Trung Quốc vạch kế hoạch hợp tác trên vùng biển tranh chấp

Cuộc tập trận chung Balikatan của Mỹ và Philippines diễn ra hồi tháng 4. Ảnh: National Interest
Cuộc tập trận chung Balikatan của Mỹ và Philippines diễn ra hồi tháng 4. Ảnh: National Interest
TP - Trung Quốc đang soạn thảo kế hoạch 5 năm về hợp tác trên biển Đông và các vùng  biển xung quanh. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát hoàn toàn biển Đông, và Mỹ cần mạnh tay hơn với Bắc Kinh.

Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua hôm qua dẫn lời ông Chen Yue, Phó ban hợp tác quốc tế của Cục Quản lý biển quốc gia, nói rằng, kế hoạch hợp tác trên biển sẽ tập trung vào mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc với ASEAN và ở Đông Á. Nhưng ông Chen không nói rõ kế hoạch sẽ như thế nào và khi nào được công bố.

Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đại tá Wu Qian, nói rằng, Bắc Kinh sẽ tham gia một đợt tập trận đa phương gần biển Đông từ ngày 2 đến 12/5 tới, và nước này sẽ cử tàu khu trục tên lửa Lanzhou và hơn chục lực lượng đặc biệt tham dự. Đợt tập trận về đảm bảo an ninh biển và chống khủng bố sẽ có sự tham dự của 10 nước ASEAN, cùng với Mỹ, Ấn Độ và 6 quốc gia khác, AP đưa tin.

 Đợt tập trận sẽ diễn ra ở Singapore, Brunei và các khu vực gần biển Đông. Cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, nước này sẽ bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực tranh chấp, cũng như “chủ quyền và quyền chủ quyền” của họ ở đây.

 Phát biểu tại Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) diễn ra hôm qua tại Bắc Kinh, ông Tập nói rằng, các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông phải được giải quyết thông qua thương lượng giữa các nước liên quan trực tiếp. 

Chủ tịch Trung Quốc cũng nhắc lại “tầm nhìn an ninh châu Á” mà chính ông đưa ra 2 năm trước, rằng các vấn đề của châu Á phải do chính người châu Á giải quyết, ngụ ý rằng các quốc gia ngoài khu vực như Mỹ không có vai trò gì trong các tranh chấp ở khu vưc.

“Washington cần mạnh tay hơn với Bắc Kinh”

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm qua nói rằng, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát hoàn toàn biển Đông. Trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Marco Rubo nhấn mạnh điểm nóng mới nhất trên biển Đông là bãi cạn cách Philippines 120 hải lý.

“Chiến lược có tính toán của Bắc Kinh là thách thức quyền lực của Mỹ và đang gây hậu quả thực sự đối với các lợi ích của Mỹ và các chuẩn mực quốc tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa”, CNS News dẫn lời Thượng nghị sĩ Bob Corker nói trong cuộc họp. Ông Corker cho rằng, vấn đề phiền toái hơn là chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama không có một chính sách nhất quán đối với Trung Quốc.

 “Ví dụ, trên biển Đông, cả lời lẽ và những chiến dịch tự do hàng hải đều không ngăn chặn hay làm chậm các hoạt động của Trung Quốc, như việc Bắc Kinh triển khai vũ khí, khí tài ra các đảo nhân tạo. Hơn nữa, nhiều chuyên gia đánh giá ngày càng có khả năng Trung Quốc sẽ lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông”, ông Corker nói. Thứ trưởng Blinken thừa nhận Mỹ có “một số điểm còn khác biệt đáng kể” xung quanh “hành vi quả quyết và gây hấn” của Trung Quốc trên biển Đông.

Về các chiến dịch tự do hàng hải, Thượng nghị sĩ Cory Gardner chất vấn ông Blinken rằng, chính quyền Mỹ có cân nhắc việc triển khai các chiến dịch này trên biển Đông thường xuyên hay không. “Có. Chúng tôi tham gia các chiến dịch tự do hàng hải thường xuyên, và sẽ tiếp tục như vậy”, ông Blinken nói. 

“Tôi hy vọng chúng ta sẽ thực sự tăng cường phạm vi hoạt động trên biển Đông”, ông Gardner nói. Theo ông Gardner, các chiến dịch tự do hàng hải hiện nay của Mỹ chưa gửi được thông điệp đến Trung Quốc rằng đó là một tuyến hàng hải quốc tế, nước này phải tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Ông Blinken nói rằng, chừng nào Mỹ vẫn “hiện diện đầy đủ” ở khu vực, thì “bất kỳ lợi thế chiến thuật nào mà Trung Quốc có được từ một số tiền đồn (trên đảo nhân tạo) sẽ bị lấn át” vì gần như tất cả các nước trong khu vực đều xa lánh Bắc Kinh.

Với 60% lực lượng của Hải quân Mỹ hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương, “tôi không biết tại sao chúng ta không thực hiện chúng (các chiến dịch tự do hàng hải) hằng tuần hoặc hằng tháng”, ông Corker nói. “Tôi không nghĩ có vấn đề gì khi Trung Quốc chỉ coi đó là một nỗ lực mang tính biểu tượng, và tôi không hiểu tại sao chúng ta không hằng tuần đưa tàu vào trong khu vực 12 hải lý”, Thượng nghị sĩ Corker nói.  

Hôm qua, phát biểu tại CICA, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý nhấn mạnh, các nước cần cùng nỗ lực thúc đẩy đối thoại chân thành, xây dựng và có các biện pháp cụ thể, thiết thực hơn để xây dựng lòng tin. Thứ trưởng cho rằng, CICA cần tập trung thúc đẩy giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế.

Theo theo Xinhua, SCMP, CNS News
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.