Từ cậu bé bị lạm dụng tình dục đến đỉnh cao danh vọng

Từ cậu bé bị lạm dụng tình dục đến đỉnh cao danh vọng
Trở thành triệu phú ở tuổi 29 và nhận bằng tiến sĩ kinh tế trước khi bước qua tuổi 30, ít ai ngờ được Leong Kaiwen từng là nạn nhân bị lạm dụng tình dục trước khi đạt đến đỉnh cao thành công.

Từ cậu bé bị lạm dụng tình dục đến đỉnh cao danh vọng

Trở thành triệu phú ở tuổi 29 và nhận bằng tiến sĩ kinh tế trước khi bước qua tuổi 30, ít ai ngờ được Leong Kaiwen từng là nạn nhân bị lạm dụng tình dục trước khi đạt đến đỉnh cao thành công.

Leong Kaiwen
Leong Kaiwen. Ảnh: ST
 

Giáo sư kinh tế tại đại học Công nghệ Nanyang (NTU) vừa ra mắt cuốn tự truyện hôm 1-10, với nhan đề "Đứa con trai đi lạc của Singapore".

Ở tuổi 31, Leong là người đàn ông thành đạt và giàu có. Tuy nhiên, cuốn sách kể về hành trình cuộc đời của anh lại tiết lộ một khía cạnh khác, đó là những cuộc đấu tranh cá nhân, những thất bại trong học hành và cả chuyện bị lạm dụng tình dục từ khi chỉ mới là cậu bé 10 tuổi.

Trong cuộc phỏng vấn với Straits Times hồi đầu tuần, Leong nhớ lại thử thách kéo dài hơn một năm, khi anh bị một huấn luyện viên võ thuật mà anh rất tin tưởng tấn công tình dục.

Võ sư này thường xuyên yêu cầu anh đến lớp sớm để giúp kê đồ đạc, rồi lợi dụng để động chạm vào những phần nhạy cảm trên cơ thể Leong. Cứ thế hơn một năm, Leong suy sụp.

"Kể từ sau chuyện đó, tôi rất khó lòng tin ai. Tôi cảm thấy tất cả mọi người đều có động cơ bí mật", Leong nói.

Khi Leong kể chuyện này với bố mẹ, họ không tin anh và cho rằng con trai bịa chuyện để bỏ học. Điểm thi tốt nghiệp tiểu học của Leong chỉ đạt 200, một trong những điểm thấp nhất toàn Singapore năm đó.

6 năm sau, anh vẫn không thể tập trung vào học hành. Lên cấp hai, Leong thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, đánh đập chỉ vì dáng người nhỏ con. Tuy nhiên, anh tự động viên bản thân mình cứng rắn và trở nên ngạo mạn khi bước chân vào trường cao đẳng.

"Tôi đứng cách xa giáo viên khi họ nói chuyện với tôi. Khi họ lăng mạ tôi và chê tôi là tầm thường, tôi vặn lại rằng họ là những người mất trí", Leong kể.

Thái độ thách thức và việc nghỉ học thường xuyên khiến Leong nhanh chóng bị đuổi học chỉ chưa đầy một tháng sau khi bước vào năm nhất. Nhờ mẹ giúp đỡ, Leong được một trường cao đẳng khác nhận vào học. Tuy nhiên, một lần nữa anh bị đuổi khỏi trường chỉ vài tuần sau đó.

"Tôi cố gắng thích nghi nhưng không thể. Không giáo viên nào có thể biết được tôi đến từ đâu", anh nói. Anh bỏ học thêm hai lần nữa với lý do tương tự. Sau khi bị đuổi khỏi 4 trường cao đẳng chỉ trong vòng nửa năm, Leong thử xin học ở một trường tư.

Ở đó, một cô giáo đã khiến anh thức tỉnh. Anh viết trong cuốn sách của mình rằng những lời nói của cô ấy đã làm thay đổi thái độ của anh: "Em còn yếu lắm. Và em biết điều đó. Em ồn ào và ngạo mạn, nhưng đó không phải là sức mạnh. Sức mạnh thực sự chính là sự im lặng".

'Cuộc phiêu lưu mùi hương'

Leong rời trường tư và quyết định tự học. Anh vượt qua tất cả các môn và được đại học Boston, Mỹ nhận vào học. Leong trải qua những ngày tháng nặng nề ở nước Mỹ, khi bố mẹ anh thua lỗ nặng vì bị người chú lừa đảo về giá cổ phiếu của công ty. Bố mẹ của Leong đầu tư rất mạnh vào cổ phiếu. Mẹ anh phải bán hết đồ trang sức để trả tiền học phí năm đầu cho con trai.

Quyết tâm chứng minh với bản thân và gia đình rằng mình không phải là một kẻ thất bại, Leong quyết định hoàn thành hai bằng cử nhân về kinh tế và toán học, cùng hai bằng thạc sĩ, trong vòng 4 năm, chỉ bằng một nửa so với thời gian thông thường.

Để làm được điều đó, Leong chỉ ngủ 4 giờ một đêm. "Tôi không cần cà phê. Tôi không cần bất cứ loại thuốc nào", anh viết.

Anh cũng không có tiền vì bố mẹ đang ở bên bờ vực phá sản. Leong sống bằng cách ăn một củ khoai tây luộc mỗi ngày. Anh kể lại những "cuộc phiêu lưu mùi hương" của mình khi đứng ké bên bếp để ngửi mùi thức ăn và nhai củ khoai tây của mình.

"Đó là cách tôi ăn thịt nướng và tôm hùm, trí tưởng tượng của tôi như một con dao và ý chí của tôi là một cái nĩa", anh viết. Sau đó, những cơn đói được xoa dịu phần nào khi anh được phép ăn những chiếc bánh sandwich người ta để lại trên bàn.

Mọi thứ dần bình thường trở lại khi anh nhận được học bổng đại học vào năm thứ hai, nhưng Leong vẫn tiếp tục đi dạy kèm và đầu tư vào cổ phiếu. Trong cuốn tự truyện, Leong gọi việc anh tốt nghiệp năm 2007 là "sự chuộc lỗi của tôi". Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất mẹ sang Boston thăm anh, do chi phí đi lại tốn kém.

Anh viết rằng bà không hay biết gì về thành tích học tập của con trai. "Tôi đã nuôi dưỡng mỗi thành công, kể cả lớn hay nhỏ, coi như một kho báu vật".

Leong cho biết ngoại trừ vợ, mẹ là "người duy nhất động viên anh, không bao giờ dùng những lời lẽ cay nghiệt với anh, kể cả khi học hành chẳng ra gì ở trường. "Mẹ là thế giới của tôi. Vợ tôi biết rằng mẹ tôi luôn là số một".

Sau khi tốt nghiệp, anh dành một năm đầu tư vào thị trường bất động sản ở Trung Quốc, với hy vọng giảm bớt cơn khủng hoảng tài chính của gia đình. "Tôi đã mua thấp và bán lại cao. Rất cao. Đó là cách tôi làm ra những triệu đôla đầu tiên của mình", anh nói.

Từ năm 2008 đến năm ngoái, Leong hoàn thành chương trình học bổng tiến sĩ toàn phần tại đại học Princeton, chuyên ngành kinh tế. Anh hiện làm việc với vai trò một nhà kinh tế tại một cơ quan thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore.

"Cuối cùng, tôi cũng có thể quay về nước phục vụ. Tôi không còn là đứa con trai đi lạc nữa rồi", anh viết.

Những mất mát và thất bại trước khi đạt đến thành công là những gì Leong muốn nhấn mạnh trong cuốn sách của mình. Anh hy vọng nó sẽ đốt cháy niềm hy vọng vào cuộc sống của những con người đang cảm thấy mình bị chối bỏ và cô độc.

"Tôi đã bước đi trên con đường ấy, và bạn cũng có thể", anh viết.

Theo Anh Ngọc
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG