Trình 2 đề án có vốn đầu tư 'khủng', Hà Nội lấy tiền đâu để triển khai?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 1/7, UBND thành phố Hà Nội đã trình HĐND thành phố xem xét 2 đề án với số vốn đầu tư rất lớn. Trong đó, riêng đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đã có tổng số vốn 55,426 tỷ USD. Chỉ riêng với đề án này, từ nay đến năm 2035, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ hơn 8,6 tỷ USD.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Hà Nội, sáng 1/7, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường đã trình bày Tờ trình của UBND thành phố về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Thủ đô.

Theo đó, mục tiêu đề án là phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố. Phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

Để hoàn thành mục tiêu đó, Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư".

Cụ thể, phân kỳ 2024-2030, thành phố hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5). Đồng thời, chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4,6,7,8; tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỷ USD.

Phân kỳ 2031-2035, thành phố hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD.

Phân kỳ 2036-2045 hoàn thành đầu tư 200,7km ĐSĐT các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD.

Như vậy, theo đề án đến năm 2045, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành 598,5km ĐSĐT, với tổng số vốn 55,426 tỷ USD.

Trình 2 đề án có vốn đầu tư 'khủng', Hà Nội lấy tiền đâu để triển khai? ảnh 1

Từ nay đến năm 2045 Hà Nội cần hơn 55 tỷ USD để hoàn thành gần 600km đường sắt đô thị

Về phương án huy động vốn, Hà Nội sẽ thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công. Bao gồm, vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành.

Hà Nội dự kiến đến năm 2035 sẽ cân đối được khoảng 28,560 tỷ USD. Đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29,210 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này.

Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, Hà Nội cần trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD.

Cùng với việc bố trí vốn, UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất 23 nhóm cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện đề án. Trong đó, có nhóm chính sách về quy hoạch; nhóm chính sách về thu hồi đất, đền bù tái định cư; nhóm chính sách về huy động nguồn vốn, hoặc quản lý, khai thác...

Trình 2 đề án có vốn đầu tư 'khủng', Hà Nội lấy tiền đâu để triển khai? ảnh 2

Hiện trường vụ cháy tại phường Định Công làm 4 người tử vong.

Cũng trong sáng 1/7, tại kỳ họp, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã trình bày tờ trình xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, những năm vừa qua, công tác PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố đã có nhiều nét chuyển biến tích cực. Năng lực PCCC&CNCH của thành phố từng bước được nâng lên.

Bên cạnh đó, công tác PCCC&CNCH của thành phố vẫn còn một số hạn chế. Ví như, tình hình cháy, nổ tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; Tiến độ xử lý đối với các công trình vi phạm PCCC còn chậm. PCCC&CNCH còn chưa phù hợp với mô hình, quy định mới; quân số, biên chế, trang thiết bị, phương tiện còn thiếu, nhất là phương tiện hiện đại...

Trên cơ sở định hướng, quy hoạch phát triển Thủ đô, Đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và được thực hiện qua 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030.

Về kinh phí thực hiện, dự kiến kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Đề án (cả 2 giai đoạn) khoảng 26.341,45 tỷ đồng.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn địa phương và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến kinh phí khoảng 10.620,35 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 15.721,1 tỷ đồng.

Chiều nay (1/7), các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội sẽ thảo luận Tổ về 2 đề án này.

MỚI - NÓNG
Tỉnh thành nào tăng trưởng kinh tế cao nhất nước?
Tỉnh thành nào tăng trưởng kinh tế cao nhất nước?
TPO - Trong 10 địa phương tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước, nhóm 5 thành phố trực thuộc trung ương chỉ có Hải Phòng, TPHCM có bước cải thiện đáng kể khi vượt lên trên Hà Nội, trong khi Cần Thơ và Đà Nẵng ở nửa cuối.