Báo chí Triều Tiên cáo buộc người quản lý đã nhận hối lộ từ các đặc vụ Hàn Quốc để lừa 12 nhân viên rằng họ sẽ được đưa đến nơi làm việc mới. “Người quản lý đồng lõa với tình báo (Hàn Quốc) đã lừa các nhân viên khiến họ nghĩ rằng họ đang được chuyển đến một nơi làm việc khác ở rất xa” rồi đưa họ lên máy bay, trang Uriminzokkiri viết trong một bài bình luận đăng hôm qua. Trang này viết rằng vụ “bắt cóc” nằm trong chiến lược của Seoul nhằm bôi nhọ Bình Nhưỡng.
Nhật báo Hàn Quốc Hankyoreh Sinmun dẫn lời chủ người Trung Quốc của nhà hàng tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, nói rằng người quản lý đã ăn trộm hơn 1,2 triệu nhân dân tệ (180.000 USD) của nhà hàng, nơi có tổng số 20 người Triều Tiên làm việc. Bảy người Triều Tiên còn lại đang ở cùng các cán bộ của Đại sứ quán Triều Tiên và sắp trở về nước.
Nhân vụ việc này, một ca sĩ Triều Tiên đã kể về công việc của mình tại nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài và quá trình chạy trốn đến Hàn Quốc. Một thập kỷ trước, chị Myeong Sung-hee khi đang làm việc ở Trung Quốc đã được khách hàng mời đến Hàn Quốc làm việc. Sau 2 năm, Myeong lén đưa cả gia đình đến Trung Quốc, rồi cuối cùng sang Seoul. Myeong cho rằng, 13 người Triều Tiên vừa chạy trốn có lẽ cũng trải qua tình huống tương tự chị, nhưng chị ngạc nhiên việc họ để cả gia đình ở lại, báo Wall Street Journal dẫn lời chị Myeong.
Đang là một ca sĩ nhạc nhẹ ở Seoul, chị Myeong kể rằng khi còn làm việc ở nhà hàng Triều Tiên, chị và 7 phụ nữ Triều Tiên khác thức dậy từ 6h sáng mỗi ngày trong căn phòng bị khóa cửa ở thành phố Trường Xuân. Họ có nhiệm vụ ca múa trong trang phục Triều Tiên sặc sỡ để thu hút khách hàng. Trên ngực áo họ là chiếc huy hiệu có hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhà hàng mà Myeong làm việc phục vụ các món Triều Tiên và Trung Quốc, kèm với rượu soju. Các đồng nghiệp đệm đàn guitar và keyboard để Myeong hát những bài nổi tiếng của Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng tiết mục điểm nhấn của chị là bài hát tiếng Anh “My Heart Will Go On” trong phim Titanic.
Myeong kể rằng, nhiều thực khách đã đề nghị giúp chị chạy trốn để đến học tại các trường âm nhạc ở Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, nhưng lúc đầu chị chưa dám vì sợ bị trừng phạt. Người quản lý nhà hàng giám sát nhân viên rất chặt, và mỗi ngày đều kiểm điểm những hành vi bị coi là không trung thành với Triều Tiên. Trước khi đến Trung Quốc, những phụ nữ này phải học một khóa đào tạo tăng cường về tư tưởng trung thành.
Các nhân viên được trả lương nếu nhà hàng kiếm được hơn 20.000 USD mỗi tháng. Có tháng đông khách, mỗi nhân viên được trả khoảng 100 USD, một khoản tiền lớn đối với mỗi công nhân Triều Tiên. Quản lý nhà hàng giúp họ gửi tiền về cho gia đình.
Myeong kể rằng, chị và những đồng nghiệp Triều Tiên xem nhiều phim truyền hình của Hàn Quốc, vốn được chiếu rộng rãi ở Trung Quốc. Trong những phim đó, cuộc sống của người dân khá giả hơn rất nhiều, và đó là một trong những lý do khiến chị bỏ trốn.
Kinh doanh nhà hàng được coi là một trong những nguồn thu chính của Triều Tiên kể từ khi họ không nhận được viện trợ sau khi Liên Xô sụp đổ đầu những năm 1990. Triều Tiên bắt đầu mở một số nhà hàng ở Trung Quốc, sau đó mở rộng xuống Campuchia, các nước gần gũi khác ở Đông Nam Á, Nga và UAE. Người Hàn Quốc ở nước ngoài là một trong những nhóm khách hàng đông nhất, trước khi Hàn Quốc gần đây đề nghị công dân nước họ không đến ăn ở những nhà hàng này để giảm nguồn tiền thu về cho Bình Nhưỡng.