Chàng 'Sinh viên 5 tốt' và những bài báo khoa học

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Sinh viên 5 tốt” Trần Quốc Khánh, Trường Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TPHCM, sở hữu 2 bài báo quốc tế uy tín, giải Nhì cuộc thi lập trình Makerthon 2021, Huy chương Vàng Giải thưởng “Thiết kế - Chế tạo - Ứng dụng”…
Chàng 'Sinh viên 5 tốt' và những bài báo khoa học ảnh 1
Trần Quốc Khánh (thứ 2, từ trái sang) nhận khen thưởng tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo 2022 do Thành Đoàn TPHCM tổ chức

Đam mê nghiên cứu khoa học

Việc có các bài báo nghiên cứu khoa học, đặc biệt là bài báo Q1 trong vai trò là tác giả chính khi còn ngồi trên ghế giảng đường là điều không đơn giản. Với Trần Quốc Khánh, đây là kết quả của quá trình nỗ lực làm việc bằng đam mê và cống hiến. “Từ lâu, tôi luôn khao khát được trở thành nhà nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp và nghiên cứu chuyên sâu hơn để trở thành một nhà khoa học có năng lực của Việt Nam. Tôi làm nghiên cứu với niềm yêu thích, đam mê chứ không phải chỉ để hoàn thành các yêu cầu”, chàng trai SN 2000 đến từ miền quê An Giang chia sẻ.

Từ năm nhất đại học, Khánh đã bước vào con đường nghiên cứu khoa học với các đề tài nghiên cứu liên quan khoa học dữ liệu nói chung và xử lý ngôn ngữ tự nhiên nói riêng. “Chúng tôi dành nhiều thời gian để lựa chọn và viết đề cương chi tiết cho đề tài nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng đầu ra và giúp các thành viên xác định rõ được phạm vi, đối tượng và mục tiêu của việc nghiên cứu”, Khánh kể. Một trong những khó khăn mà Khánh phải đối mặt là nguồn tư liệu tham khảo. Trong khi nghiên cứu về các ngôn ngữ khác trên thế giới đã có sự phát triển vượt bậc, các nghiên cứu tương tự cho tiếng Việt vẫn còn gặp nhiều hạn chế về cả số lượng lẫn chất lượng. “Những khó khăn kể trên vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy chúng tôi không ngừng học hỏi, trau dồi. Trong quá trình đó, tôi luôn tự nhủ bản thân vượt qua chính mình để có thể làm chủ được tri thức và luôn giữ lửa đam mê nghiên cứu khoa học chân chính”, Khánh nói.

“Dọn rác” trên mạng xã hội

Khánh tâm đắc nhất với bài báo “Vietnamese Hate and Offensive Detection using PhoBERT-CNN and Social Media Streaming Data” đăng trên tạp chí quốc tế uy tín ISI, thuộc danh mục Q1, với chỉ số ảnh hưởng cao, Impact Factor (IF) = 5.102. Bài báo được thực hiện dưới sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Văn Kiệt và TS. Đỗ Trọng Hợp, Khánh là tác giả chính. Về ý nghĩa, tầm nhìn vấn đề mà bài báo hướng đến, Khánh nói rằng, sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của mạng xã hội đã và đang dần thay đổi cuộc sống của con người. Điều đó đặt ra vấn đề về an toàn mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng, đặc biệt là trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Trong đó, những bình luận có nội dung xúc phạm, miệt thị đang được xem là “rác”, “kẻ thù” giấu mặt trên mạng xã hội. Theo Khánh, để “dọn rác” những bình luận phản cảm, tiêu cực, không chỉ dựa vào đội ngũ kiểm duyệt hay sự ý thức của người dùng, mà cần có một giải pháp hiệu quả, tiết kiệm và có khả năng xử lý lượng lớn nội dung tiêu cực này.

Trong bối cảnh cấp thiết đó, Khánh cùng nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ giải pháp có tiềm năng ứng dụng nhằm phân loại liên tục các bình luận xúc phạm, thù địch từ các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Cụ thể, giải pháp của nhóm đề xuất gồm: đề xuất phương pháp mới và hiệu quả để giải quyết bài toán phát hiện ngôn ngữ xúc phạm tiếng Việt dựa trên mô hình PhoBERT-CNN; xây dựng các ứng dụng phân loại trực tiếp, liên tục nội dung từ kho dữ liệu lớn của YouTube.

Bài báo nghiên cứu này được Khánh và nhóm cộng sự phát triển thành sản phẩm “ViSomeCens - Vietnamese Social Media Censorship” đoạt Huy chương Vàng Giải thưởng “Thiết kế, chế tạo và ứng dụng” lần thứ 9 do Thành Đoàn TPHCM trao tặng. Sản phẩm này tạo ra một giải pháp mới cho bài toán nhận diện nội dung xúc phạm, phản cảm thể hiện bằng tiếng Việt. Ứng dụng có khả năng hỗ trợ các nhu cầu xử lý bình luận từ đơn lẻ đến hàng loạt. “Kết quả thu được là khá lạc quan và đáng tin cậy để giải quyết công việc, giúp giảm thiểu sự xuất hiện của các bình luận xúc phạm hoặc phản cảm, giúp tối ưu hoá nguồn nhân lực kiểm duyệt thủ công, góp phần xây dựng một môi trường lành mạnh và an toàn”, Khánh chia sẻ.

Trần Quốc Khánh, sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TPHCM là 1 trong 85 gương mặt xuất sắc nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp T.Ư năm 2022. “Sinh viên 5 tốt” là danh hiệu cao quý nhất của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam nhằm trao tặng, vinh danh những sinh viên đạt được 5 tiêu chí: Đạo đức tốt - Học tập tốt - Thể lực tốt - Tình nguyện tốt - Hội nhập tốt.

Học “đỉnh”, năng động

Khánh là một cán bộ Đoàn, Hội năng động, học “đỉnh”, tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Khánh hiện là Chi hội Trưởng Chi hội Khoa học kỹ thuật 2018, cùng Hội Sinh viên của trường tổ chức hàng loạt hoạt động ý nghĩa tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện, vui chơi, giải trí, như: ngày hội chào đón tân sinh viên, hội trại về nguồn, các giải giao lưu thể thao, seminar học thuật, chiến dịch tình nguyện… Điểm tổng kết năm học 2021-2022 đạt 9,37, thuộc tốp đầu của ngành học.

Bên cạnh việc học, Khánh hiện vừa làm nghiên cứu và phát triển, vừa là trợ giảng tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin - ĐHQG TPHCM. Khánh áp dụng kỹ năng phân chia công việc hiệu quả từ phương pháp Eisenhower Matrix.

Về những thành công đã đạt được, Khánh biết ơn những tháng ngày sinh viên sôi nổi sống trọn với đam mê học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động Đoàn, Hội, đặc biệt là danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp T.Ư. “Đối với tôi, “Sinh viên 5 tốt” không chỉ là một danh hiệu mà còn là thành quả của cả một quá trình dài phấn đấu không ngừng nghỉ. Quá trình rèn luyện phấn đấu đạt được 5 tiêu chí khắt khe của “Sinh viên 5 tốt”, giúp tôi phát triển các kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống”, Khánh nói.

MỚI - NÓNG