Trung Quốc: Thử nghiệm công nghệ quốc phòng chống nghe lén

Tên lửa mang vệ tinh lượng tử được phóng lên từ sa mạc Gobi. Ảnh: China Daily
Tên lửa mang vệ tinh lượng tử được phóng lên từ sa mạc Gobi. Ảnh: China Daily
TP - Hôm qua, một vệ tinh của Trung Quốc được phóng lên vũ trụ để thử nghiệm kiểu truyền dữ liệu không thể bị chặn hoặc nghe lén và có tiềm năng tạo nên cuộc cách mạng trong ngành thông tin liên lạc quốc phòng.

Vệ tinh này được trang bị hệ thống lượng tử. Hệ thống này sẽ gửi hàng loạt hạt photon xuống các trạm tiếp nhận dưới mặt đất. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chặn dòng photon này cũng sẽ phá hủy nó. “Ý tưởng là sẽ sử dụng thông tin lượng tử dự trữ dưới dạng photon để chuyển khóa mã hóa bên gửi và bên nhận”, nhà vật lý lượng tử Andrew Truscott ở ĐH Quốc gia Úc giải thích. “Thứ giúp quá trình này không thể bị can thiệp là bản chất lượng tử của ánh sáng và bất kỳ người muốn nghe hoặc xem lén nào cũng sẽ phá hủy bản chất lượng tử của các photon, nên những thông tin họ thu thập được cũng sẽ vô ích”, ông Truscott nói.

Hệ thống này có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, như các vệ tinh do thám chuyển hình ảnh về Trái đất, các đại sứ quán báo cáo tình hình về nước, các tàu ngầm nhận lệnh khi đang ở sâu trong lòng biển… QUESS là vệ tinh đầu tiên trên thế giới được thiết kế dựa trên khám phá về lượng tử và dự kiến được Trung Quốc tiếp tục phát triển. Ở khoảng cách gần nhất, QUESS chỉ cách trạm tiếp nhận 500km.

Nguyên lý hoạt động của QUESS đã được chứng minh trên mặt đất với các sợi cáp quang, nhưng mới ở giai đoạn thử nghiệm trên vũ trụ. Những trở ngại cần phải vượt qua là tốc độ của vệ tinh (vì nó xoay theo chu kỳ 90 phút); sự cản trở của ánh sáng Mặt trời, Mặt trăng và ô nhiễm ánh sáng từ các thành phố. Tất cả những yếu tố này đều mạnh hơn mỗi photon trong chùm photon, nhà khoa học Pan Jian-wai, trưởng nhóm dự án, giải thích trên tạp chí khoa học Nature. Thiết bị của vệ tinh cũng phải chiếu chính xác vào kính thiên văn trên mặt đất để đường truyền hoạt động được.

Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lời ông Pan nói rằng, dự án này là bước tiến lớn của Trung Quốc, đưa Bắc Kinh từ vị trí “người đi theo” trong ngành công nghệ thông tin lên vị trí dẫn đầu về thành tựu có thể coi là khoa học của tương lai.

Chương trình vũ trụ tham vọng của Trung Quốc đến nay đã đạt được khá nhiều thành công, trong đó có việc thử nghiệm thành công tên lửa tiêu diệt vệ tinh và đưa một robot tự hành lên Mặt trăng. Nhưng Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất chú trọng vào viễn thông lượng tử. Các nhóm nghiên cứu ở Nhật Bản và một vài nước khác cũng đang phát triển công nghệ này. “Loại hình thông tin liên lạc này là tương lai của mã hóa bảo mật”, ông Truscott nhận định. Nhưng cũng theo nhà nghiên cứu này, công nghệ trên mới chỉ được chứng minh ở khoảng cách khoảng 100km, nên ý tưởng về việc nó sẽ hoạt động ở khoảng cách cần cho thông tin liên lạc qua vệ tinh “vẫn chưa được kết luận”.

Theo Theo Japan Times, Xinhua
MỚI - NÓNG