“Truy nã”

“Truy nã”
TP - Dế kêu ba hồi, mở nắp máy, bạn tôi buông một câu: “Thôi chết rồi, lại bị truy nã”. Y như rằng: “Anh Xuân M. đáng kính đang ngồi ở nhà hàng Duyên Quê, em cho anh mượn 1 triệu”.

Vợ bạn tôi sảng hồn, nghiến răng mở ví lấy ra 500 ngàn đồng đưa cho chồng, kèm theo một câu: “Vô chỗ đó mấy cho vừa. Anh cứ xổ hết ra, phủi tay cho họ thấy”.

Tôi cũng đã vài lần chứng kiến những cảnh tượng tương tự. 5 giờ chiều, làm việc xong, ông trưởng ban bấm liền mấy số điện thoại. Bên kia đầu dây người thì đang đi công tác ngoại tỉnh, người thì nằm viện(?), nhưng rồi cũng tìm được một người đang vui vẻ, nhiệt tình.

Anh ta mời tôi đi lai rai vài ly sau một ngày làm việc căng thẳng. Xa nhà, xa cơ quan, vả lại cũng đang muốn khai thác thêm thông tin tôi vui vẻ nhận lời. Đến nơi đã có 2 người đang đợi, phòng đã mát, khăn thơm, thùng bia Heineken ướp lạnh đã để sẵn; chỉ còn mời sếp “đi chợ”.

Trong thiên hạ người ta gọi đó là một hiện tượng “mượn hoa cúng Phật”. Còn tình thế của anh bạn tôi  ở trên được gọi là… lệnh truy nã.Lệnh truy nã thì phong phú hơn về hình thức, bởi “tội phạm” muôn hình vạn trạng.

Loại thứ nhất: Sếp đi tiếp khách, đãi bạn. Khi tàn canh, rượu chưa tỉnh nhưng liếc thấy tờ hoá đơn tính tiền mặt đang đỏ gay đỏ gắt bỗng đổi màu tái xanh, đành giở bài ký sổ rồi chỉ định một đệ tử nào đó lo giúp cho huynh.

Loại thứ hai mới xong hiệp 1 đã chủ động tìm “cầu thủ dự bị” vào bổ sung đội hình rồi nhường cho quả 1 mét ngoạn mục kết thúc hiệp 2.

Một đồng nghiệp đi công tác dài ngày trên Tây Nguyên về kể cho tôi nghe, chiều tối, buồn quá nhiều vị quan chức thường rủ anh “đi bắt Fun-rô”. Ngày nào cũng bắt được một tên.

Lạ thật, đám đệ tử của mình ăn nên làm ra mới có tiền đãi đằng, không những không được tôn vinh doanh nghiệp giỏi, doanh nhân thành đạt mà lại được coi như là Fun-rô ? Thân phận Fun-rô hèn chi ngày nào cũng bị “truy nã”!

Có lần đến công tác một tỉnh lẻ tôi được nghe các sếp hỏi nhau: Vụ này xử lý như thế nào? Đó là vụ rất nhiều sếp nhận được tờ thiếp mời rất kỳ lạ. Vì lạ nên các sếp cùng cảnh ngộ vừa mới gặp nhau đã hỏi: Ông có “bị mời” không? Có.

Tôi cũng đang định hỏi ông có “bị” không? Ông có đi không? Không đi cũng không được. Ông đi kiểu gì? Chi tiền cơ quan hay là tiền túi đây? Ứng xử vụ này khó thật.

Trong giấy mời ghi: Mời anh, chị... nhưng nếu tôi không phải là giám đốc một đầu ngành chắc chắn là không “bị mời” - như ông A, ông B, ông C đâu có bị “truy nã”.

Không phải người trong cơ quan; không phải láng giềng; chẳng anh em, bà con gì; cũng không phải là đồng hương, bạn học, chiến hữu... bỏ tiền túi đi thì vô lý và ép quá; chi tiền cơ quan thì  kỳ khôi vì chưa có tiền lệ...? Ừ nhỉ! Ai bảo làm sếp là sướng! 

MỚI - NÓNG