Trung Quốc: Nông dân lao đao vì cúm gia cầm

Trung Quốc: Nông dân lao đao vì cúm gia cầm
(TPO) Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức, người dân ở tỉnh Liêu Ninh đang phải lo tới một tương lai không mấy sáng sủa khi toàn bộ gia cầm đã bị tiêu huỷ vì dịch cúm.
Trung Quốc: Nông dân lao đao vì cúm gia cầm ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Zhou Guichun, 40 tuổi, người dân vùng Heishan đã thu hoạch xong vụ ngô và quay sang dồn sức chăm sóc đàn gà hơn 1.000 con. Tiền bán trứng gà cũng giúp thu về hơn 10.000 nhân dân tệ (1.200 đô la), chiếm một nửa thu nhập hàng năm của cả gia đình.

Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi từ ngày 2/11. Lúc đó vào khoảng 6 giờ sáng khi Zhou thức dậy và cho đàn gà mái ăn.Khu trại gà, được quây kín, yên tĩnh lạ thường. Đàn gà cũng không nháo nhác như mỗi lần Zhou đến cho ăn sáng. Bước vào trong chuồng kiểm tra, Zhou phát hiện hàng chục con gà đang kỳ đẻ trứng nằm chết từ lúc nào.

Lo sợ, Zhou tìm cách đưa toàn bộ số gà chết ra khỏi khu chuồng. Với kinh nghiệm của mình, anh hy vọng sau khi uống thuốc số gà chết sẽ không quá nhiều, nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại đó. “Phát hiện một hay hai con gà chết trong chuồng là chuyện bình thường, nhưng hàng chục con gà chết trong cùng một ngày là cả vấn đề” - Zhou nói.

Anh đi mua thuốc và tự mình chăm sóc cho đàn gà. Chiều cùng ngày anh thông báo việc phát hiện số gà chết bất thường trong trại nuôi của mình cho chính quyền địa phương.

Sáng hôm sau, khi đến cho đàn gà ăn, lại thêm 100 gà mái lăn quay và rất nhiều con khác có triệu chứng ốm. “Tôi thật sự phát điên và không biết phải làm gì” - Zhou nói. Anh cũng không biết rằng đang có rất nhiều chủ trại gà khác ở Heishan cũng đang phải đối đầu với tình trạng gà chết không rõ nguyên nhân như anh.

Heishan, cách thủ đô Bắc Kinh 300 km về phía Đông Bắc, là một trong những “trung tâm” nuôi và cung cấp gà chính của tỉnh Liêu Ninh. Theo thống kê của chính quyền địa phương, có tới 90% người dân ở đây nuôi gà với khoảng 15 triệu con. Mỗi ngày số gà này đẻ ra khoảng 600 tấn trứng.

Khi dịch bệnh bắt đầu tấn công các trang trại nuôi gà, 10 chủ trang trại lớn như Zhou đã bị ảnh hưởng.

Được thông báo, buổi chiều cơ quan kiểm dịch thú y tỉnh Liêu Ninh đến nhà Zhou và thông báo đàn gà của gia đình anh bị nghi nhiễm cúm gia cầm. Số gà còn lại của gia đình, khoảng 700 con, sẽ bị tiêu huỷ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Khoảng 4 giờ chiều, công an, thú y với đủ trang thiết bị bảo hộ đến trang trại của Zhou và việc tiêu huỷ nhanh chóng được tiến hành. Không chỉ đàn gà của gia đình Zhou, toàn bộ gia cầm được nuôi trong phạm vi 3 km xung quanh trang trại của anh cũng bị tiêu huỷ.

Tại làng Yingfang ở cạnh đó, Jiang Lianfu cũng có một trại gà khoảng 13.000 con. Tuy nhiên, toàn bộ đàn gà cũng đã bị tiêu huỷ sau khi cơ quan thú y phát hiện có một con vịt bị chết tại một trang trại ở gần đó.

“Tôi nuôi đàn gà được hơn nửa năm và chăm sóc chúng như con của mình. Giờ không còn gì nữa cả. Cả gia đình đã thức trắng và chứng kiến cảnh đàn gà lần lượt bị tiêu huỷ” - Jiang buồn bã nói.

Việc khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại cũng nhanh chóng được tiến hành. Đủ loại thuốc khử trùng được rải, phun quanh trang trại của Zhou, Jiang và những người khác trong làng.

Chỉ trong 6 ngày, từ ngày 4 - 10/11, chính quyền địa phương đã tiêu huỷ 6 triệu gia cầm đồng thời tiêm phòng cho 13,9 triệu con khác.

Khó khăn ở phía trước

Trong chưa đầy một tuần, Heishan, từ một trong những trung tâm cung cấp trứng nhiều nhất của tỉnh Liêu Ninh, trở thành một nghĩa địa chôn gà khổng lồ.

Trước khi dịch cúm gia cầm bùng phát, thu nhập bình quân hàng năm của người nông dân vào khoảng 3.800 nhân dân tệ (469 đô la). Bây giờ hy vọng thu nhập còn được một nửa cũng là điều khó.

Chính quyền tỉnh Liêu Ninh đã cấp 83,5 triệu nhân dân tệ (10,3 triệu đô la) cho việc dập dịch và 9,6 triệu nhân dân tệ (1,2 triệu đô la) để đền bù cho các chủ trang trại.

Mỗi con gà được tiêu huỷ, người chủ được nhận 10 nhân dân tệ (1,2 đô la). Nhưng số tiền này không thấm tháp gì so với số mà người dân đã bỏ ra.

Như trường hợp của Jiang, anh đã chi 200.000 nhân dân tệ (24.661 đô la) để lập trại nuôi gà. Một nửa số tiền này là vay ngân hàng. “Tôi dự định trả hết nợ vào cuối năm nay và tiếp tục vay thêm tiền để mở rộng trang trại. Tương lai mờ mịt quá” - Jiang nói.

Zhou cũng gặp khó khăn tương tự. “Không chỉ lo kiếm sống, chúng tôi cũng không biết có thể tiếp tục cho hai đứa con, một học cấp hai, một học tiểu học, đi học được không nữa”.

Một quan chức của Heishan có tên Xu khẳng định với tờ China Daily rằng địa phương đang tìm cách giúp các chủ trang trại thoát khỏi khó khăn hiện tại bằng cách chuyển sang nuôi lợn, trồng rau hoặc tìm việc làm khác.

Tuy nhiên, điều khó hiện nay đó là vụ mùa đã hoàn tất và phải đến mùa xuân tới thì việc trồng cấy mới có thể bắt đầu. “Tôi không biết các chủ trang trại khác sẽ làm gì nhưng cá nhân thì tôi vẫn muốn giữ lại trang trại gà của mình” - Jiang nói.

MỚI - NÓNG