Chiến dịch bôi nhọ
Trước, trong và sau ngày Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Tân Hoa Xã phát mỗi ngày hàng chục bài viết bằng tiếng Anh với nội dung chính là không công nhận thẩm quyền cũng như quyết định của Tòa.
Đúng ngày Tòa ra phán quyết (12/7), Xinhua chạy 51 tin, bài liên quan. Ngoài những bài xã luận, bình luận, Xinhua đăng nhiều bài nêu ý kiến của các chuyên gia, nhà ngoại giao ở nhiều nước như Hà Lan, Ý, Séc, Pakistan, Ethiopia…
Ngay trong ngày 12/5, Tân Hoa Xã đăng bài phỏng vấn một giáo sư luật ở Hà Lan nói rằng, Tòa không có thẩm quyền xử vụ kiện liên quan yêu sách lãnh thổ, Tòa không có quyền ra phán quyết liên quan phân định ranh giới biển, xác định chủ sở hữu của các cấu trúc (đảo, đá, bãi cạn nửa chìm nửa nổi) trên biển.
Các tin, bài của phía Trung Quốc cũng thường xuyên nhắc lại một thực tế là ngày 25/8/2006, Trung Quốc đã có báo cáo gửi Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa ra các tuyên bố bảo lưu theo Điều 298 của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Theo đó, Trung Quốc có quyền không chấp nhận bất kỳ biện pháp giải quyết tranh chấp nào theo quy định tại Điều 287, gồm 4 phương pháp: Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Luật biển Quốc tế, Tòa Trọng tài và Tòa Trọng tài đặc biệt (giải quyết tranh chấp liên quan đánh bắt hải sản, gìn giữ, bảo vệ môi trường biển hoặc nghiên cứu khoa học biển) đối với tất cả các loại tranh chấp được quy định tại Điểm a,b,c Khoản 1 Điều 298.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 298, các bảo lưu này chỉ áp dụng đối với những vấn đề liên quan việc phân định ranh giới các vùng biển hoặc tranh chấp về vịnh hay danh nghĩa lịch sử. Các bảo lưu tại Điểm a,b,c Khoản 1 Điều 298 UNCLOS cũng chỉ áp dụng với tranh chấp giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện.
Trong đơn kiện, Philippines nêu các vấn đề về thuộc phạm vi bảo lưu của Trung Quốc. Vì vậy, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS có thẩm quyền xét xử vụ kiện mà Philippines là đương đơn.
Sự thật hiển nhiên
Vụ kiện trọng tài này liên quan vai trò của các quyền lịch sử và nguồn xác định quyền hưởng các vùng biển tại biển Đông, quy chế của một số cấu trúc cụ thể và các vùng biển của các cấu trúc này, và tính hợp pháp của các hành vi của Trung Quốc mà Philippines cho là vi phạm UNCLOS.
Toà Trọng tài nhấn mạnh, Toà không phán quyết các vấn đề liên quan chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đất liền và không phân định bất kỳ một ranh giới trên biển nào giữa các bên của vụ kiện.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố không chấp nhận cũng như không tham gia tiến trình trọng tài do Philippines đơn phương khởi xướng. Tuy nhiên, Phụ lục VII của UNCLOS quy định, “việc vắng mặt của một bên hoặc việc một bên không thực hiện việc biện hộ không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng”.
Phụ lục VII cũng quy định, trong trường hợp một bên không tham gia tiến trình tố tụng, Toà Trọng tài “phải chắc chắn rằng Toà có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp cũng như nội dung kiện phải được chứng minh đầy đủ cả về mặt pháp lý và thực tế”.
Theo đó, trong suốt quá trình tố tụng, Toà Trọng tài đã thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm tra tính xác thực của các đệ trình do Philippines đưa ra, bao gồm việc yêu cầu nguyên đơn cung cấp thêm các lập luận, đặt ra các câu hỏi cho Philippines trước và trong hai phiên tranh tụng, chỉ định các chuyên gia độc lập có nhiệm vụ báo cáo Toà về các vấn đề kỹ thuật và thu thập bằng chứng về mặt lịch sử liên quan các cấu trúc tại biển Đông và chuyển các bằng chứng này để các bên bình luận.
Trung Quốc nhiều lần tuyên bố, Toà Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Điều 288 của UNCLOS quy định: “Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về việc liệu một toà hay một cơ quan trọng tài có hay không có thẩm quyền, vấn đề này sẽ do chính toà hay cơ quan trọng tài đó quyết định”.
Theo đó, Toà Trọng tài đã tổ chức một phiên tranh tụng về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc vào tháng 7/2015 và ban hành một phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc vào ngày 29/10/2015, quyết định về một số vấn đề liên quan thẩm quyền và để lại một số vấn đề để tiếp tục xem xét. Sau đó, Toà Trọng tài tiếp tục triệu tập và tổ chức một phiên tranh tụng về các vấn đề nội dung của vụ kiện từ ngày 24 đến 30/11/2015.
Phán quyết cuối cùng được ban hành ngày 12/7/2016 giải quyết các vấn đề về thẩm quyền mà Toà chưa quyết định trong phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc cũng như giải quyết các vấn đề về nội dung thực chất đối với các yêu cầu của Philippines nằm trong thẩm quyền của Toà.
Theo quy định tại Điều 296 của UNCLOS và Điều 11 của Phụ lục VII, phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý và có tính chung thẩm. Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng phủ nhận phán quyết, chấp nhận bị cộng đồng quốc tế phê bình, chỉ trích.