Tư lệnh Biên phòng: 'Tổ quốc là trên hết'

TPO - Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) - Trung tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định như vậy, khi trao đổi với báo chí về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Luật Biên phòng Việt Nam nếu được Quốc hội thông qua là mong mỏi không chỉ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP mà là mong mỏi của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong đó đặc biệt là hơn 9,4 triệu đồng bào ở biên giới.

Các nội dung cụ thể của Luật sẽ giải quyết được các vấn đề về chính sách, nguyên tắc, biện pháp, nghiệp vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và các cơ chế phối hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững biên cương bờ cõi của Tổ quốc, tạo điều kiện xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và thật sự phát triển.

Tư lệnh Biên phòng: 'Tổ quốc là trên hết' ảnh 1 “Tôi cho đây là một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhất, là kim chỉ nam cho các hoạt động ở biên giới và biên phòng. Đây không chỉ là kỳ vọng mà còn là khát vọng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP”, Tư lệnh BĐBP nhấn mạnh.

Nói về những đóng góp thầm lặng của lực lượng quân hàm xanh qua chặng đường hơn 60 năm thành lập, phát triển, người đứng đầu lực lượng Biên phòng dẫn chứng những hy sinh của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong thời chiến cũng như thời bình. Và ngay tại thời điểm này, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát rất tốt, nhưng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vẫn đang ngày đêm chịu đựng gian khổ, chốt chặn tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở để giữ cho hậu phương yên bình, trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và thời tiết rất khắc nghiệt.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết, tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam để khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh cũng như thể chế hóa được đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời thể hiện toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách Nhà nước về nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới…

Tư lệnh Biên phòng: 'Tổ quốc là trên hết' ảnh 2 Cán bộ biên phòng đưa các em nhỏ miền núi tới trường trong mùa mưa lũ. Ảnh: BĐBP

Không chồng chéo với nhiệm vụ Hải quan

Trước những ý kiến về việc có sự chồng chéo nhiệm vụ giữa Hải quan và Biên phòng tại địa bàn cửa khẩu hay không, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, về kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, trong Dự án Luật quy định BĐBP có quyền “Kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định pháp luật” là hoàn toàn phù hợp, xuất phát từ cơ sở pháp lý được quy định trong các nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật hiện hành như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị; Điều 49, Luật Xuất nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014; Điều 6, Pháp lệnh BĐBP…

Trên thực tế, hiện nay, BĐBP đang trực tiếp kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người, phương tiện tại 117 cửa khẩu, cảng biển. Trong thời gian gần đây, việc lợi dụng cơ chế kiểm soát hàng hóa thông thoáng ở cửa khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại ở cửa khẩu diễn biến phức tạp, BĐBP đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sử dụng phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Tư lệnh Biên phòng: 'Tổ quốc là trên hết' ảnh 3 Cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Côn (BĐBP tỉnh Cao Bằng) giới thiệu đường biên giới cho chiến sĩ mới. Ảnh: BĐBP

Do vậy, việc kiểm tra hàng hóa do Hải quan chủ trì và BĐBP kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu như Dự án Luật quy định là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của Hải quan. “Tôi cho rằng là phải vì quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của Tổ quốc là trên hết chứ không phải vì lợi ích nhóm hay một bộ phận nào đó”, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nói.

Dự án Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 chương, 33 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo chương trình, dự án Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ 9 trong tuần tới.

Trong quá trình soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của 19 bộ, ngành, UBND 44 tỉnh, thành phố biên giới; khảo sát, tọa đàm tại 17 tỉnh, thành phố biên giới và được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, không trùng lặp về nội dung với các văn bản pháp luật hiện hành.

MỚI - NÓNG