Kỳ 2:

Tù mù nguồn gốc thực phẩm ở chợ đầu mối

Nhiều hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc được bày bán tại chợ đầu mối phía Nam
Nhiều hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc được bày bán tại chợ đầu mối phía Nam
TP - Trong khi các cơ quan chức năng “gác” ở chợ đầu mối lơi lỏng, hàng hóa không rõ nguồn gốc tràn vào. Theo một số chủ buôn, cá tầm to thường là cá Trung Quốc nhập lậu, nhiều loại hoa quả được ngâm thuốc trước khi đến Việt Nam... bán với giá rất rẻ.

Cá Trung Quốc lại về!

Ngay đối diện cổng chợ cá làng Sở Thượng (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) có biển nghiêm cấm “các xe chở cá Trung Quốc vào chợ”. Thế nhưng, ven chợ và cả trong chợ, nhiều cửa hàng bán cá Trung Quốc vẫn hoạt động, chủ yếu là cá quả, cá tầm và cá nheo. Theo một tiểu thương, các loại cá này được nhập từ Trung Quốc về, do Việt Nam rất hiếm hàng, giá lại đắt.

Lái xe tên Tuyên (số điện thoại 016770055**), người chở cá tầm Trung Quốc về Việt Nam, nói rằng, anh cùng ba lái xe nữa thay phiên nhau chở cá tầm từ Trung Quốc về, trung bình một ngày rưỡi một chuyến, trọng tải xe 3,5 tấn, nhưng vẫn khan hàng. Để mua cá, khách phải đặt trước.

Mỗi cân cá tầm được bán cho tiểu thương với giá 180.000 đồng/kg, sau đó được phân phối lại cho nhà hàng, quán ăn với giá khoảng 550.000 đồng/kg. Nếu mua với số lượng lớn, có thể giảm giá. Một lái xe khác nói rằng, cá tầm Sapa (nuôi tại Sa Pa, Lào Cai) ít, giá khoảng 250.000 đồng/kg, trong khi cá tầm Trung Quốc chỉ 170.000-180.000 đồng/kg.

Ngay cạnh chợ làng Sở Thượng có một cửa hàng bán cá quả, chủ hàng tên Nguyệt (số điện thoại 09092245**). Khi được hỏi về nguồn gốc cá, chị Nguyệt lấp lửng “nhập ở khắp nơi, ở đâu có cá thì nhập”. Phóng viên hỏi tiếp “Có nhập ở Trung Quốc về không?”, bà chủ không trả lời mà quay đi chỗ khác với ánh mắt dò xét, đề phòng.

Theo một lái xe chở cá từ Hưng Yên, thời gian này, cá quả khan hàng nên khó mua với số lượng lớn phải chờ đến khoảng 4 giờ mới có hàng. Lúc đó, cá Trung Quốc mới về. Hơn nữa, khi bán lẻ đông đúc, sẽ tránh được sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Bên trong chợ có cửa hàng bán cá nheo Bảy Hạnh. Bà chủ tên Hạnh lấp lửng “lấy từ ao về chứ lấy ở đâu”.

Tuy nhiên, theo một số chủ buôn cá tại chợ, cá nheo nhập từ Trung Quốc mới có loại to và nhiều như vậy; cá Việt Nam vừa ít hàng vừa đắt. Thông thường, các chủ hàng chỉ nhập cá nguồn gốc Việt Nam với khối lượng ít để đánh lạc hướng cơ quan chức năng.

Rau không nhãn mác, trái cây ngâm thuốc

Chợ đầu mối Long Biên là trung tâm trung chuyển nhiều loại trái cây khắp cả nước. Trên nhiều xe hàng, đầy ắp những thùng xốp chi chít chữ Trung Quốc. Trên nhiều ki ốt còn ghi rõ “Hàng nhập từ Trung Quốc - Thái Lan”. Giá của các loại trái cây này khá “mềm”: táo Trung Quốc có giá 270.000 đồng/thùng 13 kg (khoảng 45 quả), táo xanh 130.000 đồng/ túi 7kg, quýt đỏ có giá 90.000 đồng/thùng 11 kg, lê 590.000 đồng/thùng 20kg…

Một chủ cửa hàng buôn táo nói: “Táo được nhập từ bên Trung Quốc về, để được hơn một tháng không vấn đề gì, cũng không cần thuốc bảo quản vì bên kia người ta ngâm thuốc rồi. Thuốc gì thì cũng không rõ nữa”. Đối với một số loại cam, quýt, lê, người buôn cũng khẳng định có thể để được cả tháng mà không bị hỏng.

“Táo được nhập từ bên Trung Quốc về, để được hơn một tháng không vấn đề gì, cũng không cần thuốc bảo quản vì bên kia người ta ngâm thuốc rồi. Thuốc gì thì cũng không rõ nữa”.

Một chủ cửa hàng táo ở chợ Long Biên

Tại chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai), từ hai giờ sáng đã tấp nập ô tô xe máy chở rau quả vào chợ. Không chỉ trong chợ mà các xe thồ rau cũng tụ tập kín rìa đường phía ngoài chợ, với đủ loại: su su, cải bắp, cà chua... Từ ba giờ sáng, thương lái đổ về chợ lấy hàng. Khảo sát của phóng viên tại chợ cho thấy, hầu như không có sản phẩm nào được dán nhãn, ghi nguồn gốc. Chị Hoa (một tiểu thương) nói: “Có phải bán vào siêu thị đâu mà cần nhãn mác”. Khi được hỏi rau được lấy từ đâu, một tiểu thương tên Mai nói rằng, các loại rau của nhà chị lấy ở Thường Tín, dưa chuột được chuyển từ Thanh Hóa ra. “Vận chuyển hàng vào chợ không ai qua kiểm tra, giám sát, cứ mang rau vào chợ và chờ thương lái tới mua thôi”, chị Mai nói.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.