ChatGPT - Cánh tay đắc lực cho người sáng tạo nội dung số

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Trợ lý trực tuyến 24h ChatGPT” đang được huấn luyện để trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ những người làm nghề sáng tạo nội dung số trong quá trình tìm kiếm, tổng thuật dữ liệu thô, hướng đến một bản sắc riêng với thông điệp có giá trị tới công chúng.

Ngô Thùy Trang (diễn giả Keira Ngo) hiện là quản lý nội dung đào tạo các chương trình về tâm lý học, đồng thời là một cây viết trên trang Spiderum. Hằng ngày Trang đối mặt với nhiệm vụ phải tạo ra một nội dung mới để “giữ chân” công chúng. Cô đang kỳ vọng về một công cụ mới xuất hiện như ChatGPT.

Những ngày gần đây, Trang sử dụng ChatGPT để lấy thông tin cơ bản làm dẫn chứng cho bài viết hoặc tham khảo để mở rộng tư duy vấn đề. Cô cho rằng, công cụ AI nào mới xuất hiện cũng đều thu hút sự bàn luận của con người, nhưng ChatGPT lại khác. Nó làm được những việc mà trước kia nhiều người sáng tạo nội dung nghĩ nó không làm được. Vì vậy, người sáng tạo đang bàn luận để còn nắm rõ xem mình sẽ bị thay thế bởi điều gì và cần cải thiện như thế nào để không bị thay thế.

ChatGPT - Cánh tay đắc lực cho người sáng tạo nội dung số ảnh 1

Nữ CEO Nguyễn Hồng Nhung cùng nhân viên thảo luận về hoạt động sáng tạo nội dung trong thời đại số

“Theo trải nghiệm cá nhân, tôi cho rằng, ChatGPT dừng lại ở mức hoàn thành công việc cơ bản chứ không tạo nên cái “độc” của người làm sáng tạo được thể hiện qua văn phong, trải nghiệm cá nhân, quan điểm cá nhân, các giá trị đạo đức cá nhân”, Trang chia sẻ.

Có thể hiểu “sáng tạo nội dung” (content creation) là một hoạt động sáng tạo ra cái mới hoặc thể hiện những kiến thức cũ bằng cách truyền tải mới dưới nhiều hình thức khác nhau từ văn bản, hình ảnh đến video, âm thanh… để phục vụ cho mục đích truyền thông, giải trí, giáo dục, tiếp thị hoặc xây dựng thương hiệu. Điều cốt lõi để đánh giá tính nhân văn của công việc này, đó là thông điệp của người sáng tạo truyền tải đến công chúng.

Theo Trang, có một số người trẻ làm sáng tạo nội dung mắc hội chứng “sợ bị mất việc” nên phần nào định kiến với ChatGPT và tiêu khiển nó. Họ có thể gặp áp lực tâm lý khi phải đối mặt với sự so sánh với các công cụ trí tuệ nhân tạo được cải tiến và cập nhật liên tục. Cảm thấy bị áp lực vì yêu cầu về chất lượng, độ sáng tạo ngày càng cao của nội dung số.

“Cần lưu ý rằng, sáng tạo nội dung càng cần có áp lực để tự nâng cao năng lực, sẵn sàng trong việc học cách tư duy vĩ mô, sắc bén, thiên về tư duy trừu tượng, logic, chứ không thể nào chỉ tường thuật lại hay lặp lại thông tin khoa học”, Trang nói.

Trang đưa ra gợi ý, hãy thử dùng một cách khéo léo ChatGPT, nó sẽ giải đáp các câu hỏi về nội dung và các yếu tố liên quan, cung cấp thông tin và kiến thức để giúp tăng cường trình độ sáng tạo. “ChatGPT còn gợi ý kịch bản quay, dựng hình, cách mở đầu ấn tượng cho các video ngắn đang thịnh hành trên nền tảng TikTok mà phần lớn người sáng tạo nội dung đang sử dụng”, cô nói thêm.

Tạo cơ hội cho người làm sáng tạo thể hiện mình

Khi những nhiệm vụ đơn giản đã được người máy xử lý, chị Nguyễn Hồng Nhung (CEO của Công ty Truyền thông Cready Creative) đang tập trung xây dựng lại bộ tiêu chuẩn đánh giá khả năng sáng tạo của nhân viên và đưa ra những yêu cầu cao hơn khi tạo ra một sản phẩm số.

Theo chị Hồng Nhung, sản phẩm của hoạt động sáng tạo nội dung chính là "hàng hóa ảo" - những vật thể phi vật lý, được mua - sử dụng trong cộng đồng trực tuyến bởi những khách hàng sẵn sàng chi trả để đạt được mục đích nhất định. Thông qua "hàng hóa ảo" (hay còn gọi là sản phẩm ảo) từ hoạt động sáng tạo nội dung sẽ giúp doanh nghiệp, nhãn hàng thực hiện hóa được kế hoạch tiếp thị, mở rộng thị trường, mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu. Khi các nhãn hàng, doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn, doanh thu tăng lên, đó chính là giá trị "hàng hóa ảo" tạo ra.

ChatGPT bùng nổ, chị Nhung tập trung củng cố và đưa ra tiêu chí mới cho các sản phẩm số của công ty mình để giữ và gia tăng “tệp” khách hàng. Những tiêu chí được củng cố như sau: Tăng mức độ cảm hứng và kích thích động lực truy cập cho người đọc, khách hàng bằng những ý tưởng đột phá; Nội dung có tính toán và lập luận hợp lý, có chiều sâu để thuyết phục người xem; Mọi hoạt động sáng tạo đều cần tạo ra sự gắn kết với khách hàng để lắng nghe phản hồi, góp ý…

“Việc nâng cao tiêu chí đánh giá hiệu quả của nội dung số giúp xác định hiệu quả của nội dung trong việc truyền đạt thông tin và giải quyết vấn đề. Từ đó xác định những điểm mạnh và điểm yếu của nội dung, giúp định hướng phát triển và cải thiện chất lượng nội dung để giữ vững uy tín và chất lượng. Nó cũng tạo thêm cơ hội cho những nhân viên làm sáng tạo thể hiện mình và ứng dụng tốt những tính năng mà trí tuệ nhân tạo đang tạo ra”, CEO Hồng Nhung chia sẻ.

MỚI - NÓNG