TS Nguyễn Tùng Lâm lên tiếng vụ học sinh bóp cổ cô giáo giữa lớp học

Học sinh bóp cổ cô giáo bị đình chỉ học 1 năm
Học sinh bóp cổ cô giáo bị đình chỉ học 1 năm
TPO - Ông Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre cho biết, ngày 14/3, Hội đồng kỷ luật đã bỏ phiếu và thống nhất quyết định đình chỉ học tập 1 năm đối với học sinh có hành vi hạ nhục và bóp cổ giáo viên ngay tại lớp học.  

Theo ông Sĩ, ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường chỉ đình chỉ học tập ít ngày đối với nam sinh này, sau đó thông báo cho em đến trường học tập bình thường chờ cơ quan chức năng xác minh sự việc. Tuy nhiên, khi đến lớp, học sinh này lại tiếp tục vi phạm quy chế và có xu hướng bạo lực, vì thế, sáng cùng ngày, hội đồng kỷ luật bỏ phiếu thống nhất với phương án đình chỉ học một năm để học sinh này có thời gian suy nghĩ lại mọi việc.

Trước đó, ngày 2/3, trong giờ học ngoại ngữ, cô N, giáo viên tiếng Anh phát hiện một học sinh nữ giở vở bộ môn khác ra học. Sau khi nhắc nhở, học sinh nữ không nghe, cô N. đã xuống bàn tịch thu vở của học sinh này. Ngay lập tức, nam sinh ngồi phía sau đứng dậy thách thức, xúc phạm cô giáo.

Thấy sự việc căng thẳng, cô N. đã mời hai giáo viên lớp bên cạnh sang chứng kiến thì nam sinh này đã lao vào bóp cổ cô giáo. Sự việc gây bất bình trong xã hội bởi lâu nay, truyền thống dân tộc Việt Nam là “tôn sư trọng đạo”. Giữa người thầy và người trò luôn phải có một khoảng cách, ranh giới nhất định, nhất là sự kính trọng. Lâu nay, đâu đó vẫn có việc, học sinh cãi thầy, cãi cô nhưng học sinh hành hung giáo viên lại là chuyện tày trời.

Trước đó, ông Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thạch cũng cho biết, nam sinh này thuộc dạng học sinh cá biệt của nhà trường. Chính hiệu trưởng đã có nhiều giải pháp và tạo cơ hội để học sinh rèn giũa nhưng học sinh này vẫn không thay đổi.

Liên quan đến vụ việc, TS tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, chuyện học sinh bóp cổ cô giáo là hành động không thể chấp nhận được trong môi trường giáo dục. Chứng tỏ, học sinh này hung hăng, dễ nổi nóng, dễ hành động bột phát và cũng chứng tỏ đạo đức của học sinh này có vấn đề. TS Lâm cho rằng, không nên xử lý bằng hình thức đuổi học học sinh cá biệt bởi nhà trường là môi trường giáo dục học sinh. Ban giám hiệu, thầy cô phải ngồi lại để nghĩ cách, để trò chuyện và thuyết phục học sinh. “Còn nếu đuổi học một học sinh cá biệt thì ra xã hội em này rất dễ có hư hỏng”, TS Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, sự việc học sinh phản kháng, bóp cổ cô giáo là bài học cho giáo viên có những ứng xử về sau. “Nếu thấy sự việc căng thẳng, giáo viên không nên đối đầu với học sinh mà nên dừng lại để ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm giải quyết. Hoặc giáo viên nên hạ nhiệt học sinh đang trong cơn nóng giận chứ không nên dùng lời lẽ căng thẳng để tiếp thêm dầu vào lửa. Sự việc xảy ra sẽ rất đáng tiếc cho cả thầy và trò”, ông nói.

MỚI - NÓNG