Trúc Thông Những ngày không thơ

TP - “Sinh, lão, bệnh, tử”, quy luật nghiệt ngã chẳng trừ ai, từ kẻ vô danh đến “người yêu thơ và kỹ tính với thơ nhất Việt Nam”. Thi nhân đã không thể sáng tác sáu năm nay vì bệnh. Nàng thơ rũ bỏ Trúc Thông nhưng người thân lại giang rộng vòng tay, đưa anh nhẹ nhàng đi qua cơn bão cuối đời.

Bây giờ muốn gặp Trúc Thông phải gọi điện trước cho “bà xã” của anh. Nếu chị Minh Nguyệt, vợ Trúc Thông đi vắng, cuộc hẹn sẽ bất thành, bởi không có “người phát ngôn”, thi sĩ của “Bờ sông vẫn gió” hầu như không thể nói được, chỉ những người bạn thân thiết với anh đến thăm, may ra mới giúp anh cất tiếng đôi lời. Trúc Thông trở về thơ ấu.

Trúc Thông Những ngày không thơ ảnh 1

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Những cơn tai biến mạch máu não ở người già thường để lại tàn tích nặng nề, khiến cho bánh xe cuộc đời của họ càng quay nhanh. Trúc Thông không nằm ngoài quy luật nhưng trời vẫn thương ông nhiều. Bắt đầu đổ bệnh từ đầu năm 2008 đến nay Trúc Thông đã trải qua 5, 6 đợt tái phát “tai biến”, thế mà ông vẫn bước đi chầm chậm, lên xuống được cầu thang, không cần dìu, đỡ nhiều, da dẻ vẫn hồng hào, cơ thể không gầy, vẫn thỉnh thoảng cầm sách lật giở, người thân hỏi câu gì ông vẫn có thể đáp lại bằng cử chỉ, ánh mắt hoặc cố gắng nói những tiếng khó khăn.

Rất nhiều người thương cảm với hoàn cảnh hiện tại của Trúc Thông. Phu nhân của anh thở dài xa xót: “Cả đời bác ấy chỉ biết đến thơ. Mà nay bị cướp đi thứ vũ khí duy nhất”. Nhưng có lẽ sau một đời bấn loạn vì thơ của Trúc Thông những tháng ngày không thơ cuối đời cũng giúp anh có thời gian tận hưởng tình yêu, sự chăm sóc của người thân, bè bạn? Mới thấy người xưa nói không sai: Trong rủi có may, trong tuyệt vọng có hi vọng, trong bóng tối có ánh sáng.

Đến thăm Trúc Thông vào buổi sáng Hà Nội lất phất mưa. Khí trời u ám khiến lòng người cũng bi quan. Nghĩ đến câu thơ của Xuân Diệu “Cơm áo không đùa với khách thơ” mà mường tượng cảnh thi sĩ nằm trên giường bệnh trong một căn nhà héo rũ. Bất chợt nhớ đến thơ trăng quằn quại của Hàn Mặc Tử, nhớ đến hình ảnh nữ sĩ Anh Thơ trên giường bệnh trong những ngày cuối đời, nhớ đến đại thi hào Nguyễn Du khóc thương giai nhân và thương phận mình: “Ba trăm năm lẻ mơ màng/ Biết ai hậu thế khóc chàng Tố Như?”… 

Rồi những buồn thương liên tưởng tan biến khi tôi đứng trước cổng nhà Trúc Thông. Ngỡ ngàng khi trước mắt tôi là mảnh sân rộng rãi hiếm có giữa thủ đô “đất chật, người đông”, ngôi nhà gia đình Trúc Thông đang sống không bề thế nhưng thoáng đãng, tiện nghi. Mừng cho người thơ một đời lam lũ, về già được hưởng an nhàn.

Chầm chậm làm thơ

Tập thơ đầu tiên của Trúc Thông mang tên “Chầm chậm tới mình”. Lời đề từ của tập thơ có lẽ cũng là quan điểm thi ca, quan điểm sống của thi nhân: “Những máy bay bay trên vùng trời khô/Tôi đi bộ trên những vùng đất rắn”.

Cái sự chầm chập ấy khiến cho gia tài thơ ca của ông không giàu có bao nhiêu, chỉ khoảng 300 bài, theo lời chị Minh Nguyệt, vợ thi sĩ. Trong cuộc đời sáng tác của mình Trúc Thông mới in 4 cuốn thơ, cuốn nào cũng hạn chế độ dày, đến mức vợ thi sĩ nói vui: “Thực ra là 3 tập rưỡi”.

Tập cuối cùng mang tên “Vừa đi vừa ở” (xuất bản năm 2005), đến năm 2008, Trúc Thông rục rịch cho ra mắt một tập thơ nữa nhưng lại ngã bệnh. Sau cơn tai biến đầu tiên, khi sức khoẻ và trí nhớ hồi phục phần nào, thi sĩ lại gượng dậy tiếp tục làm thơ, đọc sách nhưng sự cố gắng của ông cũng chịu thua trước tuổi tác, bệnh tật. Căn bệnh bắt Trúc Thông ngủ nhiều, nếu không có người đánh thức, thi sĩ không dứt ra được cõi mộng. 

Nhưng những khi thức, Trúc Thông khá tỉnh. Băn khoăn, một tên tuổi như Trúc Thông, sao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật lại lãng quên? Chị Minh Nguyệt giãi bày: “Mình đã hỏi bác ý (bà xã có thói quen gọi chồng là “bác”-pv) nhưng bác lắc đầu không muốn làm hồ sơ để xét duyệt giải”. Chị quay sang chồng mong sự xác nhận: “Phải không ông?”. Nhà thơ khẽ gật đầu và hơi cười mủm mỉm. Vợ ông lại tiếp: “Mình cũng chung quan điểm với ông ấy. Cứ “chầm chậm tới mình” thôi. Việc gì đến sẽ đến. Ông ấy gia nhập Hội nhà văn cũng muộn. Hồi lấy mình đã vào Hội đâu”.

“Trông mặt mà bắt hình dong” thì gương mặt Trúc Thông mang vẻ hiền lành của một tri thức. Yêu Trúc Thông từ những câu thơ ông viết về quê hương tôi, Cao Bằng: “Cao Bằng rõ thật cao/Rồi dần dần bằng xuống/Đầu tiên là mận ngọt/Đón môi ta dịu dàng”. Bài thơ “Trở lại Cao Bằng” của Trúc Thông đã được chọn in trong sách giáo khoa lớp 5. Đọc “Trở lại Cao Bằng” rõ ràng thấy một hồn thơ hiền lành, ấm áp. Tôi nói với vợ chồng thi sĩ: “Thơ Trúc Thông thật hiền”. Nét mặt Trúc Thông hình như không hài lòng, vợ thi sĩ, vốn vô cùng dịu dàng, nhẹ nhàng, bỗng nhiên phản bác: “Bạn nói thế là thế nào? Không biết bạn đã đọc Trúc Thông nhiều chưa?”. 

Trúc Thông Những ngày không thơ ảnh 2

“Giải thưởng không tới mình thì tới người khác. Đều chỗ anh em bạn bè thân quí cả”. Ai cũng nghĩ như Trúc Thông chắc giải thưởng văn chương nước nhà đã chẳng lắm ì xèo, kiện cáo.

Quả thực, Trúc Thông, như những người yêu thơ đều biết, là một nhà thơ chịu khó tìm tòi, không thoả hiệp với sự cũ kỹ trong sáng tác. Thơ Trúc Thông trẻ hơn vẻ ngoài của thi sĩ. Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông. Ông sinh năm 1940, một thời xa vắng, nhưng giọng thơ còn lâu mới chịu già. Có người làm thơ trẻ nào đủ sức mạnh để phóng những câu thơ như Trúc Thông: “Nhoài lên, quành xuống/Giữa núi xanh/Tiếng chim rơi tịch mịch/Nỗi người đi muôn trùng”.

Tuy thế, Trúc Thông vẫn có những dòng thơ lay động trái tim người đọc nhờ cảm xúc dồi dào: “Lá ngô lay ở bờ sông/Bờ sông vẫn gió/ Người không thấy về/Xin người hãy trở về quê/Một lần cuối… Một lần về cuối thôi/Về thương lại bến sông trôi/Về buồn lại đã một thời tóc xanh”.

“Bờ sông vẫn gió” là bài thơ ông viết tặng người mẹ khuất bóng đã suốt một đời yêu thương, tận tuỵ, hết lòng vì hai chị em ông, cho đến hơi thở cuối cùng. Ai bảo thơ Trúc Thông không nghiêng ngả dịu dàng? Song nhìn một cách toàn diện, thơ Trúc Thông gần với tên thật của tác giả hơn: Mạnh Thông, thơ ông ít mơ màng, lãng mạn như bút danh mà khỏe khoắn, đôi khi gân guốc, ít viết thơ tình, thường đi vào đời sống với những thân phận vất vả cùng sự ồn ào hỗn tạp của hiện thực. Như khi thi sĩ viết về “Người bán than tổ ong”: “Choãi người đẩy xe thồ dọc phố/Đầy ụ than tổ ong/Người đàn bà dáng đàn ông/Nhô quá nửa đời sang thế kỷ 21”.

Ngoài làm thơ, không biết làm gì

Trúc Thông được xếp vào hàng lấy vợ muộn trong làng văn của ta. Ngót ngũ tuần, thi sĩ mới chịu cưới vợ, một người phụ nữ kém nhà thơ gần 20 tuổi. Lấy vợ muộn lại được vợ trẻ, cũng hay. Cẩn thận nghĩ, nếu Trúc Thông lập gia đình sớm, lấy người vợ chỉ kém ông vài tuổi thì trong hoàn cảnh bệnh tật hiện tại, ai sẽ chăm chút ông? Vợ của Trúc Thông kiêm nhiều vai: Y tá phục vụ chồng, Quản lý gia tài văn chương cho chồng, lo “đối ngoại”, tiếp báo chí, bạn bè đến thăm thi sĩ... Làm vợ Trúc Thông đòi hỏi sự hy sinh to lớn. 

Khi chị Minh Nguyệt gật đầu lấy thi sĩ, cha đẻ của chị, từng công tác trong ngành điện ảnh, không khỏi lo lắng cho con gái. Ông hỏi người bạn trong giới văn chương về Trúc Thông, người ấy nhận xét: “Nếu con gái ông lấy Trúc Thông thì khổ nhưng gia đình ông lại được thêm một người tử tế”. 

Cái tính tử tế, vô tư của Trúc Thông cũng nổi tiếng ngang như thơ ông. Vợ Trúc Thông tự hào: “Chúng tôi giàu vì bạn”. Ngôi nhà cũ của gia đình thi sĩ, bé xíu và lập xập, đã từng là nơi “chứa chấp” bạn bè văn chương cả nước. Đó từng là nơi đi về của nhiều tên tuổi văn chương: Hữu Thỉnh, Thanh Thảo,… Bạn thân của ông, nhà thơ Thanh Thảo, đã dành cho ông đánh giá “kinh điển”: “Người yêu thơ và kỹ tính với thơ nhất Việt Nam”.

Trúc Thông yêu văn chương từ những năm còn học phổ thông. Sau khi đi bộ đội về, ông theo học tại khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp cũ, khoảng những năm 1964-1969. Ông từng nói: “Không biết thơ chọn tôi hay tôi chọn thơ nữa” nhưng với Trúc Thông, nàng thơ đã tìm được một người tình thuỷ chung bậc nhất. Không phải đến khi đổ bệnh, Trúc Thông mới không biết chăm sóc bản thân: “Từ trước tới nay, bác ấy có biết chăm sóc bản thân bao giờ đâu. Ngoài làm thơ, bác ấy chẳng biết làm gì. 

Ngày xưa, nhà chật, cứ năm giờ chiều, mình đạp xe đi làm về, lại thấy bóng chồng lóc cóc đạp xe đến cơ quan. Bác ấy tranh thủ thời gian công sở vắng vẻ để dùng phòng làm việc đọc sách, sáng tác, mãi đến nửa đêm mới mò về. Đọc được một bài thơ hay, bác ấy sướng lắm, cứ lầm bầm cả ngày”, vợ thi sĩ tiết lộ. 

Bà vẫn còn giữ được mảnh giấy vàng Trúc Thông đang viết một bài thơ dang dở lên đó, chữ thi sĩ khó đọc đến mức người ngoài không đọc được, vợ thi sĩ cố lắm cũng chỉ luận được hai câu: “Bố là một thân cây/Khi bị thương con đứng tựa vào”. Đây cũng là những câu thơ cuối cùng trong đời thơ Trúc Thông, sau đó ông tái phát những đợt tai biến và vĩnh viễn mất khả năng sáng tác. 

Làm sách cũng khó tính như làm thơ

Bản thảo của Trúc Thông được vợ ông gìn giữ chu đáo và khá đầy đủ. Bà cắt những bài thơ đã in báo của chồng dán vào một cuốn sổ: “Thời buổi này người ta thường kêu ca chuyện đạo văn. Mình sợ người ta dán nghi án cho chồng, nên cứ giữ lại những bài thơ đã in báo để làm minh chứng”. 

Chị Minh Nguyệt đang chuẩn bị cho việc in tuyển tập Trúc Thông: “Gia tài của chồng tôi không đồ sộ nhưng nhờ thời gian chuẩn bị bản thảo cho chồng, tôi mới thấy công cuộc sáng tác của nhà văn, nhà thơ thật gian lao”. 

Khi còn minh mẫn, Trúc Thông rất khó tính trong việc làm sách: “Bác ấy “sinh” mỗi tập thơ khó lắm, cầu kỳ từ khâu chọn bài, đặt bài nào trước, bài nào sau, trình bày ra sao…Hồi đó nhà chật, bác ấy mang thơ lên cơ quan, trải hết thơ ra phòng làm việc như chơi đồ hàng, rồi đặt bài nào trước, bài nào sau.

Thơ Trúc Thông không tuân theo nguyên tắc ngữ pháp thông thường, xuống dòng không nhất định phải viết hoa chữ cái đầu dòng. Mình đã từng hỏi bác ấy về điều này thì được giải thích: Không viết hoa vì đó là sự liền mạch của tư duy, cảm xúc”.

MỚI - NÓNG