Trợ giúp hộ nghèo và người thu nhập thấp

Cư dân nghèo thành thị bị tác động mạnh nhất từ tăng giá
Cư dân nghèo thành thị bị tác động mạnh nhất từ tăng giá
TP - "Lương tăng không bù kịp lạm phát, nên trong bối cảnh bão giá, người nghèo và người thu nhập thấp dễ bị ảnh hưởng nhất, họ mới cần đợc trợ giúp, chứ không phải là những người đang đóng thuế thu nhập cá nhân"- Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, khi trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

> Bình ổn giá, cách nào?

Cư dân nghèo thành thị bị tác động mạnh nhất từ tăng giá
Cư dân nghèo thành thị bị tác động mạnh nhất từ tăng giá.

Lương tăng không bù được tăng giá

Ông Đặng Như Lợi nói: Bão giá, lạm phát không chỉ tác động đến cuộc sống, sinh hoạt người dân mà tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Rõ ràng giá cả tăng lên. Năm 2010, lạm phát gần 12%; mới hai tháng đầu năm 2011, chỉ số giá đã gần 4%. Như vậy, ta tính từ đầu năm 2010 đến hết tháng 2 -2011, đã lên đến trên 15%.

Tại thời điểm ta tính toán thì những gì đảm bảo đã mất hết. Ví dụ, lương khả năng chỉ điều chỉnh từ 730 nghìn lên 830 nghìn đồng. So với lương tối thiểu thì chỉ tăng giỏi lắm được 14%. Nhưng rõ ràng chỉ số giá đã tăng cao hơn mức đó rồi. Lương tăng không theo kịp được bão giá.

Vậy theo ông, nên có giải pháp gì, nhìn dưới góc độ an sinh xã hội để giúp người dân bớt khó khăn?

An sinh xã có ba trụ cột chính: Bảo hiểm xã hội (trong đó có bảo hiểm thất nghiệp), bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội. Chính phủ vừa có Nghị quyết 11 về các giải pháp kiềm chế lạm phát, giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Tuy nhiên, các biện pháp đó nếu có vào được cuộc sống nhanh thì cũng phải 1-2 tháng nữa, chậm thì cũng phải 2-3 tháng nữa. Mà 2-3 tháng nữa thì cũng như chu kỳ hằng năm là bao giờ tháng 1, tháng 2, tháng 3, tháng 4 giá lên đều. Tháng 6, tháng 7, tháng 8 giá thường xuống và sau đó đứng im ở một ngưỡng cao.

Như hiện nay giá đã đứng ở mức cao rồi. Nên người nghèo không có tiền lương và những người sống hoàn toàn bằng tiền lương (thu nhập thấp) bị tác động mạnh nhất.

Ông Đặng Như Lợi
Ông Đặng Như Lợi.

Trợ cấp trực tiếp

Đó là những đối tượng cần được Chính phủ trợ giúp, thưa ông?

Đúng vậy. Những đối tượng đó phần lớn là nông dân, người hưởng lương hưu, người hưởng lương chưa tới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân... Ta phải bảo vệ số đông đó. Phải làm sao để hỗ trợ họ.

Như 2008 ta đã phải trợ cấp khó khăn cho những đối tượng này. Phải xử lý bằng cái đó. Thế bây giờ chỉ số giá tăng vậy rồi phải xử lý thế nào? Theo tôi những biện pháp xử lý hiện nay mà Chính phủ vừa đưa ra mới chủ yếu về chính sách tiền tệ, tài chính, thúc đẩy sản xuất... Những cái đó chưa phải trực tiếp trợ giúp họ.

Hiện người nghèo vẫn đang được hưởng BHYT, vừa rồi Chính phủ tăng giá điện, có bù giá bằng hỗ trợ 30.000 đồng/tháng cho hộ nghèo là tốt rồi. Với nông dân, đời sống sinh hoạt không bị tác động lớn như ta tưởng, vì phần lớn nông dân vẫn còn tự cấp tự túc được lương thực, thực phẩm, rau quả. Cái khó nhất là giá tăng, nên chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao, vì vậy cần có thêm những chính sách bù giá trực tiếp cho nông dân.

Có thể nói, đối tượng bị tác động mạnh nhất do giá cả tăng, chính là cư dân nghèo thành thị và người làm công ăn lương nhưng có thu nhập thấp.

Chính quyền địa phương cần vào cuộc

Nhưng hiện những đối tượng này gần như chưa được quan tâm, trợ giúp?

Hiện một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM có chính sách bán hàng bình ổn. Họ cho doanh nghiệp bán lẻ vay vốn được hỗ trợ lãi suất, để các doanh nghiệp này bán hàng bình ổn giá thấp hơn giá ngoài thị trường.

Tuy nhiên, cách này không hiệu quả. Chắc gì người dân nghèo đã mua được hàng bình ổn, hay lại siêu thị này bán cho siêu thị kia, cuối cùng người dân vẫn phải mua giá cao, chưa kể nhà giàu cũng vào mua thì sao... Làm sao sự trợ giúp của Nhà nước phải đến được đúng đối tượng đang cần bình ổn.

Một số nước thực hiện phát thẻ mua hàng cho người nghèo?

Chính phủ hỗ trợ tiền điện 30 nghìn đồng/tháng cho một hộ nghèo, cũng là một kiểu hỗ trợ trực tiếp. Cách này vừa công bằng, vừa tác động trực tiếp đến tình cảm của người được trợ cấp, rằng Nhà nước đã giúp đỡ mình lúc khó khăn.

Còn việc phát thẻ mua hàng, cách này cũng hay, nhưng còn phải tính toán liệu ngân khố của Chính phủ có kham nổi không. Ở đây, chính quyền các tỉnh, TP cũng cần có chính sách cụ thể hỗ trợ người dân khi khó khăn, không phải cái gì cũng để trung ương lo. Phải cộng đồng trách nhiệm, chăm lo cho dân.

Sao phải quan tâm người giàu?

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ, Quốc hội nên sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, tăng mức chiết trừ gia cảnh, cũng là cách giúp người dân bớt khó khăn trong hoàn cảnh bão giá?

"Có thể nói, đối tượng bị tác động mạnh nhất do giá cả tăng, chính là cư dân nghèo thành thị và những người làm công ăn lương có thu nhập thấp.

Chính quyền các thành phố cần có chính sách trợ giúp họ, chứ không chỉ trông chờ vào Chính phủ."  - Ông Đặng Như Lợi 

Thực ra Luật Thuế thu nhập cá nhân của ta hiện nay không phải là thuế thu nhập cá nhân. Bản chất thuế thu nhập cá nhân là, đã có thu nhập cao hơn trợ cấp xã hội và mức lương tối thiểu là phải đóng thuế.

Còn ở ta hiện mức thu nhập từ trên 4 triệu đồng mới phải đóng, cao hơn mức lương tối thiểu đến 5-6 lần, cao hơn mức sống trung bình nhiều lần.

Và số người phải đóng thuế thu nhập cá nhân hiện ở ta chỉ khoảng vài triệu, thực chất đây vẫn là thuế thu nhập cao, chứ không phải thuế thu nhập cá nhân. Với những đối tượng này, họ ít bị ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, ăn, ở mà chỉ bị ảnh hưởng đến tích luỹ vì đồng tiền mất giá.

Theo tôi, nếu sửa luật này, việc cần làm là phải tiến tới thực sự là thuế thu nhập cá nhân.

Nhưng nhìn nhận một cách sòng phẳng, hai năm qua, sau khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, lạm phát tăng gần 20%, chi phí sinh hoạt tăng mạnh, nên mức chiết trừ gia cảnh (1,6 triệu đồng/người phụ thuộc) và mức khởi điểm chịu thuế (4 triệu đồng) không còn phù hợp, thưa ông?

Tôi đồng ý là như vậy, nhưng thực ra đây là những đối tượng có mức sống cao chứ không phải như mức sống trung bình và nghèo của đại đa số còn lại. Con cái đi học, họ chọn trường, chọn lớp; họ lựa chọn sữa cho con uống...

Bởi vậy, mức chiết trừ gia cảnh không phù hợp. Nhưng ta phải nhìn vào bản chất, nhà nước đâu có thu được mức chi phí cuộc sống cao đó. Họ tự lựa chọn dịch vụ thì chi phí cao là đương nhiên, có gì phải thắc mắc.

Cảm ơn ông.

Bá Kiên - Phong Cầm
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.