Thực ra, không cần đến chuyên gia “soi”, người bình thường cũng có thể phát hiện những lỗi chính tả sơ đẳng trong từ điển trên, như “bàn hoàn”; “xỉ nhục”; “xét sử”; “xít xoa”… (đúng chính tả phải “bàng hoàng”; “sỉ nhục”; “xuýt xoa”…).
Từ điển chính tả sai chính tả vốn đã là chuyện gây bức xúc. Thái độ của chủ biên cuốn từ điển lại như “đổ dầu vào lửa”. Ông không nhận sai, mà lí luận rằng, muốn “cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng”; “Nhà nước chưa có một văn bản nào ở cấp nhà nước về chuẩn chính tả” v.v.
Cuốn sách bị thu hồi là một quyết định đúng đắn, góp phần làm dịu dư luận. Song ở đây cần nhìn nhận thái độ của người làm khoa học. Nhiều độc giả đánh giá chủ biên cuốn từ điển đã ngụy biện, loanh quanh, cốt chỉ để không phải nhận lỗi.
Chúng tôi có một cuộc trao đổi ngắn với một trong những chuyên gia hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực ngôn ngữ. Ông không muốn “lộ diện”, song sẵn sàng chia sẻ hiểu biết và quan điểm của mình. Chuyên gia đứng về phía dư luận: “Người ta vạch ra những lỗi sai ấy là đúng.”. Ông còn nói: “Vì sao sai tôi đoán được ngay, phân tích được ngay. Một số sai do ẩu, chính tả thông thường cũng không kiểm tra. Còn số khác thì do tác giả từ điển trích dẫn từ những nguồn trên sách báo, không kiểm tra.
Ông lấy ví dụ: “Chữ “chỉnh chu” (đáng lẽ là “chỉn chu”). Tôi chắc chắn có một bài viết của ai đó ngày xưa đã viết “chỉnh chu”. Nhưng đừng thấy cứ được in trên báo là tưởng đúng rồi, cứ chọn vào, không cần kiểm tra. Hay “bàn hoàn”, “bàng hoàng” rõ ràng khác nhau. Anh chủ quan cho đó là một từ, cũng… “chết”. Không trốn tránh vào đâu được. Lỡ sai rồi, nếu là tôi, tôi sẽ cáo lỗi và chỉnh sửa. Tranh luận làm gì”.
Vị chuyên gia dẫn lại trường hợp lỗi trong từ điển của GS. Nguyễn Lân: “Tôi không trách cụ Nguyễn Lân, vì cụ cao tuổi và cũng đã khuất. Nhưng tôi trách người xung quanh cụ, con cháu cụ đáng ra phải biết ở tuổi cụ làm được như thế là quí rồi. Nếu thấy sai thì sửa cho cụ, rồi in, thế thì chẳng ai nói gì. Đằng này lại lên tiếng một cách không cầu thị”. Ông kết luận : “Mọi việc trên đời khó vẹn toàn, làm khoa học cũng vậy. Biết sai thì sửa. Thế mới trung thực và hài hòa”.
Nếu người trong cuộc có thái độ trung thực thì “Từ điển chính tả tiếng Việt” đã không ồn ào đến thế. Câu hỏi cuối cùng chúng tôi đặt ra cho vị chuyên gia nọ: “Độc giả nên chọn cuốn từ điển tiếng Việt nào trên thị trường sách hiện nay?”.
Ông không dám đưa ra lời khuyên với độc giả nhưng theo đánh giá của ông “Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê rất tốt”. Từ điển Hoàng Phê xuất bản lần đầu năm 1988. Xem ra, cứ chọn “món truyền thống” lại an toàn, “món mới” gần đây có vẻ hơi gây hoang mang?