Ngày 1/3, ông Phạm Văn Định - Chánh văn phòng UBND huyện Kiến Thụy - cho biết, UBND huyện rất ghi nhận tinh thần bảo vệ động vật của ông Đỗ Văn Tý trong việc thả lại con rùa thân mềm về lại thiên nhiên nhằm bảo tồn các động vật quý hiếm.
Huyện đã làm tờ trình gửi các cơ quan chức năng liên quan xem xét, khen thưởng, tuyên dương ông Đỗ Văn Tý. Trước đó gia đình ông Tý đã từ chối bán con rùa với giá cao mặc dù hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn.
Ông Đỗ Văn Tý (ở thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) bắt được con rùa nặng khoảng 18kg. Nghe được thông tin trên, người dân địa phương đã kéo đến xem rất đông, gây xôn xao dư luận. Nhiều người còn thần thánh hóa con rùa, thả tiền khấn vái trước con vật này.
Thấy vậy, có nhiều người đã tìm đến nhà ông Tý trả giá mua rùa, các mức giá được đưa ra là 30 triệu, 50 triệu thậm chí cả trăm triệu đồng.
Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) đã nhanh chóng vào cuộc xác minh nguồn gốc, tuổi đời con rùa mà ông Tý bắt được. Kết quả cho thấy, đặc điểm hình thái của cá thể này là toàn thân màu xám, xen lẫn các khoang màu trắng đục; mai mềm, dài 56cm, rộng 39cm. Mép mai trước không có các mấu lồi; viền da mép phía sau mai mở rộng ra bên ngoài; lưng phẳng không có gân sống lưng. Có 8 cặp xương sụn dưới da ở trên lưng. Mỗi chân có 3 móng thẳng, màu trắng đục. Khoảng cách từ mắt đến mũi 5cm. Đầu tròn, có các đốm hoa màu trắng đục. Cổ và đuôi ngắn. Với những đặc điểm này, các nhà khoa học xác định đây là loài rùa mai mềm có quan hệ rất gần và giống với các đặc điểm hình thái của rùa Đồng Mô và rùa Hoàn Kiếm, rất hiếm gặp ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong vùng. Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, để kết quả định danh loài được chính xác hơn, cần lấy mẫu phân tích ADN và so sánh với dữ liệu rùa quốc gia.
UBND huyện Kiến Thụy cho biết, đây là loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn. Vì vậy, UBND huyện đã vận động gia đình ông Đỗ Văn Tý thả cá thể rùa về với thiên nhiên, cụ thể là thả về sông Đa Độ, nơi phát hiện ra con rùa trước đó.