Lau kính cao ốc - Mưu sinh nghề nguy hiểm

Những người thợ lau kính phải cheo leo giữa không trung để mưu sinh - Ảnh: Bảo Nguyên
Những người thợ lau kính phải cheo leo giữa không trung để mưu sinh - Ảnh: Bảo Nguyên
Suốt ngày đánh đu lơ lửng trên không trung, nên những người làm nghề lau kính cho những tòa nhà cao tầng được ví như... người nhện. Để mưu sinh, họ phải đối mặt với hiểm nguy luôn rình rập.

Công việc của thợ lau kính nhà cao tầng bắt đầu từ buổi sáng, bởi theo chị Nguyễn Thị Thùy Nga, quản lý một nhóm lau kính cao ốc ở Đà Nẵng, về chiều thời tiết thường hay biến động, có gió lớn, nên an toàn nhất trong ngày là buổi sớm.

Những “người nhện” lỉnh kỉnh

Lỉnh kỉnh mang theo rất nhiều vật dụng bên mình, như dụng cụ lau kính, nước, dung dịch rửa kính, thiết bị giữ thăng bằng, giày đế cao su có độ bám dính cao, nước uống... những thợ lau kính sau khi kiểm tra các dây buộc an toàn, dây cứu sinh thì bắt đầu từ từ thả mình xuống từ đỉnh tòa nhà. Công việc của họ không chỉ đơn giản là làm sạch bụi bẩn mà còn phải giữ mọi thứ an toàn bên mình, ngay cả những dụng cụ tác nghiệp phải không cho rơi rớt để không xảy ra tai nạn cho chính bản thân họ lẫn người bên dưới.

Tận mắt chứng kiến những người thợ lau kính làm việc, tôi mới thấy hết được những nguy hiểm của nghề. Tại tòa nhà Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng, giữa cái nắng gay gắt, đứng dưới đường Trần Phú nhìn lên tòa nhà 25 tầng, những thợ lau kính cheo leo trên không trung với cảm giác vô cùng hồi hộp. Họ đang tập trung cao độ để làm việc. Tòa nhà bên ngoài được bao bọc bằng kính, nên hầu như không có chỗ đu bám, mỗi người phải tự giữ mình cho thật chắc bằng những dụng cụ đặc dụng. Mỗi khi có gió, dù nhẹ, nếu chỉ lơ là một chút, họ lập tức bị thổi đánh đu như con lắc đồng hồ giữa không trung.

Với những tòa nhà có độ khó cao, thả người xuống đến điểm lau chùi là không dễ dàng, nên để kịp tiến độ bàn giao thì phải làm xuyên buổi trưa. Do vậy, những bữa cơm trưa trên không trung không phải là hiếm. Anh Phan Lê Trọng (trú Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), một “người nhện” có thâm niên hơn 10 năm làm nghề đánh đu với dây cáp trên 50 tòa nhà cao tầng ở cả miền Trung lẫn miền Nam để lau kính, dán kính, kể vui: “Tụi em còn bày cả bàn ăn trên không với thiết bị hít kính. Chắc hẳn không nhiều người có được bữa cơm kiểu ấy. Vừa ăn vừa ngắm cảnh từ trên cao, rất thú vị”.

Với những công nhân như Trọng, việc lơ lửng trên những tòa nhà cao hơn 100 m là chuyện quá đỗi quen thuộc.

Lau kính cao ốc - Mưu sinh nghề nguy hiểm ảnh 1

Tai nạn rình rập

“Treo mình trên không trung là việc vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, tụi em luôn cảnh giác cao độ, kiểm tra kỹ lưỡng mọi điều kiện trước khi thả mình xuống”, Trọng cho biết.

Những “điều kiện” đó, theo người làm nghề thâm niên như Trọng, trước tiên phải là điều kiện thời tiết. Trời có gió nhất định không làm vì sẽ vô cùng nguy hiểm. Dây cáp phải kiểm tra từng centimet, mấu cột dây cũng phải đảm bảo an toàn. Và quan trọng nhất là sức khỏe. Nếu sức khỏe của người thợ dù làm lâu năm không đảm bảo thì không thể đeo đu lên được, bởi chỉ cần chóng mặt, đau đầu thì ở độ cao đó sẽ dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Chị Thùy Nga chia sẻ, ngay cả những người làm nghề cũng phải được tuyển dụng kỹ lưỡng. Không mập quá, không gầy quá, không dị tật tay chân, phản xạ nhanh; nếu thử phản xạ chậm là loại ngay bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Chưa hết, trước khi vào nghề, người thợ được huấn luyện rất kỹ lưỡng, từ việc thử chịu đựng độ cao, sức khỏe, sự vững chãi khi làm nghề. Huấn luyện xong phải thử tay nghề, nếu chịu đựng nổi thì mới cho làm nghề.

Dẫu vậy, không ít sự việc dù lường trước vẫn xảy ra. Cách đây không lâu, lúc thi công một tòa nhà cao tầng ở gần sông Hàn (Đà Nẵng), khi Trọng cùng đồng nghiệp Lê Văn Phương đang lau kính ở tầng 20 thì bỗng có gió lớn nổi lên. Khu vực này gần sông nên gió thổi nhanh, mạnh dù buổi sáng trời rất đẹp. Hai anh em bị gió dập đong đưa từ trên cao, phải vất vả lắm mới trụ lại và sau đó nhanh chóng tiếp đất, trước sự lo lắng của mọi người.

Chị Thùy Nga cho hay đối với những thợ mới vào nghề do chưa có kinh nghiệm lại chủ quan với sức khỏe của mình, khi làm dưới trời trưa nắng, bị ra mồ hôi, mất nước trầm trọng; nếu không kịp đưa xuống đất nhanh chóng để sơ cứu thì nguy hiểm vô cùng.

Cẩn thận là vậy, nhưng những người thợ lau kính vẫn rùng mình khi nhắc đến những tai nạn đáng tiếc mà đồng nghiệp mình gặp phải. Tháng 11.2013, tại tòa tháp đôi Hòa Bình (Hà Nội), một công nhân lau kính bị rơi tự do từ tầng 7 tòa nhà do dây cáp đứt, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, tháng 6.2013, tại một tòa nhà cao tầng ở TP.Tam Kỳ, Quảng Nam, công nhân N.B.P (trú Quảng Xương, Thanh Hóa) cũng bất ngờ bị rơi xuống khi đang lau kính bên ngoài tòa nhà này, khiến anh P. tử vong tại chỗ...

Có không ít người dù đã được huấn luyện, nhưng chỉ làm nghề 1 - 2 ngày thì đã từ bỏ để chọn nghề khác nhẹ nhàng hơn, vì không chịu nổi áp lực. “Đây quả thực là nghề nguy hiểm. Ngoài việc có thể kiếm tiền cao hơn những nghề dọn dẹp đơn thuần khác, thì người thợ phải thực sự yêu nghề mới trụ lâu dài được” - “người nhện” Phan Lê Trọng chia sẻ, trước khi quay lại công việc của mình, cheo leo giữa không trung...

Theo Diệu Hiền

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.