Nguy cơ thiếu nguồn cung thịt đến Tết nguyên đán 2022 nếu dịch bệnh kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 9, ngành chăn nuôi có thể hồi phục trong tháng tiếp theo. Nhưng dịch bệnh kéo dài hơn, nguồn cung sẽ giảm khoảng 20% đến Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lưu ý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa đưa ra 2 kịch bản dự báo về tình hình chăn nuôi trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng đứt gãy dẫn tới giá vật tư đầu vào của sản xuất tăng cao, đặc biệt là giá nguyên liệu thức ăn, làm cho giá thành sản phầm chăn nuôi tăng rất cao.

Theo đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 16-36% so với năm ngoái, và vẫn đang trên đà tăng. Một số nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở giết mổ, chế biến có người nhiễm COVID-19 nên phải ngừng sản xuất. Các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào, cũng như phân phối sản phẩm đầu ra bị gián đoạn, do đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống hay các cửa hàng thực phẩm… nên thị trường chăn nuôi biến động mạnh.

Nguy cơ thiếu nguồn cung thịt đến Tết nguyên đán 2022 nếu dịch bệnh kéo dài ảnh 1

Người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao, còn đầu ra bế tắc

"Đến nay Chính phủ, các bộ ban ngành đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để lưu thông hàng hóa và cung ứng sản phẩm cho tiêu dùng nhưng một số địa phương ở huyện, xã, thôn vẫn khó khăn cho lưu thông hàng hóa. Trong đó ở cấp tỉnh còn Quảng Ngãi và Lâm Đồng vẫn khó khăn lưu thông thức ăn và sản phẩm. Một số địa phương không cho vận chuyển tinh để phối giống tái đàn như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Thuận, Bến Tre và An Giang", ông Trọng cho hay.

Trong khi chi phí đầu vào tăng cao, giá các sản phẩm chăn nuôi đồng loạt giảm sâu. Chẳng hạn, giá lợn hơi hiện chỉ còn 50.000-58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong 2 năm gần đây.

Giá gà thịt lông màu các tỉnh phía Nam còn khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, các tỉnh phía Bắc khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg. Đáng chú ý, hiện 19 tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ có khoảng 9,3 triệu con gà lông trắng đã đến tuổi xuất chuồng, trong đó trên 4 triệu con đã quá tuổi khối lượng trên 3,8kg nhưng vẫn chưa tiêu thụ được.

Nguy cơ thiếu nguồn cung thịt đến Tết nguyên đán 2022 nếu dịch bệnh kéo dài ảnh 2

Bộ Nông nghiệp dự báo nếu dịch kéo dài qua tháng 9, người chăn nuôi sẽ thua lỗ nặng, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn vừa và nhỏ có thể bị phá sản, mất cân đối cung cầu và chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy

Trước tình hình trên, ông Trọng cho biết ngành chăn nuôi đã đưa ra 2 kịch bản dự báo. Theo đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế khôi phục vào cuối tháng 9, ngành chăn nuôi có thể hồi phục trong tháng tiếp theo và đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn, nguồn cung sẽ giảm khoảng 20% đến Tết Nguyên đán. Khi đó, người chăn nuôi thua lỗ nặng, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn vừa và nhỏ có thể bị phá sản, mất cân đối cung cầu và chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy.

Từ thực tế đó, Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, các địa phương nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, vì đây là điểm cốt lõi ảnh hưởng mạnh nhất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ các địa phương.

Về việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, Cục chăn nuôi cho biết, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Chính phủ có chính sách miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thiết bị chuồng trại chăn nuôi… nhằm giảm giá thành sản xuất.

MỚI - NÓNG