Thơ Trúc Thông, “đi” hay “ở”?

Thơ Trúc Thông, “đi” hay “ở”?
TPCN - Tôi thường không bỏ qua tập thơ mới nào của Trúc Thông, cũng như của Thi Hoàng, Hữu Thỉnh... Các ông là những người thận trọng, kĩ tính trong việc làm thơ, nhất là khi đưa đăng báo hay ra sách, khác với nhiều nhà thơ cùng lứa và trẻ hơn, cứ viết ào ào, in lấy được.
Thơ Trúc Thông, “đi” hay “ở”? ảnh 1

(Thảo luận nghề nghiệp với tác giả tập “Vừa đi vừa ở”- NXB Hội Nhà văn 2005).

Tập này của Trúc Thông (“ Vừa đi vừa ở”- cái tên thật hay, phảng phất vị thiền) tôi mua ở một hiệu sách phố Tràng Tiền.

Như tất cả các tập trước (“Chầm chậm tới mình” 1985, “Maratong” 1993, “Một ngọn đèn xanh” 2000- giải thưởng Hội Nhà văn VN2001), “ Vừa đi vừa ở” cũng mỏng mảnh, với 65 bài, không ít, nhưng đều rất ngắn.

Tôi có cảm tình nhất với bài “quê nhà” (tặng Đào Thắng – tên bài không viết hoa và lời đề tặng in nghiêng đúng như trong sách).

 Xin được dẫn cả bài, chỉ thay việc xuống dòng bằng những gạch chéo, chữ đầu dòng cũng không viết hoa nhưng mạn phép tác giả in nghiêng để tránh nhầm lẫn:

Cánh đồng đỡ vào lòng người con gái tám mươi tư tuổi của mình/ giữa một đàn cháu con đưa tiễn/ người con trai đứt ruột/ bơ phờ như đứng giữa một cơn bão// nhưng bao nhiêu cây cau vườn rau thửa ruộng vàng chân rạ/ hướng mặt về mùa xuân sắp tới/ chở che anh/ hơi hập hững bước chân trở về nhà/ ngọn khói là là/ nhẹ xoà vào vai anh an ủi/ ôi Người mẹ lớn lao cánh đồng .

Đây là bài thơ tặng một bạn văn đồng hương, như một lời an ủi, xoa dịu nỗi đau mồ côi của một người đàn ông đứng tuổi. Bà mẹ nhà văn Đào Thắng nằm xuống sau một cuộc đời dài, hưởng cái “chết lành”, hai câu thơ đầu trang trọng, điềm đạm, không quá bi luỵ, kề hai câu sau ghi nhận sự tiếc thương “đứt ruột” của người con, như một sự cảm thông, chia sẻ.

Hay nhất là hai câu 5-6: những “cây cau vườn rau thửa ruộng vàng chân rạ” không bị “cơn bão” chết chóc làm cho “bơ phờ” mà đang hướng mặt về mùa xuân sắp tới, hướng về sự sống sinh sôi nảy nở, đủ sức chở che, an ủi. Trúc Thông có lẽ là người đầu tiên nhìn thấy cái  “hướng” của đồng quê, không phải trong không gian mà là trong thời gian?

Những dòng mô tả tiếp theo, như một bức kí hoạ, có người, có cảnh, chỉ đôi ba nét đạm bạc nhưng thật gợi. Nhất là ấm áp tình người.

Câu cuối làm rõ hơn câu đầu: đất đai, cánh đồng là Người mẹ lớn lao, bao dung, chở che và đón nhận, ở mãi cùng ta. Bài thơ này khá tiêu biểu cho bút pháp riêng có của thơ Trúc Thông, ở những bài thành công: từ những tình huống, những sự vật và chi tiết cụ thể nâng lên thành những khái quát trữ tình, có hơi hướng siêu hình.

Nhưng với một người kĩ càng như Trúc Thông, xin được góp ý thêm: nếu ở dòng đầu đã viết “người con gái” thì dòng thứ ba có nên viết “người con trai”? Nếu chuyển thành “con trai bà” có lẽ ý nhị hơn?

Không khác lắm những tập trước, có ba đề tài được Trúc Thông quan tâm hơn cả là 1/ những phận người thua thiệt 2/ thơ ca 3/ thiên nhiên và trẻ em.

Có thể xếp vào đề tài thứ nhất các bài: bao giờ cũng là năm quốc tế người nghèo, cuối thánh đường, lối chợ Long Biên, người bán than tổ ong, bán chiếu gon, tào phở, không ngẫu cảm, bạn xe ôm mê bóng đá, một phận người, du lịch, một miếng trò...

Quét rác, bán hàng rong, xe ôm, xích lô...trở đi trở lại trong thơ Trúc Thông, tuy đông nhưng không hẳn là phong phú. Một kiểu “Hà Nội nhị thập nhất thế kỉ xã hội ba đào kí” bằng thơ?

Thơ Trúc Thông, “đi” hay “ở”? ảnh 2

Cái nhìn của ông với những thân phận thua thiệt này,  không mới, nếu không muốn nói là cũ: từ trên xuống, từ ngoài vào, với một chút mủi lòng , một chút khích lệ vô thưởng vô phạt.

Chẳng hạn: ngực phẳng dẹt/nào eo óp/thôi kiếp này/ mĩ nữ dành thiên hạ/.../mắt rẹp về một phía kiếm ăn (lối chợ Long Biên); choãi người đẩy xe thồ dọc phố/ đầy ụ than tổ ong/ người đàn bà dáng đàn ông/ nhô quá nửa đời sang thế kỉ 21/.../ con trai lớp tám của mẹ ơi/ hãy đoạt lấy một tương lai trắng trong/ mẹ đương đẩy xe than về hướng đó (người bán than tổ ong-  rõ ràng cái “phía kiếm ăn”, cái “ thế kỉ 21” và cái “hướng đó” – tương lai, cũng cùng một loại hình và thủ pháp của  “hướng...mùa xuân” trong bài “quê nhà” đã biểu dương nhưng vì lặp lại nên “mất thiêng”, gây nhàm chán, thậm chí phản cảm!).

Thêm nữa: ai nắng trưa/ngồi ngủ gục/tóc xoã/lòng xích lô (không ngẫu cảm); ừ thay bố/ chúng có phen/ sút tung lưới cuộc đời (bạn xe ôm mê bóng đá)...

Đôi khi, Trúc Thông đối lập một cách cực đoan giàu- nghèo, như một rơi rớt không tự giác của cách nhìn xã hội học đơn giản cũ.

Chẳng hạn: qua hàng internet/ cô gái tóc vàng du lịch/ đang thư cho mẹ qua mấy đại dương ( người bán than tổ ong); Thượng Hải trôi trôi bao nhiêu giống người/ da trắng da vàng da đen da đỏ/ siêu thị sáng choang xường xám ôi chao/ chen nhịp kiệu kèn kiếm ăn phố chợ (du lịch, một miếng trò)...

Chẳng biết những câu thơ kiểu này có rung động hoặc khích lệ được những con người không may mắn đó?

Mảng đề tài về thiên nhiên của Trúc Thông thi thoảng cho ta những câu thơ đẹp, nhiều ấn tượng thị giác. Chẳng hạn: cười trắng phau biển cũng học trò (bờ biển sớm); dải đường lượn đỏ au  như chưa từng ngót bốn mươi năm/ ba đỉnh vút xanh vẫn mềm bài ca cũ (gặp xưa)...

Tuy nhiên, đôi khi nhà thơ mang định kiến của cái nhìn xã hội khiến thiên nhiên cũng bị vẩn đục một cách oan uổng: nơi vầng trán một vùng văn hiến/ xa vời êm dịu khúc tùng ru/ những dây leo cũng bỏ trò leo lách. (lên Ba Vì)... Con mắt nhìn trẻ em – phần nhân loại gần gũi nhất với thiên nhiên-  trong trẻo, nhất quán hơn: đường Chín khủng khiếp 1970/ nổ ra đoàn em bé/ ôm hoa đến tặng thầy/ trên một dòng xe đạp (dọc đường Chín dừng chân- chữ nổ hay và bạo, một kiểu sáng tạo chữ mang dấu ấn Trúc Thông); nghìn năm làng trẻ lại/ cháu cười/ cột nhà bảy mươi năm/ xoan ửng/ gà dồn vang cục tác (cháu)...

Lẽ ra tôi phải đề cập và dừng lâu với mảng thơ về nghề thơ của Trúc Thông, như yêu cầu tự đề ra ở đầu bài viết. Nhưng tôi không muốn mang tiếng là bắt bẻ hoặc định kiến.

Mỗi nhà thơ có một quan niệm về nghề, không ai lên lớp được cho ai. Xuân Diệu, hồi cuối những năm năm mươi thế kỉ trước, mỉa mai những ai say mê “làm  thơ về sự làm thơ”, ý muốn khuyên người ta hướng ngòi bút vào những vấn đề của cuộc sống. Nhưng lối thơ “ thật thật thật, chân chân chân”  kiểu “ Ngói mới” mà ông cổ vũ, đến nay chẳng mấy bài còn được người đời nhớ.

Bạn ông, nhà thơ Chế Lan Viên, có cả trăm bài “ Thơ bình phương, đời lập phương”, không phải bài nào cũng hay, cũng sâu sắc nhưng bao giờ cũng có gì đó khiến hậu sinh phải ngẫm nghĩ.

“ Vừa làm, vừa nghĩ” ( tên một tập sách của  Phạm Tiến Duật) là nhu cầu chiêm nghiệm của nhà thơ, nhất là ở độ tuổi như Trúc Thông. 

20/7/2006

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.