Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam
TPO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, Trung Quốc ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại hàng nông sản nhập khẩu.

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ước đạt gần 3,4 tỷ USD (giảm 21,6% so với tháng 8/2020). Tính cả 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 32 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, với giá trị đạt trên 6 tỷ USD, chiếm 18,6% (tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái).

Về các mặt hàng, hiện Việt Nam có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt (song hiện mít chưa có mã HS riêng). Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất là thanh long (99,9% thanh long của Trung Quốc nhập từ Việt Nam); tiếp đến là sản phẩm chuối, dưa hấu, nhãn, xoài...

Theo Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán để cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều loại nông sản chủ lực, có lợi thế vẫn chưa được Trung Quốc cấp phép chính ngạch, mở cửa thị trường về kỹ thuật (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, sứa ướp muối, tôm sú, tôm thẻ ướp đá) để tận dụng các ưu đãi này.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam ảnh 1

Theo Bộ NN&PTNT, thói quen xuất khẩu qua tiểu ngạch khiến nông sản Việt Nam khó cạnh tranh khi bị siết các điều kiện, tiêu chuẩn

Đáng chú ý, thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản qua thị trường này vẫn duy trì thói quen buôn bán thời vụ, manh mún thông qua hình thức “trao đổi cư dân biên giới”. Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Trung Quốc siết chặt các tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại hàng nông sản nhập khẩu, đặc biệt việc kiểm tra tại khu vực cửa khẩu, đã tác động không nhỏ đến tiến độ thông quan hàng hóa của Việt Nam. Một số loại nông sản như thanh long, chuối bị ùn ứ, giá giảm sâu.

Theo Bộ NN&PTNT, trước sự thay đổi này các địa phương cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch…Nếu không, nông sản sang thị trường Trung Quốc sẽ rất khó cạnh tranh.

Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương thúc đẩy mở cửa thị trường, bổ sung các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến) vào nội dung các cuộc đàm phán lãnh đạo cấp cao giữa hai nước để đẩy nhanh tiến độ; đồng thời đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc duy trì công nhận các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở bao gói, chế biến nông sản, thủy sản đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu sau thời điểm Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.