Dự án Phương pháp từ trường điện tử không dây (WEM) đã mất tới 13 năm để hoàn tất nhưng các nhà nghiên cứu nói cuối cùng nó đã sẵn sàng phát tín hiệu sóng radio tần số cực thấp, còn được gọi là các sóng ELF, theo SCMP.
Mặc dù công trình phục vụ cả nhu cầu dân sự và quân sự, chính thức là cho mục đích phát hiện khoáng chất, động đất, nó có thể đóng vai trò quan trọng trong liên lạc quân sự.
Các nhà khoa học nói tín hiệu trạm ăng ten này phát đi có thể được các tàu ngầm tiếp nhận cho dù chúng đang ở dưới biển sâu hàng trăm mét, do đó các tàu ngầm không cần phải nổi lên nhận tín hiệu liên lạc, giảm nguy cơ bị phát hiện.
Khi đó, một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có thể liên lạc với trung tâm chỉ huy từ dưới sâu và Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới thiết lập được hệ thống thông tin tàu ngầm như thế, sau Mỹ và Nga.
Nhưng hải quân Trung Quốc đang hăm hở nâng cao năng lực của mình và đã đổ tiền tài vào một dự án công nghệ ELF tiên tiến hơn, cho phép các tàu ngầm liên lạc ở độ sâu lớn hơn nữa đồng thời hệ thống liên lạc cũng khó mà bị ngắt quãng hay can thiệp.
Tuy nhiên, trên công luận, chính phủ Trung Quốc tỏ ra hạ thấp tầm quan trọng của dự án được thực hiện trên diện tích 3.700km2, trong các thông tin công bố ra ngoài.
Ngoài lý do bí mật để đảm bảo việc bảo vệ một công trình chiến lược quan trọng, một số nhà nghiên cứu nói việc giữ bí mật còn nhằm mục đích tránh quan ngại từ công chúng trong nước.
Theo các nhà chuyên môn, dàn ăng ten sẽ phát các tín hiệu ELF với tần số dao động từ 0,1 đến 300 hertz. Vị trí chính xác của công trình chưa được công bố, nhưng thông tin trên các tạp chí nghiên cứu Trung Quốc nói nó nằm ở vùng Hoa Trung, là khu vực các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam và Hồ Nam, có dân số hơn 230 triệu người, lớn hơn dân số Brazil.
Các công trình bề mặt của dự án WEM gồm hai hệ thống cung cấp điện cao thế kéo dài từ bắc tới nam, tây sang đông, rộng 60km, dài gần 100km.
Ở cuối mỗi đường điện, các dây dẫn bằng đồng cỡ lớn sẽ đi ngầm xuống đất và với dòng điện lớn sẽ biến mặt đất thành một nguồn điện từ trường rất mạnh.
Xung điện radio không chỉ lan trong không khí, mà còn lan truyền trên bề mặt trái đất với tầm hoạt động 3.500km, theo các nhà khoa học của dự án.
Một thiết bị thu tín hiệu ở khoảng cách xa tầm đó (tương đương từ Trung Quốc đến Singapore hay đảo Guam), có thể thu nhận được tín hiệu. Càng gần nguồn phát thì tín hiệu càng mạnh.
Các vệ tinh do thám sẽ khó phát hiện hệ thống radar này bởi nó không khác gì các lưới điện thông thường, cho dù các chuyên gia về radar nói có thể phát hiện tín hiệu mà nó phát đi, từ đó xác định vị trí của hệ thống ăng ten.
Và vị trí nằm sâu trong đất liền của hệ thống này cũng khiến kẻ thù khó mà tấn công, nếu so với các hệ thống đặt ven biển.
Trần Tiểu Bình, một nhà nghiên cứu thuộc viện Địa chất, cơ quan Theo dõi động đất Trung Quốc, tham gia dự án từ đầu nói ông không biết vị trí chính xác của dàn radar bởi thông tin đó cần được cấp cao hơn cho biết. “Công trình đó có vai trò quan trọng về quân sự nếu chiến tranh nổ ra… Dù tôi tham gia dự án, tôi không hề biết nó nằm ở đâu. Bây giờ có lẽ nó đã đi vào hoạt động”.
Nhưng một số nhà nghiên cứu nói các cơ quan môi trường Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về dự án.
Bộ Sinh thái và Môi trường, đã yêu cầu xem xét tổng thể dự án về tác động môi trường nhưng chưa được đáp ứng. “Tiền từ ngân sách, là dân đóng góp, nhưng quân đội đã can thiệp và bịt miệng các bộ ngành”, một nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh nói.
Nhiều nhà nghiên cứu đã liên hệ việc phơi nhiễm sóng ELF trong thời gian dài với nguy cơ trẻ sinh ra mắc bệnh máu trắng. Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới nói rất nhiều nghiên cứu khoa học liên kết sóng ELF với một loạt bệnh tật như ảo giác, mất ngủ, căng thẳng, trầm cảm, u não và ngực, sảy thai và tự tử.