Paul Ulrich, cố vấn, chuyên gia về chính sách, từng tốt nghiệp đại học Harvard và Standord của Mỹ, cho rằng, cho tới nay, Trung Quốc ít gây sức ép với nước láng giềng Triều Tiên, thậm chí còn hỗ trợ lương thực, nhiên liệu và thương mại. Tuy nhiên, việc Triều Tiên tăng tốc độ thử tên lửa tầm xa có thể sẽ làm những điều này thay đổi.
Sau nhiều năm đàm phán sáu bên thất bại dưới thời chính quyền Bush và tám năm nữa dưới chính sách "chiến lược kiên nhẫn" của Tổng thống Barack Obama, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên hiện đang tiến gần tới đỉnh điểm.
Một số người cho rằng, dưới thời của tổng thống Mỹ Donald Trump, những xung đột quân sự có khả năng xảy ra. Trong khi đó, ở châu Á, Trung Quốc kêu gọi bình tĩnh, Nhật Bản ngày càng lo lắng và tuần trước tân tổng thống mới đắc cử Hàn Quốc đã chủ trương nối lại chính sách “Ánh dương” (nhằm đạt được tình trạng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên) với Triều Tiên.
Tất cả các bên đều thừa nhận rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện nay cũng có mối quan tâm giống như cha và ông nội của mình. Đó là sự sống còn của chế độ và thực chất là sự an toàn cho chính ông và gia đình mình. Việc tăng cường các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa là con đường duy nhất để đảm bảo an toàn cho ông Kim Jong-un.
Theo ý kiến của Ulrich, không nước nào có thể ngăn được Triều Tiên ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, trừ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đưa ra chính sách “cây gậy và củ cà rốt” linh hoạt với Triều Tiên thì ông Kim Jong-un khó có thể chối từ.
Cho dù có hoặc không có sự đồng ý của Mỹ hay các nước khác, Trung Quốc có thể đưa ra một thoả thuận cho ông Kim Jong-un, đó có thể là việc đảm bảo chính trị, nếu cần, hoặc vẫn duy trì quyền lực để đổi lấy việc ngừng tất cả các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa và tiến tới chấm dứt các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia chính sách Ulrich cho rằng, chỉ với chính sách này của Trung Quốc, mới có thể hy vọng “quyến rũ” được nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Với sự thúc đẩy này từ Trung Quốc, và nếu triều đại gia đình họ Kim lựa chọn cách an toàn này, đây có thể trở thành khúc dạo đầu cho việc thống nhất Nam- Bắc Triều Tiên.