Trúng cá ngừ,ngư dân vẫn khó

Niềm vui trúng đậm cá ngừ của ngư dân miền Trung không được trọn vẹn. Ảnh: Thanh Trần
Niềm vui trúng đậm cá ngừ của ngư dân miền Trung không được trọn vẹn. Ảnh: Thanh Trần
TP - Từ đầu tháng 9 đến nay, ngư dân miền Trung đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa trúng đậm cá ngừ, có tàu doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu nhập của ngư dân vẫn thấp vì giá cá ngày một rẻ.  

Những ngày này, cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) đón nhiều  đoàn tàu lưới vây no bụng cá ngừ từ ngư trường Hoàng Sa trở về. Ngư dân Nguyễn Văn Hừng (tàu QNg 94772) đi cùng bạn tàu từ đầu tháng 10, chuyến này về, cả tàu đánh được 15 tấn cá ngừ, hầu hết là loại cá ngừ vây vàng, ngừ mắt to, ngừ sọc dưa. 

“So với mọi năm thì năm nay cá ngừ nhiều, ra tới ngư trường Hoàng Sa là gặp. Anh em thấy trúng cá nên làm rất hăng”, anh nói. Đặc biệt, tàu cá ĐNa 90426 của bà Võ Thị Hải (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) từ tháng 9 đến nay khai thác 3 chuyến biển với tổng sản lượng gần 70 tấn, doanh thu gần 1,4 tỷ đồng. 

Tàu QNg 98389 (Quảng Ngãi) cũng vừa cập cảng với 10 tấn cá ngừ. Ngư dân Trần Tâm hồ hởi: “Bán hết sạch cá rồi, bây giờ anh em chuẩn bị ngư cụ để tiếp tục ra khơi, tranh thủ thời điểm cá ngừ đang nhiều. Các tàu lưới vây ở đây còn đầu tư thêm dàn đèn công suất lớn đề tăng cường đánh bắt ban đêm”.

Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng cho biết, vào mùa này hằng năm, các tàu lưới vây đã đi tránh bão, nếu không có bão thì tập trung đánh bắt cá thu với sản lượng không nhiều. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thuận lợi, ngư trường Hoàng Sa lại xuất hiện cá ngừ dày đặc nên các tàu rất phấn khởi
ra khơi.

Trông vào đầu nậu

Vui mừng giữa ngư trường vì trúng cá bao nhiêu, thì khi về tới cảng các tàu lại hụt hẫng bấy nhiêu vì giá cá rớt thảm hại. Cá ngừ lớn loại 1kg trở lên giá 30.000 đồng, loại từ 0,5-1kg giá 17.000 đồng, loại dưới 0,5kg giá từ 7.000-10.000 đồng. Các mức giá này đều thấp hơn những năm trước từ 3.000-5.000 đồng/kg. 

Ngư dân Lê Quang Trung, tàu QNg 94772, nói: “Tiếng thì đánh bắt nhiều, nhưng bán rẻ quá nên sau chuyến biển hơn 10 ngày, anh em chúng tôi chia nhau mỗi người có 3 triệu đồng”. Đồng cảnh ngộ, chủ tàu BĐ 96723 Trần Lưu buồn thiu vì sau chuyến biển 22 ngày trời, 10 ngư dân trên tàu mỗi người chia nhau được hơn 5 triệu đồng.

Hầu hết cá đều được các tàu bán cho đầu nậu, sau đó nhập lại cho xí nghiệp, nhà máy, dù biết giá rẻ nhưng ngư dân vẫn chấp nhận vì để lâu cá sẽ kém chất lượng, càng rớt giá. Các tàu không bán trực tiếp cho các nhà máy, xí nghiệp bởi những nơi này cần nguồn hàng lớn, không thu mua nhỏ lẻ vài tấn từ các tàu. 

Một số tàu còn vay tiền của các đầu nậu để làm chi phí ra khơi nên khi về cảng bắt buộc phải bán cho các đầu nậu này để trả nợ,  dù bị bớt một vài giá cũng chấp nhận, coi như đó là tiền lãi.

Tàu ở các tỉnh xa như Quảng Ngãi, Bình Định… lại càng mong được thu mua nhanh. Chủ tàu BĐ 96723 Trần Lưu chia sẻ: “Tàu ở đây thấy rẻ còn có người nhà mang ra chợ bán lẻ kiếm thêm ít đồng, hoặc bỏ mối cho các nhà hàng, chứ chúng tôi ở xa tới, đắt rẻ gì cũng trông vào đầu nậu, không thể đưa đi nơi khác bán hay trữ lại chờ giá lên”.

Đại diện Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân giá cá rẻ là do thị trường tiêu thụ không ổn định, hơn nữa chất lượng của cá ngừ đứng đèn thường kém hơn cá ngừ lưới vây nên các thương lái rất kén mua. 

Trong cảng vẫn còn một số tàu phải bán cho đầu nậu để trả tiền vay, nhưng phần lớn là tàu ngoại tỉnh. Theo vị này, mấy năm gần đây, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ phun sơn PU cho hầm bảo quản hải sản, giúp hải sản đánh bắt được giữ tươi hơn, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.

MỚI - NÓNG