73 năm ngày thương binh liệt sĩ: Tháng Bảy, ngày về…

Tâm nguyện của vị Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên

Nghĩa trang LSQG Trường Sơn ẢNH: HỒ CẦU
Nghĩa trang LSQG Trường Sơn ẢNH: HỒ CẦU
TP - Nói đến Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, hẳn ai cũng biết ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng Chính phủ), Tư lệnh Bộ chỉ huy 559. Ông cũng chính là người đề xuất xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia (LSQG) Trường Sơn làm nơi an nghỉ cho hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Ông được mệnh danh là “Cánh đại bàng của Trường Sơn”. Song có lẽ một điều ít người biết đến, lúc còn sống, vị tướng Tư lệnh còn có một tâm nguyện cháy bỏng, là khi qua đời muốn được về yên nghỉ cùng đồng đội ở Nghĩa trang Trường Sơn. 

Tôi lên Nghĩa trang LSQG Trường Sơn vào một sáng thượng tuần tháng 7. Hoa sứ nở rực khắp các khu đồi. Từng dòng người tấp nập về đây. Ai ai cũng rưng rưng đặt vòng hoa, thắp nén nhang, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đang yên giấc ngàn thu nơi đây.

Ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản lý nghĩa trang này ngót mấy chục năm giờ đảm chức Phó Ban quản lý Nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị trực tiếp phụ trách ở đây, sau khi Sở chủ quản cho sáp nhập 3 đơn vị trực thuộc vào một từ tháng 1/2019. Câu chuyện của chúng tôi quay về những cung đường Trường Sơn, về những chiến sĩ binh nhất binh nhì lẫn tướng lĩnh làm nên con đường huyền thoại của dân tộc, từ dấu mốc ra đời Binh đoàn Trường Sơn 19/5/1959. Rồi về Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) đã gắn liền với tên tuổi và cuộc đời binh nghiệp của  Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên.

Bản thân ông cùng các đồng chí, đồng đội đã làm nên một huyền thoại, góp phần đem lại sự thắng lợi cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ông Ái bảo, đi qua chiến tranh, tướng Nguyên không thể quên những đồng đội, chiến sĩ đã ngã xuống. Là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, ông đã đề xuất xây dựng một nghĩa trang quy mô làm nơi an nghỉ vĩnh hằng cho các cán bộ, chiến sĩ hy sinh thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Vẫn câu chuyện về vị tướng vị Tư lệnh của Bộ đội Trường Sơn. Ông Ái bảo, bác Đồng Sĩ Nguyên đã từng gửi cho tôi hai lá thư viết tay vào năm 2005 và 2009, nói về nguyện vọng sau này qua đời sẽ xin về đây yên nghỉ cùng đồng đội tại Nghĩa trang LSQG Trường Sơn.

“Năm 2009, bác Nguyên đã gửi thư cho UBND tỉnh Quảng Trị và tôi với nội dung bày tỏ mong ước sau này qua đời sẽ được về đây an nghỉ ở khu vực quần tượng bia công tích ở Nghĩa trang LSQG Trường Sơn. Tôi thấy đây là tâm đắc của một vị tướng trong những năm chiến đấu đồng cam cộng khổ..., lúc qua đời về với Nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi vô cùng xúc động. Nhưng, chúng tôi không đủ thẩm quyền. Đây thuộc về cơ quan chức năng và quyền của gia đình nếu có nguyện vọng chúng tôi hoàn toàn ủng hộ theo ý nguyện của ông”, ông Ái nói.

Tâm nguyện của vị Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên ảnh 1 Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn (Ảnh: tư liệu)


Trong 2 bức thư gửi Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang LSQG Trường Sơn Hồ Tất Ái, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên viết: “Hà Nội ngày 02/6/2005. Hồ Tất Ái! Trước đây tôi đã mấy lần nói chuyện với đồng chí về nguyện vọng của tôi khi chết được về nằm cùng đồng đội. Nay tuổi đã cao tôi đã có thơ (thư) đề nghị Ủy ban tỉnh Quảng Trị xin một đám đất ở đồi văn bia gần khu quần tượng để an nghỉ vậy đề nghị đồng chí ủng hộ và giúp đỡ. Chúc các đồng chí khỏe mạnh và gửi lời thăm các anh chị quản trang. 

“Hà Nội ngày 11/7/2009. Thân gửi đồng chí Hồ Tất Ái. Lần trước tôi đã có thơ xin phép khi qua đời, được nằm một chỗ ở khu đồi gần khu quần tượng. Nay xin phép được đưa hài cốt bà nhà tôi để bên cạnh. Tôi đã có thơ xin phép tỉnh, nay viết thơ xin phép đồng chí chấp thuận. Thân ái. (Bà nhà tôi là quân nhân)”.

Ông Ái xúc động: “Phải nói rằng ý nguyện Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là rất chí tình, chí nghĩa, bởi đối với anh em chúng tôi là những người chăm sóc tại nghĩa trang, là ban quản lý thôi nhưng với một vị nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị... nhưng bác đã gửi thư gửi gắm tình cảm đó…”. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cho hay, năm 2015, tướng Đồng Sĩ Nguyên có thư gửi lãnh đạo tỉnh mong muốn an giấc ngàn thu cùng đồng đội của mình ở Nghĩa trang Trường Sơn và UBND tỉnh đã đồng ý. “Mong muốn của bác Đồng Sĩ Nguyên là vậy, song với những gì mà bác đã cống hiến, hy sinh cho đất nước, cho nhân dân trong thời kỳ chiến tranh cũng như thời bình, dù bác được chôn cất yên nghỉ ở đâu thì nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Quảng Trị luôn tưởng nhớ, hướng về nơi vị tướng tư lệnh Trường Sơn yên nghỉ. Cho nên hôm Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên mất, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ truy điệu vị tướng huyền thoại của Trường Sơn ngay tại Nghĩa trang LSQG Trường Sơn”, ông Đồng nói. 

Nghĩa trang LSQG Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị), được khởi công xây dựng ngày 24/10/1975 và hoàn thành ngày 10/4/1977. Đây là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính.

Nghĩa trang LSQG Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Đồng Sĩ Nguyên (1/3/1923-4/4/2019), tên thật Nguyễn Hữu Vũ, quê ở làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), là vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967-1975), và là một trong hai vị tướng QĐND Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Ông cũng từng giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đặc phái viên Chính phủ, Đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Đường Trường Sơn.

MỚI - NÓNG