Hà Nội hướng dẫn các trường tuỳ tình hình dịch linh hoạt kiểm tra cuối kỳ I |
Cụ thể, đối với học sinh lớp 1, lớp 2 bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
Nếu tổ chức theo phương án này, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp đảm bảo an toàn phòng dịch để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung cốt lõi cho học sinh trước khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt linh hoạt vào các thời điểm phù hợp.
Trong trường hợp bất khả kháng, cơ sở giáo dục tiểu học có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD&ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.
Đối với học sinh các khối 3, 4, 5, bài kiểm tra định kỳ được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến.
Linh hoạt phương thức đánh giá
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, nhà trường đã lập 2 phương án kiểm tra học kỳ trực tuyến và trực tiếp tuy nhiên cần chờ hướng dẫn của Phòng GD&ĐT và tình hình dịch trên địa bàn.
Sau đó, trường sẽ tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về việc cho con tới trường ôn tập và kiểm tra. “Nếu điều kiện dịch đảm bảo, phụ huynh đồng thuận, học sinh đến trường ôn tập ít buổi sau đó thực hiện bài kiểm tra sẽ đảm bảo chất lượng. Nếu không, kiểm tra trực tuyến cũng không gặp nhiều khó khăn vì học sinh đã quen với phương thức này”, Hiệu trưởng này nói.
Tuy nhiên, vẫn có một số phụ huynh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Hà Nội yêu cầu các trường kiểm tra học sinh nhỏ tuổi bằng phương thức trực tiếp là không phù hợp.
Trao đổi với PV, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến cho hay: “Sở GD&ĐT không bắt buộc tất cả các trường kiểm tra định kỳ trực tiếp đối với lớp 1, lớp 2”.
Thay vào đó, các địa phương áp dụng linh hoạt phương thức đánh giá định kỳ, nơi nào đảm bảo các điều kiện như: Vùng dịch an toàn, phụ huynh đồng thuận... sẽ ôn tập, kiểm tra trực tiếp; nơi nào chưa đảm bảo sẽ kiểm tra trực tuyến. “Với phương thức linh hoạt như vậy, nhà trường, cơ quan quản lý các huyện, quận, thị xã sẽ căn cứ tình hình dịch trên địa bàn có đảm bảo hay không để thống nhất với phương án Phòng GD&ĐT đề xuất”, ông Tiến nói.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết, địa phương có 29 trường tiểu học, trong đó có 2 xã có dịch ở mức độ 2, còn lại mức độ 1.
Sau hướng dẫn của Sở, Phòng GD&ĐT sẽ xây dựng các phương án nhằm đảm bảo tổ chức kiểm tra học kỳ I đối với lớp 1, lớp 2 cả hai phương án trực tiếp và trực tuyến. Trường nào đảm bảo các điều kiện, được sự đồng thuận của phụ huynh sẽ chia ca để học sinh đến trường ôn tập và kiểm tra trực tiếp. Trường hợp bất khả kháng kiểm tra trực tuyến bao gồn các học sinh liên quan đến F, khu vực phong toả và gia đình không đồng ý cho con tới trường. “Cách làm như vậy vừa đảm bảo chất lượng sau một thời gian học trực tuyến đồng thời linh hoạt cho học sinh và các nhà trường”, ông Hậu nói.
Nghệ An:
Học sinh ở thành phố Vinh đi học trở lại
Ngày 24/12, UBND thành phố Vinh (Nghệ An) ban hành văn bản chuẩn bị đón học sinh cấp Tiểu học và học sinh khối 6,7,8 cấp THCS trở lại trường. Theo đó, học sinh sẽ được đi học trực tiếp bắt đầu từ thứ Hai, ngày 27/12. Việc quyết định cho học sinh đi học trở lại được căn cứ khi hiện tại trên địa bàn thành phố Vinh tình hình dịch bệnh cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin phòng dịch đủ liều đạt tỷ lệ cao, người dân đã có ý thức hơn trong thực hiện 5K và các biện pháp phòng chống dịch và thành phố Vinh được phân loại cấp độ dịch được xác định ở cấp độ 2.
Thu Hiền
TPHCM: Học sinh nhiều khối lớp sẽ đến trường
Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, sau 2 tuần thí điểm, học sinh khối 9 và 12 sẽ tiếp tục đến trường. Bên cạnh đó, Sở cũng triển khai các trường lấy ý kiến toàn bộ phụ huynh học sinh các cấp về việc cho học sinh, đồng thời các quận, huyện đề xuất phương án dạy học trực tiếp từ 3/1/2022.
Chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng cửa trường từ tháng 1/2022, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện báo cáo kết quả tổ chức học tập trực tiếp 13-25/12. Nội dung gồm tình hình dạy học trực tiếp lớp 9 và 12; số liệu về F0, F1 phát hiện khi học trực tiếp; công tác chuyên môn dạy và học; những thuận lợi, khó khăn gặp phải; kiến nghị, đề xuất về lộ trình thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, từ 3/1/2022. “Từ cơ sở này, UBND TPHCM sẽ quyết định lộ trình tổ chức dạy học trực tiếp sắp tới với các khối lớp khác. Riêng khối 9 và 12, học sinh vẫn đến trường học sau ngày 25/12”, Sở GD&ĐT TPHCM thông tin..
Ngoài đề xuất các khối lớp 6, 7, 8, 9 đến trường từ ngày 3/1, quận 8 còn đề xuất cho học sinh tiểu học đi học trực tiếp vào thời gian trên.
Nguyễn Dũng