Khẳng định trên được đưa ra trong bài viết dạng hỏi đáp của Xinhua về kinh tế Trung Quốc. Hãng thông tấn này cho biết đã phỏng vấn “các bộ, ngành liên quan” và “những người có thẩm quyền”.
Bài viết không nêu tên Evergrande, chỉ nói rằng các công ty bất động sản đang đối mặt với khủng hoảng nợ vì quản lý yếu kém và thất bại trong điều chỉnh hoạt động trước những thay đổi của thị trường. “Cần hiểu rằng sẽ có những manh mối nếu bất động sản sắp vỡ nợ, vì thế có thể dự đoán khi rủi ro lan sang cả ngành công nghiệp tài chính”, theo Xinhua.
Ngập trong khoản nợ 300 tỷ USD, Evergrande tuần trước đã tránh được cú vỡ nợ vào phút chót khi đến hạn thanh toán trái phiếu. Ngày 25/10, các nguồn tin nói với Reuters rằng, một số người mua trái phiếu của Evergrande đã nhận được tiền, cho thấy vấn đề nợ của tập đoàn này dường như đang được giải quyết. Ngày 24/10, tập đoàn này tuyên bố đã khôi phục hoạt động ở hơn 10 dự án tại 6 thành phố, trong đó có Thâm Quyến.
Chủ tịch Hui Ka Yan của Evergrande thông báo sẽ đưa mảng xe điện trở thành lĩnh vực kinh doanh chính trong vòng 10 năm tới, thay thế bất động sản. Giới đầu tư vui mừng trước thông tin này, giúp giá cổ phiếu Evergrande hôm qua tăng tới 6%, trong khi cổ phiếu của công ty con trong mảng năng lượng mới của Evergrande tăng tới 17%. Sau khi đảo ngược cú vỡ nợ vào phút chót, Evergrande sẽ phải xoay xở 47,5 triệu USD vào ngày 29/10 và gần 338 triệu USD để trả nợ trong tháng 11 và 12 tới.
Raymond Cheng, giám đốc bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại hãng chứng khoán CGS-CIMB, nói rằng chuyển đổi kinh doanh như vậy rất tốt vì Bắc Kinh ngày càng ủng hộ mảng xe điện trong khi sẽ siết chặt quản lý lĩnh vực bất động sản. “Đây là kết quả tốt nhất, thay vì chỉ tập trung các lĩnh vực hiện nay”, Cheng nói.
Dù bước đi mới có thể giúp Evergrande xử lý tình thế cấp bách trong ngắn hạn nhưng chưa rõ sẽ tác động như thế nào đến kế hoạch xử lý tài sản của tập đoàn. Mảng xe điện của Evergrande được khởi động năm 2019, nhưng đến nay hãng vẫn chưa tiết lộ mẫu xe sẽ sản xuất. Tháng trước, đơn vị này cho biết vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư mới và bán tài sản, cho thấy bộ phận này cũng gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính để trả lương và trang trải những chi phí khác.
Khủng hoảng của Evergrande tác động lên cả ngành bất động sản trị giá 5.000 tỷ USD của Trung Quốc, chiếm tới 1/4 GDP của cả nước, với hàng loạt thông báo vỡ nợ, hạ mức xếp hạng và sụt giảm giá trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Cuộc khủng hoảng được thị trường tài chính toàn cầu theo dõi sát sao vì lo ngại nguy cơ tác động quốc tế. Trung Quốc đóng vai trò lớn trong thương mại toàn cầu, nên những vấn đề mà nước này gặp phải có thể lan sang Mỹ và những nước khác.
Giá nhà mới ở Trung Quốc giảm 0,8% trong tháng 9. Đây là lần giảm đầu tiên của thị trường bất động sản Trung Quốc trong 6 năm qua, với nguyên nhân trực tiếp là cuộc khủng hoảng của Evergrande. Giá nhà ở nói chung ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tới 17%, theo số liệu tính toán của các hãng phân tích.
Các công ty bất động sản, trong đó có nhiều công ty đang khủng hoảng nợ, sẽ có cuộc họp với những nhà quản lý ngành tại Bắc Kinh trong ngày 26/10, báo Cailianshe đưa tin.
Sẽ siết bất động sản
Chính phủ Trung Quốc không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy sẽ ủng hộ Evergrande. Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố những vấn đề mà Evergrande đang gặp hiện nay là do tự họ gây ra, đồng thời khẳng định có thể kiểm soát những tác động lan toả.
Trung Quốc đang tiến gần tới việc đánh thuế đối với người sở hữu bất động sản, dù ý tưởng này đã được nêu ra từ gần 2 thập kỷ trước.
Kế hoạch được đẩy mạnh hơn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu tạo ra “sự thịnh vượng chung”, nghĩa là phân chia tài sản đồng đều cho mọi người, chứ không chỉ cho số ít. Trong một bài biết đăng đầu tháng này để giải thích về “thịnh vượng chung”, ông Tập kêu gọi điều tiết thu nhập quá cao bằng những biện pháp như đánh thuế bất động sản. Cuối tuần qua, chính phủ Trung Quốc được giao triển khai thí điểm chính sách đó trong 5 năm tại các vùng không được nêu tên.
Khác với Mỹ, Trung Quốc không có mức thuế chung về bất động sản. Hình thức sở hữu bất động sản ở Trung Quốc cũng khác nhau. Một ví dụ là các doanh nghiệp nhà nước có thể cấp nhà cho nhân viên của họ. Hơn 20% nguồn thu của các chính quyền địa phương và vùng đến từ việc bán đất cho các nhà phát triển bất động sản. Bất động sản và các ngành liên quan như xây dựng chiếm ít nhất 25% GDP của Trung Quốc, theo số liệu phân tích của hãng Moody’s.