Tư duy đường làng trên Quốc lộ 1A

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
TP - Quốc lộ 1A vừa được mở rộng đảm bảo cho 4 làn xe lưu thông từ Hà Nội tới Hà Tĩnh khang trang, thuận tiện. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn đã xuất hiện đủ thứ nhếch nhác: Nhiều đoạn bị phá dỡ, người tham gia giao thông vác xe qua dải phân cách, đi như trên đường làng... Nhiều người lo ngại vấn đề tai nạn giao thông và giảm hiệu quả đầu tư.

Phá dải phân cách để quán phở đông khách

Theo khảo sát mới nhất của Tiền Phong, tình trạng tháo dỡ tấm chống chói (ngăn ánh đèn của xe ngược chiều và người đi bộ băng ngang đường)… vẫn diễn ra trên Quốc lộ (QL) 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, đoạn từ huyện Quảng Xương - Tĩnh Gia, có những điểm, người dân tháo từ vài mét đến hàng chục mét tấm chống chói để tiện đi bộ qua đường.

Ở một số đoạn không tháo được tấm chống chói, có người đã chuyển đổi sang xếp gạch ngay sát dải phân cách cứng hoặc lồng các thanh gỗ nhỏ (qua các lỗ trên dải phân cách) để tiện trèo sang đường. Tình trạng này khiến người lưu thông trên đường, đặc biệt là người điều khiển ô tô không ít lần thót tim. Để tránh tai nạn, tài xế ô tô phải đi chậm lại hoặc né áp sang làn đường bên cạnh để tránh những cú nhảy bất ngờ của người đi bộ từ dải phân cách xuống lòng đường.

Gần đây, báo Tiền Phong có bài phản ánh về thực trạng dải phân cách trên QL1A bị tháo dỡ, di dời. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã có ý kiến xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do tâm lý ngại xa, không ít người dân chuyển sang đi ngược chiều cho dù, nhiều đoạn, khoảng cách giữa các điểm mở dải phân cách chỉ vài trăm mét.

“Với các dự án thuộc QL 1A còn vốn dư cần dành để làm cầu vượt, trước hết tại các điểm đông dân cư như thị trấn, chợ, bệnh viện và trường học. Tại các dự án không có vốn dư, cần tập trung tìm giải pháp kỹ thuật như tăng gờ giảm tốc tại những nút giao để cảnh báo. Lâu dài, cần lập dự án riêng để tăng cường làm cầu vượt, tạo ra điểm giao cắt khác mức”. 

Ông Nguyễn Văn Thạch

Mới đây, công an xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An) bắt Cao Thanh Tùng (trú ở xã Diễn Ngọc) khi anh này đang tháo dỡ dải phân cách. Tại cơ quan công an, Tùng khai, mục đích phá dải phân cách để thu hút khách vào quán phở của mình. Do đây là lần đầu vi phạm, cơ quan chức năng chỉ cảnh cáo trường hợp này.

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều nơi trên QL1A (đoạn qua huyện Diễn Châu) lan can đường bị tháo dỡ, rào chống chói bị đập phá… Các cơ quan chức năng ngày đêm ráo riết tuần tra, trên tuyến QL1A, nhưng một số nơi, người dân vẫn bất chấp, lén lút phá dải phân cách.

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Giám đốc Cty Luật hợp danh Hoàng Gia, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thanh Hóa cho biết, theo hướng dẫn của Nghị định 126/2008, QL 1A là công trình quan trọng tầm quốc gia. Do đó, việc phá hủy hạng mục thuộc công trình này vi phạm Luật Hình sự, có thể bị xử phạt từ 3 đến 12 năm.

Tư duy đường làng trên Quốc lộ 1A ảnh 1

Nguy hiểm rình rập trên QL 1A (chụp tại huyện Quảng Xương - Thanh Hóa). Ảnh: Sỹ Lực.

Sẽ mở bổ sung nhiều “cửa khẩu”

Ông Cao Văn Việt, ở xã Diễn Hồng (Diễn Châu, Nghệ An) cho hay: “Trước đây, đoạn từ huyện Quỳnh Lưu vào huyện Diễn Châu, tai nạn xảy ra như cơm bữa. Từ ngày nâng cấp QL 1A, có dải phân cách để phân luồng, tai nạn giảm hẳn”. Tuy nhiên, một số người dân xã Diễn Hồng phản ánh, do dải phân cách tại đây nhiều đoạn quá dài, có nơi khoảng 2 km. Nhìn thấy nhà đối diện bên kia đường, muốn sang phải đi gần 2-3 km mới tới nơi. Vì vậy, nhiều người đề nghị cần phân bổ đều hơn các “cửa khẩu”.   

Một số đoạn ở Quỳnh Lưu-Nghệ An (do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư), Hà Tĩnh (nam cầu Bến Thủy do Cienco 4 làm chủ đầu tư) đường vừa khánh thành vài tháng đã xẩy ra hiện tượng hư hỏng. Ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân không gỡ dải phân cách, tuân thủ nguyên tắc giao thông, tỉnh Nghệ An cũng cho rà soát để “mở lối”. “Mục tiêu là mở lối dân sinh ở chỗ nào, an toàn chỗ đó. Các điểm không mở, nếu người dân vẫn cố tình phá hoại, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý”, ông Điền nói.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Đường bộ (cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt mở đường ngang trên QL 1A) cho hay: “Đứng trước tình hình xảy ra tại Thanh Hóa, Nghệ An vừa qua, Bộ GTVT có chủ trương xem xét lại để mở thêm, hoặc điều chỉnh dải phân cách tại một số điểm. Hiện, tổng cục đã hoàn tất việc khảo sát và sẽ sớm công bố các điểm sẽ được mở bổ sung”.

Lo tai nạn, giảm hiệu quả đầu tư

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng ATGT (Bộ GTVT) cho hay, trong quá trình thiết kế QL 1A, các đơn vị thuộc Bộ GTVT đã làm việc với Ban An toàn giao thông các địa phương để thống nhất các điểm giao cắt. Các điểm này được quyết định dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn, các điểm có độ dốc cao, góc cua, tầm nhìn hạn chế… sẽ không được xem xét mở dải phân cách.

Nơi nào, các đường ngang gần nhau sẽ được gộp lại, ưu tiên mở một vị trí hợp lý nhất. “Bộ GTVT đặt mục tiêu quy hoạch khoảng cách trung bình của đường ngang khoảng 1 km. Nhưng hiện nay, mật độ điểm giao cắt đã dày hơn. Vì thế, việc mở thêm thực sự rất đáng lo ngại; đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông” - ông Thạch nói.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cũng cho rằng, cần hạn chế tối đa việc mở thêm đường ngang để tuyến QL1A khai thác đúng hiệu quả đặt ra của dự án (phương tiện có thể di chuyển tốc độ tối đa 80 km/h).

“Nếu chúng ta chiều theo hết ý kiến của người dân và địa phương, tốc độ khai thác sẽ không đạt yêu cầu, dẫn đến hiệu quả đầu tư tuyến đường giảm xuống” - ông Sanh nói.

Một đại diện Ban Quản lý dự án 1 (Bộ GTVT) cho biết: “Quan điểm của tôi là muốn giữ đúng như quy hoạch; hạn chế tối đa việc điều chỉnh. Không chỉ ở đoạn Thanh Hóa - Nghệ An. Nếu cứ mở nhiều sẽ tạo tiền lệ không tốt cho các đoạn đưa vào khai thác sau này. Hiệu quả của toàn bộ dự án hơn 1.400 km từ Thanh Hóa vào đến Cần Thơ sẽ bị giảm đi”.

Giải pháp triệt để hơn để giải quyết tình trạng này chính là làm cầu vượt qua đường, trước hết là cầu vượt cho người đi bộ. Thực tế, việc xây dựng cầu vượt cũng đã được thực hiện tại một số tuyến. Theo ông Trần Xuân Sanh, để làm được điều đó cần một nguồn lực lớn và không dễ thực hiện trong điều kiện hiện nay.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.