Truyền thống và thời đại

Truyền thống và thời đại
TPCN - Sau gần nửa đời người trải qua bao buồn vui, thăng trầm, nay tóc đã pha sương, suy nghĩ lại tôi thấy truyền thống đó vô cùng quý báu nhưng chưa đầy đủ, trọn vẹn đối với thời đại mới, vẫn thấy thiếu một cái gì đó.

Ngày nay đất nước ta không còn giai cấp bóc lột, con người sống trong xã hội dân chủ, tự do, bình đẳng. Đảng và nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người làm giàu chính đáng với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, tôn vinh những người biết làm giàu cho mình và góp phần làm giàu cho xã hội.

Chính họ đã đóng góp rất lớn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Thế nhưng trong các cuộc vận động ấy, chúng ta vẫn theo truyền thống “ lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” mà chưa có những hình tượng.

Câu ca kêu gọi cũng như tôn vinh sự đóng góp của những người giàu, của Việt kiều, người nước ngoài tại Việt nam  mặc dù họ có điều kiện, khả năng đóng góp rất lớn (tuy nhiên trong các lời kêu gọi của các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đề cập đầy đủ).

Chúng ta quan niệm: “Của cho không bằng cách cho”; giúp nhau một đồng nhưng xuất phát từ tấm lòng chân thực thì đáng quý hơn cho nhau hàng triệu đồng với thái độ bố thí, thương hại…

Đúng vậy nhưng nếu giúp nhau triệu đồng cũng với tấm lòng chân thành thì chắc hẳn có hiệu quả hơn chỉ giúp nhau một đồng. Với tình cảm “lá lành đùm lá rách”, nhân dân tỉnh P quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo hơn 1 tỷ đồng, tình nghĩa đó thật đáng quý và Công ty Tuần Châu cũng với tình cảm  ấy đóng góp trên 1 tỷ đồng thì cũng đáng quý không kém.

Ngày nay người giàu không đồng nghĩa với bóc lột, không phải họ “đầy bồ” không biết “thương kẻ ăn đong” như ngày xưa . Chúng ta hãy tạo ra một truyền thống mới, một tâm lý xã hội mới phù hợp với thời đại mới.

Không chỉ “lá lành đùm lá rách” mà cả gốc, cành, hoa, quả cùng đùm lá,  không chỉ “bầu thương bí ” mà cả sầu riêng Chín Hóa, nho “Ba Mọi”, xoài cát Hòa Lộc…  cùng thương bầu bí. 

Tạo ra tâm lý xã hội mới không thể chỉ bằng những lời kêu gọi khô khan, khó đi vào lòng người mà phải bằng hình tượng văn học, nghệ thuật giống như cha ông ta đã tạo nên hình tượng lá đùm lá, bầu thương bí… trách nhiệm đó thuộc về giới văn học nghệ thuật.

Nhân đây xin bàn về khẩu hiệu hiện đại: “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, gần giống như  “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” ngày trước.

Ngày xưa, nền kinh tế tự túc, tự cấp, bế quan toả cảng, còn ngày nay hội nhập, mở cửa, khẩu hiệu trên e không hợp. Tôi đề nghị sửa lại: “Người Việt Nam dùng hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý , phù hợp với túi tiền” ( đại ý như vậy, còn văn vẻ thế nào xin bạn đọc góp ý).

Như thế sẽ: 1/ khuyến khích dùng hàng tốt, không dùng hàng giả, hàng nhái, hàng không có bản quyền, 2/ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển sản xuất, 3/ tránh tư tưởng chạy theo mốt, đua đòi dẫn đến mua hàng với bất cứ giá nào miễn hợp thời trang, 4/ tránh “vung tay quá trán”, xa hoa lãng phí, hưởng thụ vượt quá khả năng dễ sinh ra tham nhũng, tiêu  cực.

 Thùy Hương
Tuy Hòa, Phú Yên

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.