuyện, tán gái trên Tinder. “Không có nhan sắc, không có bằng cấp, mình phải dùng đến não thôi. Mình chỉ có thể dùng vận động hết tất cả cái gì mình có khả năng để kiếm tiền. Vì mình phải sống mà đúng không? Mình không thể nào mà không cần tiền được”, nữ YouTuber rao giảng.
Ngoài ra, cô kể tình huống hẹn gặp một người ở quán cà phê và ra điều kiện, đến muộn 1 phút sẽ tính 100.000 đồng. "Cuối cùng, người đấy ra muộn 30 phút và đưa cho mình 3 triệu đồng”, K. hào hứng kể lại.
Clip hơn 10 phút của K. hiện gây tranh cãi trên mạng xã hội. |
"Bong bóng" truyền thông hay nhận thức sai lệch?
Khi mạng xã hội tạo nhiều cơ hội phát triển bản thân cho những người trẻ ưa thích sự sáng tạo, người xem đôi khi khó chịu vì lướt gặp "nội dung rác" từ Facebook, TikTok, Tinder đến YouTube. Và cô gái tên K. nêu trên chỉ là một trong các trường hợp gây tranh cãi, bị cộng đồng chỉ trích trong thời gian gần đây.
Thanh Lâm (25 tuổi, chuyên viên truyền thông của một công ty tại Hà Nội) cho rằng, cô gái này đang tạo "bong bóng" truyền thông. Bởi khi xem hết các video của cô, cũng có các nội dung gây tranh cãi như "bịa CV xin việc bằng cách nào"...
"Khi càng có nhiều nội dung đi ngược lại nhận thức chuẩn mực chung của xã hội, K. sẽ càng thu hút sự chú ý và tương tác từ cộng đồng mạng. Ngay lập tức, sẽ có nhiều trang tin truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội "xướng tên" và tập trung vào tranh luận vấn đề mà K. khơi lên. Vô hình trung, K. được quảng cáo, truyền thông miễn phí", Lâm bày tỏ quan điểm.
Khác với Lâm, bạn Diệp Lê cho rằng, K. đang thể hiện cá tính, nhận thức của bản thân mà không sống trong "vỏ bọc" quy chuẩn nào.
"Mình không hoàn toàn ủng hộ quan điểm của K. Nhưng bạn ấy làm được một điều mà mình nghĩ ít người làm được đó là thừa nhận bản thân. Việc nhìn lại bản thân là tiền đề để giúp bạn tìm ra được cách để cải thiện tất cả những vấn đề mình gặp phải.
K. cũng chia sẻ rằng: Thành công nghĩa là được làm chính mình. Điều này mình đồng ý. Nhưng nếu dừng ở đó mình nghĩ là chưa đủ, thế nên mới có nhiều ý kiến trái chiều về những quan điểm mà bạn ấy đã nói. Sự thật là không có ai hoàn hảo cả, bằng chứng là chúng ta vẫn luôn phải hoạt động, làm việc, học hỏi... để hoàn thiện bản thân và trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày đó thôi. Hu vọng những gì nhận được sau video này sẽ giúp K. xác định lại giá trị của mình", Diệp Lê nói.
Bạn Anh Vu bình luận: "Mình cảm thấy bạn có một tư tưởng sai lệch và khá bất ngờ khi bạn có một sự tự tin lớn, dám chia sẻ những content phiến diện, một chiều. Mình mong, những bạn nữ hãy tỉnh táo và không được xem tư tưởng của K. là điều đúng đắn, hãy học, lao động bằng chính sức lực của mình. Nhờ vào video này, mình cảm thấy may mắn và càng trân trọng những bạn nữ xung quanh mình hơn vì không ai có suy nghĩ giống K.".
Gặp "nội dung rác", hành động thế nào?
Trong 6 tháng gần đây, cộng đồng mạng liên tục phải chứng kiến và đưa ra chỉ trích trước những video nhảm nhí, thiếu văn hóa như hai nữ hành khách tạo dáng, nhảy múa trên sân bay, cô gái vô tư ngồi tạo dáng trên băng chuyền hành lý, TikToker Nờ Ô Nô... nay là nữ YouTuber K. ...dạy kiếm tiền trên app hẹn hò Tinder.
Nói về vấn đề này, anh Hoàng Trí Dũng (CEO & Founder tại VCO Group - Hệ sinh thái truyền thông tuyển dụng) chia sẻ về cách hành động của người xem khi gặp những nội dung tương tự.
Đầu tiên, anh không đánh giá về con người của K. qua các video gây tranh cãi. "Cảm nhận video mang lại là K. rất tự hào về những "chiến tích" không tử tế đã làm được trong quá khứ. Thậm chí ở dưới phần bình luận, cũng có rất nhiều người đồng tình với bạn.
Tôi không mong những tư tưởng này được lan truyền rộng rãi nên mỗi người xem hãy ấn nút báo cáo để các video mang tư tưởng lệch lạc này được loại bỏ nhanh chóng. Qua những lần lùm xùm như vậy, lượng người theo dõi và view của K. đều tăng, nên có thể, bạn ấy sẽ thấy đó là hay và tiếp tục làm những content như thế".
Vì vậy, dù không thể loại bỏ hoàn toàn những video xấu độc hay ngăn cản những "TikToker "nửa mùa" lên sóng dẫn dắt dư luận, nhưng người dùng cần nâng cao chuẩn mực, nâng cao tiêu chuẩn tiếp nhận nội dung để "thanh lọc" khỏi các video vô giá trị.
Th.S. Bảo Trân (SN 1996, hiện sống tại Mỹ) vừa là bác sĩ, vừa tham gia vào hoạt động sáng tạo nội dung về lĩnh vực y khoa đưa ra lời khuyên:
"Nếu muốn nâng cao chuẩn mực của những người sáng tạo nội dung thì chính người dùng cũng phải "khắt khe" hơn nữa về nhu cầu tiêu thụ nội dung của mình.
Mặc dù, thuật toán "gây nghiện" (gợi ý video cho người dùng) của các nền tảng mạng xã hội đã phần nào tạo cơ hội cho những nội dung tiêu cực nhưng bằng hành động quyết liệt như báo cáo vi phạm, bình luận chỉ trích, cùng lên án tẩy chay... của người dùng sẽ nâng cao được chất lượng, chuẩn mực của mỗi sản phẩm sáng tạo".