Trước thách thức lớn phát triển 200km metro tiếp theo, TPHCM cần cơ chế trên cả đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lo lắng trước kế hoạch phát triển đường sắt đô thị của TPHCM, các chuyên gia cho rằng đây là thách thức chưa có tiền lệ và thành phố cần sự hỗ trợ của Trung ương về cơ chế, chính sách.

Ngày 15/12, Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội đã họp phiên thứ 3, thảo luận về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

200km metro - thách thức vô cùng lớn

TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 tại TPHCM - nhìn nhận cần xây dựng một đề án chung cho toàn bộ hệ thống, không làm riêng lẻ.

Trước thách thức lớn phát triển 200km metro tiếp theo, TPHCM cần cơ chế trên cả đặc thù ảnh 1

TS Trần Du Lịch phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Ngô Tùng

Ông Lịch cho rằng, trong 12 năm tới TPHCM làm 200km đường sắt là một thách thức vô cùng lớn, chưa có tiền lệ với thành phố. Thành phố cần có một quyết tâm chính trị rất cao nhưng quan trọng là sự hỗ trợ của Trung ương (T.Ư) như thế nào về cơ chế, chính sách. “Do đó đòi hỏi sự sáng tạo, đột phá trong chính sách quy định nguồn lực, giải pháp thi công”, ông Lịch bày tỏ.

Cũng theo TS Lịch, để có được đề án trình T.Ư thì phải chuẩn bị, xác định được những phần việc cụ thể như: làm rõ vị trí vai trò của TPHCM; làm rõ tồn tại lớn nhất trong xây dựng hệ thống đường sắt mười mấy năm qua; xác định dự án dự kiến phát triển TOD (không phải cả 8 tuyến đều làm theo TOD).

"Đặc biệt trong phần tổng vốn phải phân biệt nguồn dự kiến từng tuyến, ngân sách bố trí trung hạn, phần phải thu hồi được cấp để làm TOD, phần phát hành trái phiếu…", ông Lịch góp ý.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM sắp tới là nhiệm vụ rất khó khăn mà T.Ư đã giao, đòi hỏi thời gian chuẩn bị phải đủ nhiều.

Vị chuyên gia khuyến nghị nên dùng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) làm điển cứu để nghiên cứu lại tất cả những điểm nghẽn để thấy được tại sao đang kéo dài đến hơn 15 năm. Ông gợi ý thử giả định việc thực hiện trong một điều kiện lý tưởng thì thời gian còn bao nhiêu.

Trước thách thức lớn phát triển 200km metro tiếp theo, TPHCM cần cơ chế trên cả đặc thù ảnh 2

KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý tại buổi họp.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng nhấn mạnh vấn đề làm metro ở TPHCM không chỉ là vấn đề riêng của riêng thành phố nữa mà là vấn đề của quốc gia, bởi phát triển metro đồng hành với phát triển nền công nghiệp metro, phục vụ không chỉ cho TPHCM mà cho cả những đô thị ở Việt Nam sẽ có metro, bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.

Do vậy, theo ông Sơn, những việc như chọn công nghệ cũng phải rất thận trọng. Trong vấn đề này, công nghệ của TPHCM sẽ quyết định công nghệ cho cả nước.

Cần cơ chế tầm đặc khu

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định phải thay đổi cách thức thì mới làm được.

Ông nhận định, để TPHCM làm được, không chỉ nhờ vào cơ chế đặc thù, vượt trội mà phải là một hình mẫu phát triển khác cho thành phố riêng cho dự án này, giống như vấn đề đặc khu.

“Chứ cứ là đặc thù, xin “khác khác, hơn hơn” một chút thì không làm được, bởi thực tế một tuyến 20km mà mất mười mấy năm thì không ổn”, ông Thiên bày tỏ và lưu ý TPHCM cần quyết tâm tận dụng và thành phố cũng đang có cơ hội làm được việc này cho dự án này.

Trước thách thức lớn phát triển 200km metro tiếp theo, TPHCM cần cơ chế trên cả đặc thù ảnh 3

PGS.TS Trần Đình Thiên.

Đẩy mạnh phân cấp trọn gói

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM – lưu ý cần xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, đi song hành với TP. Hà Nội để có sự đồng thuận chung. Cùng với đó cũng cần hoàn thiện với các cấp độ quy hoạch và các địa phương cần biết được tuyến kết nối của mình để làm quy hoạch cho phù hợp.

Trao đổi thêm, ông Ngân cho rằng thể chế, cơ chế đặc thù trình T.Ư cần lưu ý đến những chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án này. Trong đó chú ý việc đẩy mạnh phân cấp “trọn gói” cho Hà Nội và TPHCM để tháo gỡ.

Ông Ngân cũng cho rằng không nên cứng nhắc với mốc 2035 là điểm “không thể thay đổi”, mà cần chuẩn bị dự án thật tốt để tránh điều chỉnh, trình tới trình lui gây mất thời gian.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận có một vấn đề, muốn làm đề án đường sắt đô thị hay những nội dung lớn có tính chất đột phá, vượt trội thì đòi hỏi sự quyết tâm chính trị rất cao và điều này không chỉ của thành phố mà phải là từ T.Ư.

Đối với dự án đường sắt đô thị, ông Mãi cho rằng TPHCM hoàn thiện đề án, thông qua ở thành phố xong và báo cáo Bộ Chính trị để có sự ủng hộ, lãnh đạo và đây là cơ sở chính trị để thành phố tiếp tục triển khai các bước pháp lý phía về sau. Tương tự, các vấn đề lớn khác cũng sẽ tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cơ quan thẩm quyền, tạo chỗ dựa chính trị để thành phố triển khai.

Trước thách thức lớn phát triển 200km metro tiếp theo, TPHCM cần cơ chế trên cả đặc thù ảnh 4

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi tại buổi họp. Ảnh: Ngô Tùng

“T.Ư và thành phố đang rất quyết tâm, vấn đề là chúng ta chọn trọng tâm và kịp thời báo cáo để triển khai”, Chủ tịch UBND TPHCM nói.

Hướng đến nhiệm vụ trong năm 2024, ông Mãi nói cần tập trung nhóm các đề án, dự án, công trình cụ thể, để khi có dự án, công trình cụ thể và triển khai thành công sẽ tạo sức thuyết phục rất lớn.

"Đề án đường sắt đô thị chúng ta đã kiên trì lộ trình như đã bàn, còn nhiều vấn đề khác sẽ chia ra. Cơ chế tài chính, cơ chế phát triển công nghiệp phụ trợ ra sao, cơ chế tổ chức quản lý, quy trình phát triển thế nào… Những việc này cùng làm đồng thời, song song sẽ đảm bảo được tiến độ", ông Phan Văn Mãi cho biết.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.