Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa:

Trung Quốc không thể cứ 'tiến công' một, hai quốc gia

Người dân Philippines ăn mừng trước phán quyết của PCA
Người dân Philippines ăn mừng trước phán quyết của PCA
TP - Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết và bác bỏ “đường lưỡi bò” ( đường chín đoạn) phi lý của Trung Quốc, thế nhưng báo chí Trung Quốc chỉ đề cập chung chung, không hề đưa nội dung cụ thể của bản Thông cáo của PCA để người dân Trung Quốc biết.

Tuy nhiên, ngay tại Trung Quốc và trên báo chí của cộng đồng người nói tiếng Trung đã xuất hiện những ý kiến tôn trọng sự thật và lẽ phải, phê phán lập trường của chính phủ, kêu gọi chấp nhận phán quyết của PCA, giải quyết hòa bình những vấn đề tranh chấp với các nước xung quanh Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS).

Những người này không những không đồng tình với luận điệu tuyên truyền, bịa đặt, vu cáo trên báo chí Trung Quốc, mà họ còn yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải tôn trọng sự thật. Trong số những người đó có học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa – một chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm thông tin Hải Dương quốc gia Trung Quốc, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Luật biển và là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu về vấn đề biển và Luật biển đã đăng tải trên các báo chí Trung Quốc. Do vậy những đánh giá, nhận xét của ông được giới chuyên môn và dư luận hết sức quan tâm.

“Nếu cứ kiên trì “Đường 9 đoạn”, việc phân định biên giới biển của Trung Quốc tất nhiên sẽ lâm vào tuyệt lộ”.

Học giả Lý Lệnh Hoa

Ngày 14/7, ông Lý Lệnh Hoa đã đăng tải bài “Nếu kiên trì ‘Đường 9 đoạn’ thì việc phân định ranh giới trên Nam Hải (tức biển Đông) sẽ đi vào tuyệt lộ” lên blog cá nhân có gần nửa triệu người theo dõi tại địa chỉ http://blog.sina.com.cn và blog có trên 805.000 người theo dõi tại địa chỉ http://blog.163.com, thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với lập trường chính thức của chính phủ Trung Quốc đối với phán quyết của PCA.

Học giả Lý Lệnh Hoa viết: “Phán quyết do PCA đưa ra ngày 12/7 gây nên sự quan tâm chú ý lớn lao ở khắp trong, ngoài nước. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ không tham dự, không chấp nhận, không thừa nhận, không chấp hành phán quyết của vụ kiện trọng tài Nam Hải (Biển Đông) do Philippines khởi xướng. PCA phán quyết “Đường 9 đoạn” không phù hợp luật pháp quốc tế; từ đó khiến người ta nghĩ đến một câu nói của cố Cục trưởng Hải dương quốc gia khi còn sống: “Biên giới biển Trung Quốc không được vạch đến tận cửa nhà người khác”. Câu nói đó không chỉ đúng với Đông Hải (biển Hoa Đông) mà cũng phù hợp với cả Nam Hải (biển Đông).

Quả thực, “Đường 9 đoạn” đã được vẽ đến tận cửa nhà người khác, chiếm cứ một phạm vi tới 85% toàn bộ diện tích Nam Hải, mà lại một đường ảo, chả trách Philippines phải khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Nhìn bản đồ thể hiện, “Đường 9 đoạn” nằm cách bờ biển đất liền Việt Nam có 50 hải lý, cách đảo ven biển Lý Sơn của Việt Nam chỉ 36 hải lý; cách đảo Pulau Sekatung của Indonesia 75 hải lý, cách bờ biển Kalimantan của Malaysia chỉ 24 hải lý, cách bờ biển Bruney khoảng 30 hải lý, cách đảo Y’Ami ở cực Bắc eo biển Luzong của Philippines 26 hải lý.

Có nghĩa là, phạm vi của “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc chủ trương đều chồng lấn một diện tích rất lớn của Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và Thềm lục địa của các quốc gia ven bờ Nam Hải. Nguyên tắc phân định ranh giới biển phổ biến trên quốc tế hiện nay là: lấy cơ sở là trạng thái địa lý bờ biển bao gồm cấu hình bờ biển và độ dài bờ biển; trong thực tiễn phân định ranh giới, Trung Quốc không thể không tuân thủ. Nếu kiên trì “Đường 9 đoạn”, việc phân định biên giới biển của Trung Quốc tất nhiên sẽ lâm vào tuyệt lộ”.

Ông Lý Lệnh Hoa thẳng thắn chỉ rõ: “Trong vấn đề chủ quyền các đảo, bãi trên biển Đông, Trung Quốc không chỉ tranh chấp với mỗi Philippines. Xử lý vấn đề này như thế nào, các bên cần phải có nhận thức thống nhất. Trong việc phân định biên giới biển, Trung Quốc tồn tại vấn đề chung với các nước có yêu sách là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Bruney và Indonesia. Trung Quốc kiên trì cái gọi là “Đường 9 đoạn” có tính lịch sử, còn các quốc gia kia thì chủ trương phân định ranh giới biển theo các điều khoản tại Điều 74 và 83 của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định các quốc gia ven biển có Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và Thềm lục địa. Lập trường của hai bên đối lập với nhau trong suốt thời gian dài. Việc đàm phán chỉ là tranh cãi nhau suốt, lãng phí thời gian và tiền bạc. Do bất đồng về lãnh thổ đảo đá và phân định biển mà cuộc đàm phán về phân định ranh giới vùng ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đã đàm phán suốt hơn 10 năm mà đến nay vẫn không có bất cứ tiến triển nào, thật là điều đáng tiếc”.

Học giả Lý Lệnh Hoa kết luận: “Biển Đông phải trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển không thể là câu nói suông. Các bên cần phải bình tĩnh ngồi lại, cùng bắt kịp thời đại, suy xét vấn đề toàn diện…Trung Quốc không thể cứ áp dụng kiểu “tiến công” một, hai quốc gia. Nếu vấn đề tranh chấp biển Đông mà giải quyết bằng cách đàm phán song phương, e rằng ngay các học sinh tiểu học, trung học Trung Quốc cũng đều nhận thấy đó là điều không thể làm được”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.