Những vần thơ ấy, thi sĩ Tế Hanh trào dâng trong “Nói chuyện với sông Hiền Lương” từ năm 1959. Quảng Trị xứ gió Lào, cát trắng. Ở đó có 72 nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ của các anh hùng khắp mọi miền đất nước. Ở đó có 2 dòng sông “giới tuyến” lịch sử Bến Hải và Thạch Hãn của một thời chia cắt bi thương trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. Và ở đó, ngày ngày có những con người chân chất bình dị lặng thầm tự giác với công việc tri ân những người đã anh dũng hy sinh…
CỎ XANH NON TƠ THÀNH CỔ…
“Chẳng nơi nào như ở đây, mỗi nhà dân đều có hai bàn thờ, một trong nhà thờ gia tiên, một trong vườn dành cho những người ngã xuống. Hiếm có ở đâu như chốn này, nhà nhà đều đặn đầu ngõ đến cuối phố lung linh ánh đèn lồng vào những ngày sóc vọng ở một thị xã nhỏ xinh bên dòng Thạch Hãn với trang bi hùng bất tử 81 ngày đêm lịch sử của 48 năm trước, có tên gọi thân thương Thành Cổ Quảng Trị…”. Ông Hồ Minh Đạo, cử nhân sử Trường Tổng hợp Huế năm xa ấy giờ là trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Quảng Trị cảm thán hôm Ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) và Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức đêm tri ân đồng đội tại Thành Cổ Quảng Trị hôm 26/7.
Ngày 16/9/1989 là mốc son của Thành Cổ với sự kiện thị xã Quảng Trị được lập lại. Có một đoàn 7, 8 ông từ Hà Nội vào Thành Cổ. Dáng dấp, râu tóc nghệ sĩ, suốt ngày lang thang cuốc bộ trong Thành Cổ. Sau này tôi mới tường là nhạc sĩ Tân Huyền, Huy Thục, Phú Quang, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà văn Hòa Vang… Bài hát để đời Cỏ non Thành Cổ của Tân Huyền ra đời thời điểm ấy. Giai điệu trầm hùng mang mác luyến láy với những ca từ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ, xin chớ vô tình với người hy sinh cho mảnh đất quê mình...
Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Văn Ngọc Lãm bảo, sau khi Thành Cổ Quảng Trị được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, và khu trung tâm được đầu tư 200 tỷ đồng tôn tạo trên tổng diện tích 25.000 m2, chúng tôi đã tôn tạo Thành Cổ Quảng Trị thành một công viên văn hóa tưởng niệm, để Thành Cổ của một thời hoa lửa xứng tầm lịch sử.
Ông Lãm bảo, ở thị xã của ông có một người được gọi là người “phủ mát” linh hồn đồng đội. Ông là Nguyễn Thanh Bình, nguyên chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn K8, Tỉnh đội Quảng Trị, người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành Cổ 81 ngày đêm năm 1972. Ngày ngày, ngoài việc lặng lẽ miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội, ngót 5.000 cây cảnh trong khuôn viên Thành Cổ đều do một mình cựu binh Bình tự trồng và chăm sóc. “Cứ 10 cây trong khuôn viên Thành Cổ thì ông Bình bán 5 lấy tiền, phần lo cho gia đình, phần mua cây con về ươm và hương khói cho đồng đội, số cây cảnh còn lại làm đẹp cho khuôn viên và để cho đồng đội “nghỉ mát, che mưa che nắng”, ông Lãm kể.
Ông Phạm Lý Chánh, người thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) nhưng định cư ở phường 1 đất Thành Cổ này đã ở độ xưa nay hiếm, vượt ngưỡng 90 tuổi rồi mà rất tinh anh mạnh khỏe, da dẻ tươi tắn. Hơn ba mươi năm nay ông tự nguyện lặng lẽ tìm kiếm cất bốc, an táng hàng trăm hài cốt liệt sĩ, cũng như những người lính bên kia chiến tuyến ngã xuống trên đất Thành Cổ. Cụ Chánh kể: “Cách đây mấy năm, trong lúc làm đường giao thông tôi phát hiện được một hài cốt liệt sĩ. Trong lọ penixilin gắn mảnh giấy nhỏ đề danh tính liệt sĩ Phạm Trung Giang, hy sinh 28/8/1972. Đây là một trong rất ít liệt sĩ lúc hy sinh tại Thành Cổ còn lưu lại được tên tuổi. Cất bốc xong, tôi đề nghị đưa liệt sĩ về Nghĩa trang Thành Cổ. Bỗng dưng, một người trong nhóm khuyên đưa về Nghĩa trang xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Và khi làm lễ đưa liệt sĩ Giang về Nghĩa trang Triệu Long, tôi giật thột bởi thấy rất nhiều liệt sĩ thuộc đơn vị của anh đang yên nghỉ tại đây. Máu thịt của đồng đội mình thiêng liêng vậy đó!”.
NGÔI NHÀ THÂN QUEN
Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị mà nhiều người gọi trìu mến Nhà khách 27/7 (113 Lê Duẩn, TP Đông Hà) là mái nhà chung “tiếp sức” cho nhiều người trên mọi miền đất nước trong hành trình tìm mộ liệt sĩ. Ông Trương Đức Khoa, Giám đốc Nhà khách 27/7 bảo, Quảng Trị là địa phương duy nhất trong cả nước có 2 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia là Đường 9, Trường Sơn và 70 nghĩa trang liệt sĩ ở khắp nơi trong tỉnh. Những ngày tháng Bảy này đất lửa Quảng Trị lại đón hàng ngàn thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh đi tìm mộ hay người dân đến tri ân, viếng liệt sĩ. “Mỗi năm, tỉnh Quảng Trị đón tiếp trên 70.000 lượt khách từ mọi miền đất nước đến tri ân, thăm viếng mộ liệt sĩ. Hằng năm, Nhà khách 27/7 phục vụ gần 10.000 lượt thân nhân tìm mộ liệt sĩ hoặc thăm viếng các nghĩa trang trong tỉnh”, ông Khoa thông tin.
Năm nào cũng vậy, dịp 27/7, chị Lê Thị Thơm (xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) lại vào Quảng Trị thắp hương cho bố là liệt sĩ Lê Anh Hiến, hy sinh năm 1973 ở Đường 9 Nam Lào, hiện đang yên nghỉ ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Xe khách đến Đông Hà, chị Thơm tìm về Nhà khách 27/7. Chị bảo: “Tôi được tiếp đón rất chu đáo, nơi ăn nghỉ thoải mái, giúp làm thủ tục nhanh chóng thuận lợi”.
Cựu chiến binh Trần Văn Kiềm ở phường Minh Khai, TP Phủ Lý (Hà Nam) bảo: “Thân nhân liệt sĩ đến nhà khách trong thời gian đi viếng hoặc tìm mộ được ăn nghỉ 4 ngày và không mất bất cứ một khoản tiền gì. Có những gia đình thân nhân liệt sĩ chưa tìm được mộ, đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ ở đây tạo điều kiện để bà con được ở lại lâu hơn. Nhân viên nhà khách đón tiếp 24/24 giờ, lúc nào cũng có người trực để đón tiếp phục vụ ăn, nghỉ, đưa đón thân nhân liệt sĩ đến nghĩa trang. Nhà khách thấy các gia đình đi thuê xe ở ngoài rất tốn kém nên ở đây có 2 chiếc ô tô phục vụ đưa các gia đình về quê”.