Những phận đời lênh đênh đầu nguồn lũ- Bài cuối:

Trôi theo dòng nước

TP - Cũng ở đầu nguồn lũ, PV Tiền Phong theo những người dân tỉnh An Giang ra đồng kéo trứng nước suốt đêm, nổi trôi cùng số phận trong dòng nước lũ.

Trôi theo dòng nước ảnh 1 Vợ chồng anh Câu đang bỏ trứng nước vào bao. Ảnh: Hòa Hội

Tái tê
Hơn 1 giờ sáng, khi mọi người đang ngon giấc cũng là lúc anh Trương Văn Vũ, 37 tuổi cùng nhiều người dân ở ấp Mỹ Quý, xã Mỹ Phú (Châu Phú) đã thức dậy chuẩn bị dụng cụ để đi kéo trứng nước (loại trứng dùng để cho cá kiểng hay cá giống ăn) đem về bán. Dụng cụ kéo trứng nước của anh Vũ là 2 thanh sắt ngang 0,7 m, dài 4 m và lưới mùng dài hơn 30m quấn cuộn để trong bao cùng 4 can loại 30 lít treo theo xe gắn máy để đựng trứng nước. 

Sau 30 phút chạy xe, anh Vũ dẫn tôi đi trên con đường quanh co, hẻo lánh mới đến nơi. Ở đó là một cánh đồng mênh mông, cạnh hầm cá tra. Gần đến nơi, chúng tôi tắt máy, nhè nhẹ dẫn bộ gần 100 m để tránh tiếng chó ở các chòi canh cá sủa gây phiền hà trong đêm. Đến nơi, anh Vũ bắt đầu ráp các thanh sắt lại thành hình chữ nhật rồi mắc 4 đầu dây của mùng lưới vào thanh sắt thành túi để hứng trứng nước.

Lúc này đã 2 giờ sáng, sương rơi lấm tấm đủ ướt người và cả yên xe. Gió rít từng cơn kéo theo mặt nước lăn tăn gợn sóng. Từ xa, chúng tôi thấy những ánh đèn yếu sáng, nhấp nhô. Anh Vũ cho biết, đó là đèn của những người cũng đang kéo trứng nước. Sau đó, anh Vũ và mọi người nhè nhẹ lội trầm mình xuống đồng, hai tay cầm thanh sắt kéo theo lưới để vớt trứng nước. 

Trôi theo dòng nước ảnh 2 Anh Vũ kiểm tra trứng nước
Chúng tôi cùng bước xuống nước đã sâu tới ngực, lạnh run người. Tôi bước tới đâu cặn bã của rơm, rạ mục bị khuấy nổi lên bốc mùi nồng nặc. Phía trên đầu muỗi vây quanh. Anh Vũ nói: “Ở đây còn đỡ chứ nhiều cánh đồng khác bị ngứa dữ lắm nên trước khi lội xuống phải thoa nhớt hay mỡ bò lên chân để nước không bám vào lỗ chân lông mới đỡ ngứa”.

Anh Vũ kéo hơn mười lăm phút thì mặt, môi tím lại. Anh cười gượng và còn hỏi chúng tôi lạnh không?. “Sợ tại em không quen chịu không nổi chứ anh làm riết cũng quen rồi”. Anh Vũ tâm sự: “Nhiều đêm, vừa lội xuống nước thì trời mưa tầm tã, không có chỗ trú, lạnh run đến nỗi môi răng va nhau lập cập. Hai tay chân teo ngắt nhưng nghĩ đến vợ, con cũng ráng làm”. 

Trong lúc kéo trứng nước giữa cánh đồng vắng lặng. Anh Vũ kể về chuyện đời, cuộc sống gia đình mình nghe mà nao lòng. Thuở nhỏ, nhà anh nghèo, học chưa hết tiểu học là nghỉ để đi làm thuê, giăng câu lưới kiếm sống. Đến 27 tuổi, trong lần đi gặt lúa thuê, anh gặp vợ là chị Phùng Thị Thúy, nhỏ hơn 4 tuổi, ở xóm trên, rồi 2 người cưới nhau. Đến nay, anh chị có với nhau 3 mặt con, đứa lớn vừa học hết lớp 5 hồi năm rồi, không tiền nên cho nghỉ; con gái giữa thì gửi nhờ ông bà nội ở huyện Tịnh Biên nuôi giúp.

Hiện tại, vợ chồng anh nuôi đứa con gái út hơn 3 tuổi. Chị Thúy kể: “Lúc mới cưới hai đứa không nhà cửa, ruộng đất. Mua được xác nhà sàn cũ nát, bề ngang 2,9 m, dài 5 m, mái lợp tôn, bao xung quanh bằng lá với giá 2 triệu đồng phải cắt lúa trả góp 3 mùa mới hết. Sau đó, được bà ngoại chồng cho miếng đất dời về cạnh bà dựng lên ở. Đến nay, gần 10 năm mà chưa có tiền cất lại mới, chỉ hư chỗ nào vá lại chỗ ấy”. 

Với anh Vũ, tuy cuộc sống khó khăn nhưng anh không hề bi lụy, trong lòng luôn khát khao thoát nghèo. “Tôi xuất phát từ hai bàn tay trắng nên cố gắng làm để vươn lên. Hiện tại, ngoài việc đi kéo trứng nước bán để kiếm sống hằng ngày. Tôi còn nuôi thêm hơn chục cặp cá lóc giống đầu nhím để bán và làm thuê phụ thêm”, anh Vũ nói.

Cùng ngâm mình ngoài đồng còn hơn 40 người khác. Họ hòa đồng, sẻ chia, tương trợ và trò chuyện chân tình với nhau. Trong số ấy, tôi gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Câu, 30 tuổi ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phú. Anh Câu nói: “Trời tạo trứng nước ra là để nuôi sống người nghèo. Vợ chồng tôi ngày kéo được khoảng 50 – 70 kg, bán với giá khoảng 5.000 đồng/kg”. Nói về kinh nghiệm trong nghề, anh Câu chia sẻ: “Trứng nước nổi lờ đờ trên mặt nước, chỉ cần kéo hơn 20 phút là biết ngay trúng hay thất rồi. Hôm nào trúng vợ chồng vui mừng, có lạnh mấy cũng không thấy mệt. Còn có ít hoặc không có thì cũng đành chịu”.

Gia đình anh Câu cũng nghèo, không ruộng đất nên vợ chồng cưới nhau gần 2 năm mà chưa dám sinh con. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Tuyền tâm sự: “Thấy chồng thức đêm làm cực khổ mà mình ở nhà thì ái ngại nên tôi đi làm cùng cho có tình có nghĩa. Người ta giàu ăn no ngủ ấm còn mình nghèo thì ráng làm dành dụm tiền để sau này lo con ăn học, không để sống trong cảnh túng thiếu nữa”. Nói xong, chị Tuyền len lén lau giọt nước mắt và ngước nhìn lên, ánh bình minh đang lóe sáng.

Đổi thay

Trong chuyến công tác An Giang, tôi có dịp đến thăm nhà bà cô (chị ruột của cha tôi) ở xã Vĩnh Xương (Tân Châu, An Giang), giáp biên giới Campuchia. Bà cô tên Trương Thị Ba, 62 tuổi, lấy chồng về đây đã hơn 40 năm. Cách nay 7 năm, khi tôi còn học phổ thông đã đến đây một lần nhưng giờ mọi thứ thay đổi lạ lùng. Đến cầu kênh Bảy Xã bên trái là chợ Vĩnh Xương, rẽ phải vô nhà cô tôi. Hồi nào đường mòn nhỏ cỏ um tùm, lầy lội phải xắn quần lội bộ gần cây số mới tới, bây giờ lộ nhựa rộng thênh chục mét. Bên phải là dãy nhà khang trang còn bên trái cặp mé sông có hàng cây rợp bóng mát. Đầu đường chạy vô đồn biên phòng khang trang vừa xây.

Trôi theo dòng nước ảnh 3 Vợ chồng ông Phưởng trước nhà
Chỉ mới mấy năm nhưng cảnh vật đổi thay nhiều quá. Chúng tôi phải loay hoay tìm hỏi mới đến được nhà.

Tôi ngỡ ngàng khi trước mặt mình là căn nhà sàn gỗ rộng rãi, dưới sàn xây tường ngăn phòng khang trang như nhà lầu ở thành phố. Lúc đó, cô Ba cùng hai con gái đang xem tivi. Hai chị ngoảnh ra thấy tôi thì trố mắt. Cô Ba đang nằm trên võng ngồi dậy nói: “Thằng con cậu Tám ở Cần Thơ chứ ai”. Mấy chị em mừng rỡ chào hỏi nhau.

Tôi quan sát trong ngoài căn nhà của cô trong sự ngạc nhiên. Cô Ba bảo, dượng tôi đang cưa mấy nhánh xoài hư; còn con trai út của cô đi sửa máy tính cho khách từ sáng chưa về. Vui chuyện cô kể: “Hồi cô lấy chồng về đây, chưa có lộ làng gì hết trơn, rước dâu bằng thuyền. Đây còn là vùng biên giới, giặc dã ghê lắm, không dễ sống, mùa lũ nước ngập lút đầu nên dân cư thưa thớt, nghèo khó”.

Cô Ba có 6 người con đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học đã có nghề nghiệp ổn định. Hiện đã cưới gả 4 người, cô bảo, mỗi người đi lấy chồng cô cho một cây vàng làm của hồi môn. Sống với cô dượng còn con gái thứ ba làm thợ may và trai út học nghề điện tử, mở tiệm tại nhà và làm Bí thư chi đoàn ấp. Gia đình cô ăn chay trường. Hơn chục năm nay, mỗi tháng 4 ngày là mười bốn, mười lăm và hai mươi chín, ba mươi âm lịch, cô làm tàu hủ bỏ mối cho các sạp ngoài chợ, mỗi đợt lời gần 3 triệu đồng.

Trưa muộn, dượng Lê Văn Phưởng tay cầm máy cưa, mồ hôi nhễ nhãi từ ngoài vào nhà. Dượng Phưởng năm nay 64 tuổi, tóc bạc gần nửa nhưng ngày nào cũng ra đồng. Dượng bảo: “Cố gắng làm để có ăn chứ không thì lấy gì lo nghề nghiệp cho con cái” rồi hỏi “tìm nhà có dễ không?”. Tôi đáp, lần trước vô đây khó khăn và nhà dượng đâu được như thế này. Dượng cười, cao hứng ngồi kể về quãng thời gian khó nhọc khai hoang nơi này: “Đất đai của tổ tiên nên không thể bỏ. Trước đây, cha mẹ cho dượng 3 công đất, đến giờ mua thêm được hơn chục công. Chăm chỉ, tận dụng cơ hội thì khá giả không phải là quá khó”. 

Theo lời dượng Phưởng, chục năm nay nhờ nhà nước đắp đê bao ngăn lũ nên có điều kiện trồng cây quanh năm. Vùng đất ở đây có nhiều phù sa của sông Tiền bồi đắp, thích hợp để trồng xoài và hoa màu khác. Xoài cát Hòa Lộc trồng hơn 3 năm là cho trái, một năm hái trái hai đợt, thu hoạch hơn 10 năm mới tàn. Cách nay gần tháng, thương lái vào tận vườn mua xoài trên 5 công của dượng hơn trăm triệu đồng. Nay còn hơn 4 công trồng ớt ở cách nhà gần cây số, trái lúc lỉu. “Nhờ xoài mà cất nhà cửa khang trang, không chỉ nhà dượng mà cả xã nhà xây mọc như nấm”, dượng Phưởng nói. 

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.