Thông tin được đưa ra sau khi Cơ quan an ninh quốc gia Israel được cho là sẽ xem lại thỏa thuận đạt được năm 2015 giữa Bộ Giao thông Israel và Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải (SIPG) liên quan đến cảng Haifa.
SIPG đã cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào dự án và đặt mục tiêu sẽ đưa Haifa trở thành cảng lớn nhất của Israel. Thỏa thuận với chính phủ Israel cho phép SIPG quản lý cảng trong 25 năm.
Theo báo Bưu điện Jerusalem, Washington đã gây áp lực khiến chính phủ Israel phải thay đổi quyết định, vì Hải quân Mỹ đánh giá rằng những hoạt động lâu dài ở cảng Haifa có thể thay đổi một khi SIPG nắm quyền kiểm soát cảng dân sự này từ năm 2021.
Là thành phố cảng lớn nhất của Israel, Haifa thường xuyên đón các tàu chiến Mỹ và là nơi diễn ra các cuộc tập trận chung Mỹ - Israel. Thỏa thuận với SIPG làm dấy lên những quan ngại về tình báo và an ninh, khiến Israel phải tiến hành một cuộc đánh giá liên ngành.
Haifa không phải cảng duy nhất ở Israel liên quan đến tiền Trung Quốc. Một chi nhánh của Công ty kỹ thuật cảng Trung Quốc giành được hợp đồng xây cảng trị giá 876 triệu USD ở Ashdod, bên bờ Địa Trung Hải.
Nhằm triển khai sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh, Trung Quốc đang gia tăng đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng biển.
Những công ty Trung Quốc tiên phong như tập đoàn vận tải biển Cosco và tập đoàn cảng thương mại Trung Quốc đang chạy đua giành cổ phần hoặc các thỏa thuận xây dựng cảng ở nước ngoài.
Ông Oded Eran, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia và là một cựu quan chức ngoại giao Israel, cho rằng ở nhiều nước hiện nay có mối lo ngại ngày càng lớn về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và cách họ sử dụng nó trong nhiều trường hợp để đạt được các mục đích chính trị.
“Trong trường hợp của Israel, quan ngại chủ yếu liên quan đến an ninh...khi cạnh tranh toàn cầu lớn lên thì Israel cũng cần bảo vệ tài sản quốc gia của mình”, ông Eran nói.
Ông Ehud Gonen, một chuyên gia về chiến lược và chính sách biển tại ĐH Haifa, cho biết hoạt động đầu tư của Trung Quốc tăng nhanh chóng đã gây lo ngại ở Israel.
“Do quy mô đầu tư đáng kể của Trung Quốc trên toàn cầu, có rất nhiều cuộc tranh luận ở các nước về tác động và động cơ của những hoạt động đầu tư này”, ông Gonen nói.
Ông Liu Naiya, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng việc Israel xem lại hợp đồng cảng Haifa chủ yếu là vì lý do chính trị.
“Lý do Mỹ muốn đồng minh của họ xem lại thỏa thuận này là nhằm cản trở hợp tác giữa Israel và Trung Quốc. Đó là cách Washington thường sử dụng để cản trở các hoạt động quốc tế của Trung Quốc”, ông Liu nói.