Từ lễ Giáng sinh, tản mạn về giáo dục ở Pháp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đêm Giáng sinh và chào đón năm mới năm nay ở nhiều nơi vắng vẻ. Chủng Omicron đang lan chóng mặt. Mỗi ngày có hơn ngàn người dương tính chủng mới này ở Pháp. Vô tuyến suốt ngày nhắc đến COVID, và thông báo dịch lan tràn, nhắc phòng tránh hơn là nhắc đến Noel.
Từ lễ Giáng sinh, tản mạn về giáo dục ở Pháp ảnh 1

Paris rực rỡ trong mùa Giáng Sinh, dù dịch bệnh vẫn chưa hạ nhiệt

Nhà thờ vẫn làm lễ đón Chúa giáng sinh. Các con chiên không đến dự đông như mọi năm. Tất cả đều đeo khẩu trang kể cả cha cố. Cha phải làm gương và tôn trọng pháp luật như mọi công dân. Khẩu trang chỉ bỏ khi cha cố đứng làm lễ cầu nguyện ở trên bục cao.

Lễ Giáng sinh nhà thờ Saint Cloud mở cổng đón tất cả mọi người. Một vài trẻ theo cha mẹ đến dự lễ chạy tung tăng, dù cha mẹ dỗ dành khuyên ngồi yên. Trẻ con hiếu động lê la từ ghế này sang ghế khác… Trên cha cứ giảng, mọi người cứ Amen, có cô bé cứ tự nhiên núp trốn chơi trong nhà thờ. Mọi người đều mỉm cười khi cô bé đến gần.

Buổi lễ mừng Chúa như một buổi biểu diễn nghệ thuật. Một thiếu nữ hát thánh ca. Cha giảng như hát du dương. Dàn nhạc nhà thờ thỉnh thoảng vang lên. Giờ Chúa giáng sinh, tiếng đứa trẻ khóc chào đời trong tiếng nhạc như tiếng mẹ ru trầm bổng.

Cuối cùng mọi người từ từ xếp hàng lên nhận bánh thánh. Một số người sợ lây dịch nên chỉ đứng từ xa cầu nguyện. Mọi người lần lượt rời khỏi nhà thờ. Vài thanh thiếu niên mặc áo choàng trắng đứng phát kẹo sô cô la và chúc đêm Giáng sinh vui vẻ. Cha rất hòa đồng, ra cửa tiễn và chào từng con chiên. Trời bỗng đổ mưa khi tan lễ. Nhà thờ vẫn mở rộng cửa cho con chiên đứng nán lại trú mưa. Cha đứng trò chuyện với mọi người và chờ tạnh mưa cùng tất cả.

Từ lễ Giáng sinh, tản mạn về giáo dục ở Pháp ảnh 2

Chụp ảnh kỷ niệm cùng cha cố

Sự hòa đồng, nhân ái của cha cố trẻ tuổi tạo nên sức hút kỳ diệu. Đại đa số người đến dự lễ lớn tuổi hơn cha, nhiều người tóc bạc trắng, đều kính cẩn quỳ hay đứng hát thánh ca cùng cha và nữ ca sĩ. Cô gái trẻ hát các bài thánh ca với giọng trong vắt. Buổi lễ tạo cảm giác một lớp trẻ đang vươn lên thay thế lớp già ở Pháp.

Trước kia mọi người đều thường thấy cha cố già, tóc muối tiêu. Cha cố trong buổi thánh lễ tôi vừa dự trẻ trung, đôi mắt sáng thông minh. Cha nói: "Tôi 26 tuổi. Từ 26 năm nay tôi luôn tin Chúa cứu rỗi. Niềm tin sẽ giúp tất cả vượt qua giai đoạn khó khăn này". Cha cũng không quên vấn đề bảo vệ môi trường đang là trọng điểm được nhiều người quan tâm. Đảng Môi trường ở Pháp đang thu hút được nhiều phiếu vì trái đất đang nóng dần lên do biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Quả đất bị ô nhiễm. Cha mong mọi người hãy cầu Chúa cứu quả đất. “Chúng ta tin Chúa, hãy cùng Chúa giúp cứu trái đất, và cứu chúng ta…”.

Nhiều người Việt qua Pháp được nhà thờ cưu mang, giúp học tiếng Pháp miễn phí và phát quần áo, đồ ăn. Nhà thờ giống như chùa Việt là điểm hẹn và nơi mở lòng cứu nạn.

Giáo dục tốt tạo nên con người tôt. Vì thế ở Pháp, trường đại học sư phạm là trường đòi hỏi điểm cao nhất và sinh viên được ưu đãi nhất. Nhiều người tự hào tốt nghiệp trường đại học sư phạm nổi tiếng ở Paris. Đội ngũ giáo viên giỏi, phẩm chất tốt, tất sản sinh ra những thế hệ giỏi cho đất nước. Giáo hội cũng đầu tư vào giáo dục. Trước kia giáo dục của Pháp thuộc về hệ thống nhà thờ. Nước Pháp sau hai cuộc cách mạng 1789 và 1848 đã thành công tách nhà nước ra khỏi nhà thờ. Việc phi tôn giáo trong học đường chính là sự tôn trọng và tự do tín ngưỡng vốn đa dạng trong cuộc sống, tránh được chiến tranh tôn giáo thường xảy ra. Trên đất Pháp, khi có nhiều người Á - Phi sinh sống, nhiều đền chùa, nhà thờ đạo Hồi mọc lên.

Ngày nay, ở Pháp vẫn song tồn trường học tư thuộc giáo hội quản lý. Cuộc đua về giáo dục giữa trường công và trường tư luôn ngầm tồn tại. Do đó chất lượng giáo viên càng đòi hỏi cao. Để bảo đảm chất lượng thi cử quốc gia, trường thuộc giáo hội cũng lựa chọn học sinh tuy những trường này luôn mở rộng đón trẻ em từ các tín ngưỡng khác nhau. Nhiều học sinh gốc Á-Phi, gia đình theo Phật giáo và đạo Hồi, Ấn gửi con ở các trường này.

Đi dự lễ nhà thờ càng hiểu thêm vai trò giáo dục. Khi những người truyền giáo đến nơi xa lạ, việc đầu tiên là họ chịu khó ghi chép ngôn ngữ và tìm hiểu phong tục địa phương cùng tín ngưỡng bản xứ… Để hoàn thành một cuốn từ điển khi không biết ngôn ngữ bản xứ đòi hỏi sự kiên nhẫn, sự thông minh và cách tiếp cận cũng như những ghi chép tỷ mỉ của các cha cố thời đó. Chữ quốc ngữ hình thành ngày nay nhờ công của một số cha dòng trong đó có cha cố Alexandre de Rhodes nhiều năm sống ở Việt Nam. Nhờ sự ghi chép cần cù của những người truyền giáo và một số nhà nghiên cứu văn hóa Pháp thời thuộc địa, ngày nay chúng ta có nhiều văn bản ghi chép phong tục Việt cổ xưa.

Tôn giáo đến với dân bằng con đường giáo dục và tình thương yêu. Trong giáo dục cần như vậy. Ở Pháp, tất cả những ai lên giảng đường bất kỳ cấp nào đều có bằng về phương pháp và tâm lý giảng dạy, họ phải trải qua một cuộc thi tuyển sau khi có bằng giáo dục. Cấp mầm non, mẫu giáo càng đòi hỏi trình độ sư phạm và kiến thức. Họ chính là những người cha mẹ thứ hai song hành dẫn dắt đứa trẻ bước vào đời.

Không phải ai cũng có thể làm thầy cô. Nghề giáo đòi hỏi ngoài trình độ còn cần có sự kiên nhẫn và tình yêu. Xưa các cụ đồ được dân làng kính trọng vì truyền cho con họ cái chữ. Dân nghèo sẵn sàng đổi công làm ruộng giúp thầy để mong con cái được nên người. Học trò tôn kính thầy, luôn sợ thầy mắng khi làm sai.

Nhìn lớp trẻ dưới 30 điều khiển một ngày lễ trọng đại ở một thành phố ngoại ô nổi tiếng – nơi có khá nhiều tầng lớp quý tộc khá giả đang sống, đòi hỏi việc đào tạo cẩn thận của giáo hội. Tổng thống Pháp Macron rất trẻ nhậm chức ở tuổi 43 là một bằng chứng trẻ hóa đội ngũ. Muốn làm được điều này vấn đề giáo dục phải được tôn vinh từ hàng đầu.

Tổng thống Macron khi nhậm chức tuyên bố: Không có một văn hóa Pháp mà có một nền văn hóa trên đất Pháp. Điều này là sự tôn trọng sự đa dạng văn hóa thế giới đang tồn tại trên đất Pháp. Chính vì thế Pháp cho phép học sinh được quyền lựa chọn trong hơn 20 sinh ngữ mà mình thích trong đó có tiếng Việt. Điều này thu hút nhân tài từ các nước đến, giúp họ khó khăn vượt qua rào cản ngôn ngữ để sánh vai hòa nhập cộng đồng và yêu thêm nước Pháp. Lễ Giáng Sinh ở nhiều nơi do cha cố da màu điều khiển như nhà thờ ở thành phố Bauvais. Kỷ niệm 200 năm mừng quốc khánh Pháp tổ chức long trọng ở đại lộ Champs Élysée, nữ ca sĩ nổi tiếng da màu hát khai mạc.

Một xã hội đẹp chính là nhờ sự tôn vinh giáo dục, và tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Cởi mở và hòa đồng, chung sống hòa bình chính là khát vọng chung của nhân loại trên quả địa cầu.

MỚI - NÓNG