Theo dự kiến, sớm nhất đến trung tuần tháng 9/2021, hoạt động này mới vận hành trở lại. Hiện còn bến 125 Tân Cảng Cát Lái và cảng Tân Cảng Nhơn Trạch còn hoạt động để phục vụ cho việc đóng gạo bằng container. Tuy nhiên, năng lực đóng hàng của 2 cảng này đều thấp hơn so với thời gian trước, gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu (XK) mặt hàng gạo, ít nhất là đến hết tháng 9/2021.
Trong khi đó, cảng Tân Cảng Thốt Nốt ở Cần Thơ chưa hoạt động trở lại. Lượng hàng đang bị ùn ứ cục bộ tại cảng này tính đến ngày 26/8 là 6.000 tấn, tương đương khoảng 300 container chưa đóng hàng. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ đối thoại với các doanh nghiệp hàng hải trên địa bàn để nắm bắt vướng mắc tại Tân Cảng Thốt Nốt, Tân Cảng Cái Cui (Cần Thơ) và thống nhất phương án xử lý.
Ở các khu vực cảng biển khác vẫn hoạt động bình thường. Tại cảng Cát Lái, từ 23/8 đến nay, lượng khách hàng đến cảng làm thủ tục hải quan và giao nhận, lượng tàu, lượng phương tiện ra vào cảng cũng như sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu liên tục giảm so với thời điểm trước khi tăng cường biện pháp kiểm soát.
Trong tuần trước đó (từ 16-22/8), sản lượng xếp dỡ tàu giảm 15%, giao nhận giảm 24%, lượt xe vào giảm 20%, nhân viên khai báo hải quan giảm 40%. Các số liệu này đều giảm mạnh sau khi TP.HCM siết chặt việc giãn cách…
Ngày 24/8, Công ty CP Tân Cảng Hiệp Phước ra thông báo gửi đến các đại lý/hãng tàu và khách hàng đang sử dụng dịch vụ đóng rút gạo tại cảng xà lan của cảng Tân Cảng Hiệp Phước. Theo đó, đơn vị sẽ tạm ngưng tiếp nhận dịch vụ đóng rút hàng gạo tại bến xà lan từ ngày 25/8 cho đến khi có thông báo mới.
“Việc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đóng rút gạo tại cảng là trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh. Chúng tôi rất mong quý khách hàng đồng cảm và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này” – thông báo cho hay.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, việc cảng Tân Cảng Hiệp Phước tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp XK nông, đặc biệt là mặt hàng gạo trong giai đoạn hiện nay.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, XK gạo 7 tháng đầu năm nay đạt gần 3,5 triệu tấn, giá trị đạt gần 1,9 tỷ USD; giảm 12,7% về lượng và giảm 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.