Theo tờ báo của quân đội Trung Quốc, cuộc tập trận lần này diễn ra tại một khu vực “rộng hàng nghìn cây số vuông” trên biển Đông. Chiến hạm mặt nước của Trung Quốc đã thực hành mô phỏng tình huống làm chệch hướng các đợt tấn công bằng tên lửa chống hạm của đối phương, đồng thời hiệp đồng tác chiến với tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm và máy bay chiến đấu. Trước đó, ngày 13/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo hải quân nước này gần đây tập trận bắn đạn thật trên biển Đông.
Các động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông đã gây căng thẳng khu vực và bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Washington liên tiếp chỉ trích Bắc Kinh về việc ồ ạt bồi lấp, xây dựng trái phép đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Úc tuyên bố vừa kết thúc chuyến tuần tra thực thi tự do lưu thông trên biển Đông. Ngày 18/12 đến Nhật Bản trong chuyến công du Đông Á lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Úc Malcom Turnbull tuyên bố sẽ tiếp tục các đợt tuần tra.
Chống tiếp cận quân sự
Theo Reuters, Nhật Bản đang có kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không dọc 200 hòn đảo ở biển Hoa Đông, trải dài trên phạm vi 1.400 km từ thềm lục địa Nhật Bản tới giáp Đài Loan. Các nhà hoạch định quân sự và chính sách của chính phủ Nhật Bản tiết lộ, mục tiêu chính của Thủ tướng Shinzo Abe khi tăng cường sức mạnh quân đội bao gồm một chiến lược thống trị trên biển và trên không xung quanh các đảo xa, từ đó kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên giới chức cấp cao Nhật Bản đề cập việc xây dựng một phiên bản học thuyết chống tiếp cận quân sự phiên bản riêng nhằm giữ chân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, một khi chiến lược mà chính Trung Quốc cũng đang xây dựng để đẩy Mỹ và các đồng minh ra khỏi khu vực. Nếu Nhật Bản hoàn thiện kế hoạch này, tham vọng hải quân nước xanh của Trung Quốc sẽ gặp thách thức lớn.
Nghị sĩ đảng Dân chủ Nhật Bản Akihisa Nagashima cho rằng, sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và sự suy giảm tương đối của Mỹ là một yếu tố thúc đẩy Nhật Bản chuyển trọng tâm phòng thủ từ đảo Hokkaido ở phía Bắc (do lo ngại Liên Xô và sau này là Nga) sang chuỗi đảo phía Tây Nam.
Ông Yosuke Isozaki, cựu cố vấn an ninh của Thủ tướng Abe, cho biết, Nhật Bản muốn gia tăng lợi thế hàng hải và hàng không để phù hợp với sức mạnh của quân đội Mỹ. Số lượng nhân viên quân sự của Nhật Bản trên các đảo ở biển Hoa Đông sẽ tăng lên khoảng 10.000 người trong vòng 5 năm tới. Lực lượng này sẽ được hỗ trợ bởi lực lượng thủy quân lục chiến, tàu ngầm tàng hình, máy bay chiến đấu F-35, xe chiến đấu đổ bộ và tàu sân bay. Ngoài ra, còn có sự hậu thuẫn của Hạm đội 7 Mỹ đóng tại thành phố Yokosuka ở phía nam thủ đô Tokyo.
“Chuỗi đảo thứ nhất” chạy từ Nhật Bản kéo dài xuống phía Nam tới Philippines có thể là ranh giới cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. “Trong 5 hoặc 6 năm tới, chuỗi đảo đầu tiên sẽ rất quan trọng trong cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản - Mỹ”, GS Satoshi Morimoto của Đại học Takushoku, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, nhận định.