Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo T.Ư, T.Ư Đoàn.
Uy tín cao với bạn đọc
Tại buổi làm việc, Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành, phát triển của báo Tiền Phong trong 65 năm qua. Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, báo Tiền Phong ra số đầu tiên tại An toàn khu ngày 16/11/1953 ở bản Dõn, xã Minh Thanh (Sơn Dương, Tuyên Quang) vào thời gian cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. “Thời đó, khó khăn về kinh phí nên T.Ư Đoàn vận động các đoàn viên, thanh niên trên cả nước lao động thêm ngoài giờ để góp tiền ra báo. Sau khoảng thời gian 2 năm phát động, đoàn viên, thanh niên cả nước gửi về 2 triệu đồng để bắt đầu ra báo Tiền Phong”, ông Sơn nói.
Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn giới thiệu về lịch sử phát triển của báo Tiền Phong. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo ông Sơn, đến năm 1954, báo Tiền Phong trở lại Thủ đô, đồng hành với quá trình xây dựng, kiến thiết miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam. Thời gian này, báo tập trung phản ánh các điển hình tiên tiến, đồng hành với công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giai đoạn chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, nhiều phóng viên báo Tiền Phong dũng cảm ra mặt trận, chiến trường.
Ông Sơn cho biết, trong giai đoạn đổi mới sau này, báo đồng hành với quá trình, công cuộc đổi mới đất nước. “Báo Tiền Phong là tờ báo của báo chí cách mạng Việt Nam đầu tiên tự hạch toán”, ông Sơn nói. Báo Tiền Phong cũng là đơn vị tổ chức nhiều tin bài, phóng sự điều tra thời kỳ này, đấu tranh với tiêu cực trong xã hội.
Tuy nhiên, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng cho biết, một vài năm trở lại đây, tình hình chung các tờ báo in gặp nhiều khó khăn thử thách khi công nghệ thông tin phát triển, thói quen của bạn đọc thay đổi, lượng độc giả giảm sút. Báo Tiền Phong đã cố gắng thay đổi, thích nghi với tình hình. Giai đoạn cao điểm báo có tới 7 ấn phẩm, nhưng hiện nay đang phát triển 3 ấn phẩm gồm Tiền Phong nhật báo, Tiền Phong điện tử, Tiền Phong dân tộc miền núi.
Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn giới thiệu về báo Tiền Phong. Ảnh: Mạnh Thắng
Ông Sơn cho biết, báo đã cố gắng thay đổi về mặt nội dung và hình thức, đi sâu vào làm các chuyên đề, chuyên sâu, tập trung phân tích, mổ xẻ, bình luận. Có những số báo có tới 2 chuyên đề. “Báo sẽ tiếp tục đi theo hướng như vậy”, ông Sơn thông tin. Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng cho biết, hiện đang tích cực tìm giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của báo Tiền Phong điện tử. “Báo Tiền Phong vẫn duy trì được uy tín, nhận được sự đánh giá cao của bạn đọc”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn cũng trình bày các hoạt động để phát triển kinh tế báo chí, tập trung vào hoạt động truyền thông, quảng cáo, phát huy các số báo đặc biệt trong năm... Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết thêm, báo là đơn vị tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội. Một năm, trung bình báo tổ chức 40 – 50 sự kiện, hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao...Có thể kể đến các sự kiện nổi bật, được đánh giá cao như hiến máu tình nguyện Chủ nhật đỏ, Hoa hậu Việt Nam, Việt dã toàn quốc, Siêu cúp quốc gia, trao tặng học bổng cho thủ khoa nghèo, tặng quà thương binh liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong...
Đóng góp quan trọng
Phát biểu tại buổi gặp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng chúc mừng cán bộ, công nhân viên báo Tiền Phong nhân dịp 65 năm báo ra số đầu tiên.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đánh giá cao vai trò của báo Tiền Phong trong 65 năm qua. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Thưởng đánh giá, trong 65 năm qua, báo Tiền Phong thực sự xứng đáng với vai trò là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của T.Ư Đoàn, diễn đàn của đoàn viên, thanh niên. Mỗi thời kỳ cách mạng đều có đóng góp xứng đáng, quan trọng để đoàn thanh niên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Đảng, nhà nước giao.
Ông Thưởng cũng đánh giá cao vai trò báo Tiền Phong, thực sự là một cơ quan giáo dục đối với tuổi trẻ cả nước. Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục về lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, báo Tiền Phong tham gia tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, nhà nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Báo Tiền Phong cũng tham gia tích cực vào phản ánh đời sống sinh động của xã hội, góp phần phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, đồng thời chỉ rõ những điều chưa tốt, chưa hay, sai trái trong xã hội, tiêu cực trong cuộc sống.
“Báo Tiền Phong tham gia tích cực, đấu tranh bằng tinh thần của người cộng sản trẻ tuổi”, ông Thưởng nhận định.
Tổng Biên tập báo Tiền Phong tặng hoa Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng. Ảnh: Mạnh Thắng
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cũng nhấn mạnh, báo Tiền Phong là cơ quan tổ chức phong trào thanh niên. Nhiều hoạt động do báo khởi xướng thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, có sức sống lâu bền, ví dụ như Hoa hậu Việt Nam, Việt dã, Siêu cup bóng đá, Chủ nhật đỏ, trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu... Ông Thưởng cũng đánh giá cao báo Tiền Phong với vai trò nỗ lực, tích cực, đi đầu trong hoạt động kinh tế báo chí, qua các thời kỳ đều năng động, nỗ lực để cán bộ, công nhân viên sống được bằng nghề.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, thời gian tới, báo cần tiếp tục làm tốt nhiệm vụ mà Đảng, Đoàn giao, thực hiện đúng nhiệm vụ chính trị của tờ báo Đoàn, tích cực tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tích cực đấu tranh với tiêu cực trong xã hội.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong. Ảnh: Mạnh Thắng
Ông Thưởng cũng đề nghị báo Tiền Phong tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ, làm sao cán bộ, phóng viên vững về nghiệp vụ, chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu vị thế của tờ báo để làm việc.
Cùng với đó, phải tiếp tục duy trì các hoạt động sau mặt báo, trong đó có việc tổ chức các hoạt động, phong trào thanh niên. Báo cũng đổi mới mô hình tổ chức tòa soạn, phát triển báo điện tử bên cạnh báo in, làm sao đáp ứng, chinh phục được độc giả.
“Làm sao phải vừa nhanh nhạy, hiệu quả theo sự phát triển công nghệ thông tin hiện nay, vừa phải có phân tích, bình luận, lột tả vấn đề, tìm hiểu sâu về vấn đề”, ông Thưởng gợi ý.