Lựa chọn giữa bán vé số và chơi thể thao
Nguyễn Thị Thu Nhi nói: “Em sinh ra ở Tri Tôn, An Giang, nhưng ít khi về quê vì em sống với mẹ và bà ở Sài Gòn từ nhỏ. Ba em là người Khmer. Mẹ là người Việt. Lâu thấy cháu gái về thăm thì ông bà rất mừng”.
Bố của Thu Nhi, theo lời cô nói thì: “Ông không phải dân chơi thể thao, nhưng thể lực rất tốt và chăm chỉ làm việc. Thường ngày, công việc của bố em là đẩy xe bán cá viên chiên”. Trong một tấm ảnh hiếm hoi, Thu Nhi chụp cùng bố và mẹ, bố cô cao ráo và cương nghị còn mẹ cô là một phụ nữ hiền lành và nhỏ bé. “Em rất ít chụp ảnh, vì tuổi thơ em nghèo khó. Quần áo cũng phải đi mượn bạn bè để mặc” - nhà vô địch thế giới nhớ lại tuổi thơ của mình.
Trên đỉnh vinh quang. Ảnh: Tư liệu của VĐV |
“Gia đình em khó khăn, nên một buổi đến trường, một buổi em đi bán vé số nuôi mẹ và bà ngoại” - Thu Nhi kể - “Em đi bán vé số lang thang ngoài đường, số tiền kiếm được đều dành dụm đem về cho mẹ. Chẳng có lấy một bộ quần áo đẹp. Ai cho gì mặc nấy”.
Nghị lực của Thu Nhi thật phi thường, cô đam mê học hành nên vẫn học hết lớp 12, dù cô bé thường xuyên bị ám ảnh việc bị bạn bè gặp khi đi bán vé số dạo.
“Em nghĩ rằng mình nên biết chút võ phòng thân, kẻo đi bán vé số ngoài đường cũng dễ bị ức hiếp. Em xin học lớp võ cổ truyền, nhưng thầy thấy em năng khiếu nên dạy thêm cho em môn boxing”. Thu Nhi cho biết cô lỳ và rất khỏe, do đi bộ nhiều, đội nắng mưa mỗi ngày. “Ai cũng ngại boxing là môn thi đấu đối kháng dữ dội, nhưng em thấy nó cũng bình thường thôi”.
Một cuộc “đấu tranh tư tưởng” rất lớn trong cô bé đó là nếu tập boxing chuyên nghiệp thì không còn thời gian bán vé số nữa. Đó là một sự đánh cược.
Con đường thể thao chưa biết vinh nhục thế nào, nhưng con đường bán vé số giúp mẹ giúp bà mỗi ngày vốn đã quen thuộc với Thu Nhi: “Có một thời gian em xin nghỉ boxing để trở lại bán vé số. Em phải lo cho bản thân, cho gia đình. Lúc đó, em còn chưa vào đội tuyển nên chơi thể thao không có lương bổng gì cả. Nhưng rồi, vài tuần đi bán vé số không tập boxing, em thấy ngứa ngáy tay chân, đi bán vé số mà đầu óc chỉ nghĩ tới võ thuật”.
Thu Nhi khi đó quyết định nói sự thật với bà nội, rằng cô không muốn bán vé số nữa. Bà của cô nói: “Con hãy đi theo đam mê của mình, đừng lo cho bà và mẹ”.
Thu Nhi trở lại tập luyện và cô được triệu tập lên đội tuyển boxing TPHCM: “Mức lương không cao - Thu Nhi nói- nó cũng bằng thu nhập bán vé số của em thôi. Nhưng dù sao giờ đây em cũng có tiền để tiếp tục giúp đỡ bà và mẹ mà vẫn được chơi thể thao!”.
Tài năng thiên phú, giành đai châu lục
Thu Nhi bắt đầu tập võ thuật từ năm 2009, với môn võ cổ truyền. Học cỡ một năm, cô được đào tạo thêm môn boxing. Các chuyên gia phát hiện tài năng của cô và chuyển hẳn cô sang bộ môn boxing.
“Võ cổ truyền sử dụng cả tay và chân. Boxing thì khác hẳn, nhất là về tư duy – Thu Nhi nói - Về tư duy Boxing thì có 6 đòn cơ bản nhưng người chơi phải có đầu óc để biến hóa nó. Càng biến hóa tốt, càng thành công. Máy móc rập khuôn thì khó giành chiến thắng”.
Tấm ảnh Thu Nhi lúc nhỏ bên bố, mẹ |
Trong lần đầu tiên tham gia giải vô địch boxing toàn thành phố, Thu Nhi đã giành được huy chương vàng (HCV). Đó là năm 2010. Cô tạo ra một cú sốc thực sự trong làng boxing thành phố khi giành 2 trận thắng đều bằng nock-out.
Năm 2011, cô được cử đi tham dự giải vô địch boxing trẻ toàn quốc và giành được HCV. Thu Nhi được triệu tập và đội tuyển trẻ quốc gia. “Em được đào tạo tại đội tuyển trẻ vài năm thì quay về thành phố, sau khi đã qua lứa tuổi trẻ. Em trở về nhà ở với bà, còn mẹ vẫn đi làm. Bà em nói: Con cứ thi đấu đi, không phải bán vé số nữa đâu và con đừng bao giờ sợ hãi”.
Cho đến nay, Thu Nhi cũng chưa bao giờ cho mẹ và bà đi xem cô thi đấu. “Nếu bà em thấy em bị tấn công, chắc chắn bà sẽ bắt em nghỉ vì không muốn em bị nguy hiểm”.
Thu Nhi chuyển sang thi đấu boxing chuyên nghiệp từ 2019. “Tiền chi phí do công ty đầu tư, nhà nước chưa đầu tư cho boxing chuyên nghiệp - Thu Nhi nói - Em thi đấu cho công ty tuy không dư giả nhưng cũng đủ sống. Điều kiện huấn luyện, thi đấu tốt hơn”.
Vô địch WBO châu Á - Thái Bình Dương
Lần đầu tiên Thu Nhi kiếm được tiền từ thi đấu boxing chuyên nghiệp là trận đấu với vận động viên Philippines với giải thưởng lên tới 400 triệu đồng.
Cô bé mang hai dòng máu Khmer - Việt kể: “Đối thủ em cực mạnh. Gretchen Abaniel (Vận động viên Úc, gốc Philippines) từng 3 lần vô địch thế giới. Không ai nghĩ một vận động viên Việt Nam lại có thể thắng được chị ấy. Nhưng em đã chiến thắng, có lẽ là do em có ý chí tốt”.
Lần đầu tiên giành được một số tiền lớn, Thu Nhi nói: “Em xúc động lắm, nhưng cũng không đến nỗi bật khóc đâu. Lúc đó bà em đã mất, em tiếc là đã không kịp mua gì cho bà. Em dành cho mẹ một ít tiền, còn lại, em mua một cái xe máy tốt để đi và mua một chiếc điện thoại đẹp để gọi điện cho bạn bè báo tin đã giành chiến thắng”.
Chiến thắng của Thu Nhi trước vận động viên từng 3 lần vô địch thế giới môn boxing đã khiến người ta phải quan tâm tới nền boxing nữ non trẻ của Việt Nam. Một trận đấu lớn được tổ chức để giành đai vô địch quyền anh WB0 châu Á - Thái Bình Dương giữa Thu Nhi và đối thủ nổi tiếng người Thái Lan.
Thu Nhi nói: “Thái Lan là quốc gia rất phát triển môn boxing. Trận tranh đai vô địch trong giải đấu của Liên đoàn boxing thế giới rất quan trọng với cả Thái Lan và Việt Nam. Đối thủ Thái Lan Kanyarat Yoohanngoh có 11 trận thi đấu chuyên nghiệp (7 trận thắng và thua 4 trận). Đối thủ của em có sải tay dài và những cú đấm rất uy lực. Nhưng em đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho trận đấu lịch sử này. Chỉ sau hai hiệp thăm dò, em bắt đầu tăng cường độ, tấn công dũng mãnh và giành thắng lợi”.
Thu Nhi đã tạo ra cột mốc lịch sử khi cô là nữ vận động viên boxing Việt Nam đầu tiên sở hữu chiếc đai quyền anh vô địch WBO châu Á – Thái Bình Dương.
VĐV Việt Nam Thu Nhi thi đấu áp đảo trước võ sĩ Nhật Bản giành chức vô địch thế giới |
Trận chiến lịch sử
Với việc vô địch châu Á - Thái Bình Dương, vận động viên Việt Nam bước tiếp vào trận đấu tranh ngôi vị vô địch thế giới với vận động viên Nhật Bản Etsuko Tada.
Vận động viên Nhật Bản đang là nữ võ sĩ số một thế giới và cũng giữ đai WBO. (Tổ chức Quyền Anh Thế giới - World Boxing Organization, viết tắt là WBO).
Thu Nhi nói với Tiền Phong: “Em mới thi đấu chuyên nghiệp 4 trận thôi, còn chị Etsuko Tada là một vận động viên hàng đầu thế giới, nhiều kinh nghiệm. Em đã xem các clip chị ấy thi đấu và em nghĩ chị ấy đang ở một đẳng cấp khác mình, và mục tiêu của em chỉ là một trận đấu đẹp”.
Ông Kim Sang-bum - ông bầu của lò Cocky Buffalo nơi Thu Nhi đang tập luyện cho biết theo luật, trong 5 tháng sau khi đoạt đai, võ sĩ phải tổ chức một trận đấu để bảo vệ đai. Dự kiến trận đấu tiếp theo của Thu Nhi sẽ diễn ra vào tháng 3/2022. Võ sĩ thách đấu lúc này đã có, nhiều khả năng là một đối thủ Nhật Bản.
Tuy nhiên, dường như Etsuko Tada cũng e ngại sức trẻ của Thu Nhi. Là người đang sở hữu đai vô địch, nhưng Etsuko Tada đã 3 lần từ chối lời thách đấu từ Việt Nam. Đến lần thách đấu thứ 4, cô nhận lời thượng đài (vì theo quy định, nếu quá 4 tháng mà nhà vô địch không chấp nhận lời thách đấu từ các đối thủ sẽ bị tước đai vô địch).
Etsuko Tada tuy 41 tuổi, nhưng trước đó mấy tháng cô đã thắng nock-out đối thủ để sở hữu chiếc đai vô địch thế giới. Thu Nhi đã trải qua một trận đấu cam go, tuy nhiên niềm tin chiến thắng luôn rực sáng. Cô kể: “Khi bước vào thi đấu, em nhận ra chị ấy không mạnh như những đoạn clip em đã xem, đó chỉ là những trích đoạn thôi. Chị ấy cũng có những điểm yếu và em tự tin triển khai lối chơi của mình”.
Thế trận đang có lợi cho vận động viên Việt Nam thì đối thủ Nhật Bản dường như đã sử dụng tiểu xảo nhằm lật ngược tình thế, cô húc đầu vào mắt của đối thủ, khiến Thu Nhi bị rách mắt và máu chảy lênh láng.
Thu Nhi tâm sự: “Cuối hiệp 9 em bị rách mắt. Em rất sợ trọng tài dừng trận đấu, vì còn 2 hiệp nữa, mình phải cố gắng hết sức. Có bao nhiêu, bào hết bấy nhiêu. Đến khi bác sĩ cho thi đấu tiếp, em mừng vô cùng. Em tấn công áp đảo và giành chiến thắng sít sao trước chị Etsuko Tada”.
“Em muốn đem hình ảnh Việt Nam ra thế giới”
“Em muốn thi đấu, em muốn giành chiến thắng, bởi đó là cách để đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới” – Nhà vô địch quyền Anh thế giới Thu Nhi nói.
Trận thắng điểm sít sao 96-94 chiều 23/10/2021 trước vận động viên Nhật Bản của Thu Nhi giúp cô là nữ võ sĩ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử sở hữu đai vô địch boxing nữ thế giới, đồng thời sở hữu đai vô địch châu Á- Thái Bình Dương.
“Thể thao là niềm tự hào dân tộc, nhưng vinh quang và thách thức đến cùng lúc – Thu Nhi nói với phóng viên Tiền Phong – Ngay sau khi em giành chiến thắng trước chị Etsuko Tada và bước khỏi võ đài thì có 2 nữ vận động viên Nhật Bản bước tới thách đấu. Rõ ràng người Nhật Bản muốn lấy lại danh dự và muốn đưa đai vô địch trở về nước Nhật!”.
Nhà vô địch quyền anh thế giới Thu Nhi nói: “Tháng 3/2022 em sẽ có trận thượng đài bảo vệ đai vô địch. Em rất mong mọi người cùng cổ vũ cho em trong trận đấu vô cùng khó khăn sắp tới để giữ chiếc đai vô địch quyền anh thế giới ở lại với đất nước Việt Nam!”.
12/2021