Vùng ĐBSCL sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá mức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại các tỉnh ĐBSCL, lượng phân bón vô cơ đang được sử dụng cao hơn 35,3% so với trung bình toàn quốc, trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27,3%. Cá biệt, có tỉnh có lượng sử dụng phân bón vô cơ gấp gần 4 lần trung bình toàn quốc. Lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học tại khu vực này cũng đang cao hơn mức trung bình cả nước 71,9%, có tỉnh gấp xấp xỉ 3 lần...

Thông tin được nêu ra tại hội nghị trực tuyến về thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc BVTV, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh ĐBSCL diễn ra sáng nay (27/8).

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến tháng 12/2020, cả nước có khoảng 841 cơ sở sản xuất (CSSX) phân bón với tổng công suất 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, phân bón vô cơ có 576 sơ sở với công suất 25,21 triệu tấn/năm, phân bón hữu cơ có 265 cơ sở với công suất 4,04 triệu tấn/năm.

Các tỉnh ĐBSCL có 343 CSSX phân bón với tổng công suất 5,8 triệu tấn/năm (chiếm 40,8% về số lượng và 19,9% về công suất so với cả nước). Trong đó, sản xuất phân bón vô cơ có 241 cơ sở với công suất 5,06 triệu tấn/năm (chiếm 87,2%), còn lại là phân bón hữu cơ (749,6 nghìn tấn/năm).

ĐBSCL là vùng có số lượng CSSX phân bón lớn nhất cả nước và công suất lớn thứ 2 (sau Đông Nam Bộ). Trong đó, Long An là tỉnh có số lượng CSSX phân bón nhiều nhất cả nước với 202 cơ sở, công suất cũng lớn nhất với hơn 3 triệu tấn.

Năm 2020, Việt Nam sử dụng 10,23 triệu tấn phân bón, trong đó phân bón hóa học 7,6 triệu tấn, phân bón hữu cơ 2,63 triệu tấn. Lượng phân bón sử dụng trung bình 753kg/ha gieo trồng, cao hơn so với mức trung bình trên thế giới. Các tỉnh ĐBSCL có lượng phân bón sử dụng trung bình 1.071kg/ha, cao hơn 42% so với trung bình cả nước.

Về thuốc BVTV, các tỉnh ĐBSCL có số lượng CSSX thuốc BVTV nhiều nhất cả nước với 52/85 cơ sở (chiếm 61,18%). Long An là tỉnh có số lượng nhiều nhất cả nước với 42 cơ sở.

Hiện nay, cả nước có khoảng 32.032 cơ sở buôn bán thuốc BVTV đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV. Phân bố nhiều nhất vẫn là các tỉnh ĐBSCL với 10.542 cơ sở (chiếm 32,91% cả nước). Trong đó, Long An 1.642 cơ sở, nhiều nhất cả nước.

Tại các tỉnh ĐBSCL, lượng thuốc BVTV thành phẩm sử dụng năm 2020 là 28.520 tấn (chiếm 54,94% cả nước). Bình quân 1ha gieo trồng sử dụng 6,27kg thuốc BVTV, cao hơn trung bình cả nước khoảng 64,56%. Các tỉnh sử dụng ở mức cao là Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long với lượng sử dụng từ 6,44-21,76 kg/ha.

Riêng lượng thuốc BVTV hóa học, năm 2020 cả nước sử dụng 41.870 tấn (chiếm 82,59% tổng lượng thuốc BVTV sử dụng), trung bình 3,14kg/ha. Trong đó, vùng ĐBSCL sử dụng 24.587 tấn, trung bình 5,40kg/ha. Các tỉnh sử dụng ở mức cao là Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ… với lượng sử dụng trung bình từ 5,63-16,17kg/ha gieo trồng...

Vùng ĐBSCL sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá mức ảnh 1

Phun thuốc cho lúa ở Hậu Giang. Ảnh: Cảnh Kỳ

Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, là một trong các tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, Tiền Giang có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 178.000ha; trong đó đất trồng lúa 54.599ha; cây ăn trái trên 80.000ha, sản lượng đạt hơn 1,5 triệu tấn/năm.

Nhu cầu sử dụng phân bón của người dân ước tính bình quân gần 1,2 triệu tấn/năm và nhu cầu sử dụng thuốc BVTV ước tính khoảng 400 tấn/năm.

Theo ông Mẫn, hiện tại vẫn còn một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV tùy tiện không theo khuyến cáo, chưa lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại cây trồng và dịch hại nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc sử dụng dư thừa phân bón hay phun ngừa các loại thuốc BVTV vẫn còn xảy ra một số nơi đã làm gia tăng chi phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân…

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTT Hậu Giang, phân bón trên thị trường đa dạng về thành phần nên nông dân sử dụng theo cảm tính, bón không theo nhu cầu của cây nên lượng phân sử dụng ở mức cao nên thường xuyên xảy ra sâu bệnh.

Nhu cầu phân bón cao, nên phân giả, kém chất lượng đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng. Giá phân bón không ổn định tác động lớn đến tình hình sản xuất của nông dân trên địa bàn.

Ngoài ra, công tác quản lý phân bón cũng gặp khó khăn. Tình trạng doanh nghiệp sản xuất phân bón ghi không đúng nhãn mác trên bao bì, phân bón có chức năng trị bệnh cho cây trồng… gây khó khăn cho nông dân khi sử dụng.

Theo Cục BVTV, việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV quá mức nếu không được khắc phục sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn không chỉ đối với môi trường, sức khỏe con người mà còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, suy giảm đa dạng sinh học của các loài thiên địch. Việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón còn làm tăng giá thành sản phẩm, qua đó làm giảm thu nhập của người nông dân…

MỚI - NÓNG