Trong tầm kiểm soát

Trong tầm kiểm soát
TP - Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến trung tuần tháng 10, cả nước có 135 ca tử vong vì bệnh tay-chân-miệng tại 26 tỉnh, thành phố, trong số hơn 76.121 trường hợp mắc bệnh này trên 63 tỉnh thành.

> Thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết
> Lại một ca tử vong vì bệnh tay chân miệng

Từ giữa tháng 9 đến nay, số ca nhiễm bệnh luôn dao động từ 2.000 - 2.500 người/tuần. Ngoài những địa phương phía Nam luôn có số ca mắc bệnh TCM ở mức cao như Đồng Tháp, TPHCM, Đồng Nai… tại miền Bắc, số ca bệnh cũng tăng nhanh ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình.

Trước sự tăng nhanh của bệnh TCM, giáo sư Phạm Song, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã đề nghị các địa phương nên cân nhắc việc công bố dịch TCM. Bởi dịch là sự xuất hiện nhiều bệnh nhân trong một cộng đồng hay một vùng với tần số mắc vượt quá dự tính bình thường. Nếu theo định nghĩa này, từ 2 tháng trước, TPHCM và một số địa phương khác đã có số ca mắc bệnh TCM vượt mức bình thường.

Tuy nhiên, xét về các điều kiện công bố dịch, Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có đủ hai yếu tố: có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế địa phương;có ít nhất một trong bốn yếu tố: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế địa phương;

Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỉ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỉ lệ tử vong cao, chưa rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Tuy vậy, mặc dù số ca mắc TCM năm nay tăng gấp 5,2 lần so với năm 2010, số ca tử vong tăng đặc biệt cao (năm 2010 chỉ có sáu ca tử vong), chưa có tỉnh thành nào nào công bố dịch TCM ở địa phương mình. Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Đồng Nai, TPHCM, những địa phương điểm nóng về TCM đều quyết không công bố dịch vì “vẫn trong tầm kiểm soát”.

Đã có nhiều chuyên gia y tế cho rằng, thật khó để địa phương tự nhận mình không kiểm soát được dịch, vì nhiều nguyên nhân đã được viện dẫn nơi này nơi kia: Ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch… Và có thể hiểu rằng tồn tại cả những lý do không dễ nói ra công khai.

Trong khi đó, cơ quan chịu trách nhiệm về sức khỏe người dân là Bộ Y tế, theo quy định, phải phụ thuộc thẩm quyền công bố dịch của chủ tịch UBND tỉnh thành trên cơ sở đề xuất của giám đốc sở y tế địa phương. Nhưng cũng có thể thấy ít nhiều có sự “đồng thuận” giữa Bộ Y tế và các sở địa phương trong việc không công bố dịch.

Ngay cả người đứng đầu Cục Y tế Dự phòng cũng nói, giải pháp công bố dịch không quá quan trọng vì mục tiêu của công bố dịch là tập hợp nguồn lực, thì giờ các địa phương đã dành nhiều nguồn lực chống dịch.

Nhưng ông cũng thừa nhận, đây là bệnh chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc lây lan tiếp hay không còn tùy thuộc thái độ ứng phó của cả gia đình và người chăm sóc trẻ. Tuyên truyền phòng dịch thời gian qua chưa đến được với người dân, vì không phải người nào cũng nghe đài đọc báo, biết tình hình dịch.

Công bố dịch ấy là lúc các cơ chế phòng chống được đưa vào chế độ ưu tiên cao nhất, cũng là biện pháp cấp bách để thông báo đến người dân về thực trạng của dịch nhằm đẩy mạnh hiệu quả tuyên truyền. Kinh nghiệm cho thấy, công tác truyền thông luôn là chìa khóa của thành công trong mọi đợt phòng chống dịch từ xưa đến nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.