Cuộc tập trận của NATO suýt dẫn đến Thế chiến III

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trên xe tăng thị sát tập trận.
Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trên xe tăng thị sát tập trận.
Các tài liệu mật của Chính phủ Anh vừa được tổ chức phi chính phủ National Security Archives thuộc Đại học George Washington công bố đã tiết lộ thông tin chi tiết về một cuộc tập trận của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1983 đã suýt gây nên Chiến tranh thế giới lần thứ III

Điều đáng sợ nhất ở thời điểm kể trên là các hệ thống phóng tên lửa hạt nhân của Liên Xô đều đã được đưa vào tư thế sẵn sàng phóng để đáp trả một đòn tấn công hạt nhân từ NATO. Nhưng chiến tranh đã được “tháo ngòi” vào phút chót nhờ báo cáo mật từ một điệp viên hai mang của KGB trú đóng tại Anh.

Able Archer 83 là biệt danh của cuộc tập trận suýt gây thảm họa của NATO được giới nghiên cứu gọi trong những năm sau này. Thật ra, cuộc tập trận đó có mật danh là “Chiến dịch Able Archer” (Thiện Xạ) chính thức diễn tập trên thực địa vào tháng 11/1983, nhưng trước đó, nó đã được chuẩn bị "dàn trận" từ nhiều tháng. Theo các tài liệu mật, cuộc tập trận Able Archer huy động lực lượng lên đến 40.000 quân của các nước khối NATO di chuyển trong phạm vi rộng khắp các nước Tây Âu, được điều phối bởi các hệ thống truyền thông được mã hóa. Nhiều căn cứ không quân của Anh được sử dụng trong cuộc tập trận này bao gồm Greenham Common, Brize Norton và Mildenhall, hầu hết cho đến nay vẫn còn nhiều bí mật chưa công bố.

Cuộc tập trận Able Archer 83 là loại diễn tập chỉ huy, tức là diễn tập chiến thuật điều động binh sĩ và khí tài, mục đích là huấn luyện công tác chỉ huy chiến đấu trong tình huống bị tấn công. Mức độ diễn tập trung bình, ít tốn kém chi phí. Tình huống giả định được thiết kế diễn tập trên địa bàn thực tế, với quân đội và vũ khí thật di chuyển như đang có tình thế chiến tranh thật. Điều này khiến cho lực lượng điệp viên nằm vùng của KGB nghĩ rằng, NATO đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh, và rất có thể một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân sẽ xảy ra.

Tình huống giả định của cuộc tập trận là lực lượng Xanh (Blue Forces), giả định là lực lượng NATO, chiến đấu bảo vệ các đồng minh trước cuộc xâm lược của lực lượng Cam (Orange Forces), giả định là lực lượng các nước khối Hiệp ước Warsaw. Theo kịch bản tập trận của NATO, khối này đã có sự chuẩn bị từ tháng 2/1983, với tình huống được đặt ra là "có sự thay đổi lãnh đạo ở Moscow, và ban lãnh đạo mới này vốn phản đối việc để cho phương Tây gia tăng ảnh hưởng ở các nước Thế giới thứ ba". Do đó, ban lãnh đạo mới của Liên Xô, trong kịch bản giả định được gọi là "quốc gia Cam", bắt đầu gia tăng ảnh hưởng tại vùng Vịnh Persic bằng cách cung cấp vũ khí cho Iran lúc này đang leo thang chiến tranh biên giới với Iraq.

Sau đó, ngày 3/11, lực lượng Cam đưa quân vào Nam Tư sau một biến cố chính trị tại đây. Sau sự kiện này, quân Cam tiếp tục xâm lược Phần Lan, Na Uy và Hy Lạp, và áp sát biên giới CHLB Đức, dùng máy bay ném bom dọc biên giới CHLB Đức rồi đến nước Anh. Khi không thể ngăn chặn đà tiến quân của lực lượng Cam, ngày 8/11, lực lượng Xanh phải triển khai tên lửa hạt nhân hạn chế để tấn công các mục tiêu cố định chọn sẵn. Và khi vũ khí hạt nhân hạn chế vẫn không thể ngăn chặn được quân Cam, Bộ Chỉ huy Tối cao quân Đồng minh ở châu Âu (SACEUR) đã yêu cầu cho triển khai tên lửa hạt nhân vào ngày 9/11. Yêu cầu này được chấp thuận vào chiều ngày 10/11 và tên lửa được triển khai vào sáng ngày 11/11. Cuộc tập trận kết thúc sau 4 ngày diễn tập.

Cuộc tập trận được tổ chức trong tình hình Chiến tranh lạnh đang rất căng thẳng, chỉ cần một cử động nhỏ cũng có thể gây ra tình huống đột biến. Tình hình nhạy cảm đến nỗi đã dẫn đến sự cố tên lửa phòng không Liên Xô bắn lầm chuyến bay dân dụng KAL007 của CHDCND Triều Tiên khiến toàn bộ 269 người trên máy bay tử nạn vào ngày 26/9/1983. Nguyên do sự cố là chiếc Boeing 747 KAL007 bay vào vùng không phận Liên Xô bên trên vùng biển Nhật Bản khi đó là vùng cấm xâm phạm. Một chi tiết đáng giá được phát hiện: Chiếc máy bay bị nạn là loại máy bay Boeing 747, do Hãng Boeing của Mỹ sản xuất, sự xuất hiện của nó đã gây hiểu lầm rằng chiếc máy bay là "máy bay do thám của Mỹ".

Cuộc tập trận của NATO suýt dẫn đến Thế chiến III ảnh 1

Các tên lửa được dàn trận trong cuộc tập trận Able Archer 83.

Tình hình căng thẳng còn bị đẩy lên thêm với việc Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vừa có phát biểu gây sốc mô tả Liên Xô là một "đế chế của quỷ" đồng thời công bố kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược mang bí danh "Star Wars" (Chiến tranh các vì sao), vốn luôn bị Liên Xô phản đối. Reagan thậm chí còn tiến thêm một bước là triển khai các hệ thống tên lửa Pershing II ngay sát biên giới với Ba Lan. Đây là loại tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân. Chính động thái này đã khiến Liên Xô nâng mức độ báo động lên cao và triển khai nhiều biện pháp nhằm phát hiện và ngăn chặn từ xa các cuộc tấn công phủ đầu bất ngờ bằng tên lửa hạt nhân của đối phương.

Trên tinh thần đó, ngày 17/2/1983, Chủ tịch KGB Yuri Andropov đã ra lệnh cho các điệp viên của mình triển khai chiến dịch mang tên RYaN (Raketno-Yadernoye Napadenie), tức chiến dịch truy tìm những dấu hiệu tấn công tên lửa hạt nhân. Mục tiêu của chiến dịch là tìm kiếm, xác định các  dấu hiệu khả nghi của một vụ tấn công hạt nhân từ phương Tây. Hàng loạt điệp viên KGB đã được triển khai sang phương Tây để thực hiện nhiệm vụ này. Mọi động thái chuẩn bị cho Able Archer đều đã được các điệp viên KGB ghi nhận xem như dấu hiệu của sự chuẩn bị cho cuộc tấn công.

Từ cuộc tập trận trước đó của Mỹ và đồng minh trên Đại Tây Dương mang mật danh “Autumn Forge 83”, với việc điều động 19.000 binh sĩ Mỹ bằng không vận, cho đến việc chuẩn bị tập trận Able Archer 83 với 40.000 binh sĩ khối NATO được điều động đều đã được mạng lưới điệp viên RYaN ghi nhận chặt chẽ. Đến khi các hệ thống tên lửa hạt nhân di chuyển theo yêu cầu tập trận cũng được ghi nhận như là những dấu hiệu của một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra. Tất cả đã được báo cáo về trung tâm chỉ huy chiến dịch RYaN ở Moscow và được đưa vào hệ thống điện toán để tính toán xác suất nguy cơ tấn công hạt nhân từ NATO.

Khi cuộc tập trận Able Archer chính thức bắt đầu (ngày 7/11/1983), Điện Kremlin đã chỉ thị cho hàng chục máy bay ở CHDC Đức và Ba Lan lắp vũ khí hạt nhân vào. Khoảng 70 quả tên lửa SS-20 mang đầu đạn hạt nhân đã được lắp đặt sẵn sàng chiến đấu, Liên Xô còn điều động thêm các tàu ngầm chiến lược mang tên lửa hạt nhân lặn sâu bên dưới các lớp băng Bắc Cực nhằm tránh bị máy bay, tàu chiến đối phương phát hiện.

Cuộc tập trận của NATO suýt dẫn đến Thế chiến III ảnh 2 Điệp viên Oleg Gordievsky (bên phải) gặp Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1987.

Theo các tài liệu mật, NATO không tính toán kỹ đến khả năng phản ứng của Liên Xô đối với cuộc tập trận. Theo báo cáo hậu diễn tập của Ủy ban Tình báo liên quân (JIC) của Anh, sai lầm của NATO là nghĩ rằng, phản ứng của Liên Xô đối với cuộc tập trận cùng lắm chỉ là tổ chức một cuộc tập trận tương tự để đáp trả, trong khi trên thực tế, báo cáo tiết lộ rằng, Moscow quả thực nghĩ rằng cuộc tập trận của NATO là màn dạo đầu cho một cuộc tấn công bằng hạt nhân. Các tài liệu mật do Chính phủ Mỹ giải mật hồi tháng 10 vừa qua cũng tiết lộ thời điểm diễn ra cuộc tập trận, các dữ liệu, thông tin do Cơ quan Tình báo CIA của Mỹ thu thập về các động thái của Liên Xô trong suốt thời gian tập trận Able Archer đã cho thấy hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đã tiến gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện hơn bao giờ hết.

Trong số các điệp viên KGB được cử sang phương Tây lúc ấy để thực hiện chiến dịch RYaN có một số người đã quay sang làm điệp viên hai mang cho phía đối phương, trong đó có Oleg Gordievsky. Gordievsky là điệp viên KGB đóng tại Copenhagen, Đan Mạch, từ năm 1963 và trở thành điệp viên hai mang của MI-6 từ năm 1968. Trước tình hình nguy hiểm đang diễn ra, Gordievsky đã bí mật thông tin cho MI-6 về việc Moscow đang điều động khí tài và có nguy cơ phát động tấn công hạt nhân. Thông tin của Gordievsky được chuyển đến cho Chánh văn phòng Nội các Anh lúc đó là Sir Robert Armstrong và ông này lập tức đã báo cáo với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Ông Armstrong đã báo cáo với bà Thatcher về những động thái quân sự ở Liên Xô trông không có vẻ gì là tập trận cả, mà đích thực là sự di chuyển khí tài quân sự cũng như nhân sự nhằm phục vụ cho việc triển khai cho tình huống chiến tranh.

Cuộc tập trận của NATO suýt dẫn đến Thế chiến III ảnh 3

Điệp viên hai mang Oleg Gordievsky.

Bà Thatcher hốt hoảng khi nghe thông tin tình báo từ Gordievsky và đã ra lệnh cho các quan chức Chính phủ Anh phải tìm cách nào xua đi mối nguy hiểm đó. Bà Thatcher ra lệnh cho các quan chức Anh khẩn trương tìm cách tiếp xúc với người Mỹ để thông tin về việc Liên Xô có thể hiểu lầm về "một cuộc tấn công bất ngờ của NATO", chỉ cần một tính toán sai của hệ thống máy móc. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Anh đã soạn ngay một văn bản gửi cho phía Mỹ đề nghị "NATO nên thông báo cho Liên Xô về cuộc tập trận thường lệ của NATO có sử dụng vũ khí hạt nhân" để tránh hiểu lầm. Thông tin từ Gordievsky và báo cáo của JIC sau đó cũng được chuyển đến Tổng thống Mỹ Reagan, và đã khiến ông thay đổi ý định, rút lại các vũ khí tập trận, kể cả các tên lửa hạt nhân đã được bố trí sát biên giới khối Warsaw. Ngòi nổ Chiến tranh thế giới lần III đã được tháo gỡ.

Gần đây, câu chuyện về cuộc tập trận Able Archer 83 đã được dựng lại thành loạt phim tài liệu, nhan đề "Deutschland 83", đã ra mắt tại Mỹ vào tháng 6/2015 và trình chiếu tại Anh và châu Âu trong tháng 11/2015.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.