Kế hoạch này được cho là đã được bắt đầu từ cách đây hàng chục năm và lấy cảm hứng từ những thành công của Singapore và Thụy Sỹ. Ông Ri Ki-song, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế thuộc Học viện Khoa học xã hội của Triều Tiên cho biết, kế hoạch này sẽ mở đường cho Triều Tiên gia nhập các thể chế tài chính thế giới, chẳng hạn như Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) nếu như các quốc gia thành viên của tổ chức này từ bỏ các chính sách thù địch đối với họ.
Theo ông Ri, mặc dù các lệnh trừng phạt nhằm buộc Triều Tiên gỡ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân đã được tăng cường trong mấy năm qua, nền kinh tế Triều Tiên vẫn tăng trưởng ổn định, với mức tăng GDP, từ 24,9 tỷ USD vào năm 2016 lên tới 30,7 tỷ USD vào năm 2017. Ông Ri nói với AP tuần trước tại Bình Nhưỡng rằng, mức tăng trưởng này cho thấy lệnh trừng phạt khiến nền kinh tế Triều Tiên trở nên tự lập và hiệu quả hơn.
Ông Ri bày tỏ lạc quan về bầu không khí hiện nay sau cuộc gặp gỡ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cho biết, nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và bầu không khí chính trị được cải thiện, Triều Tiên có thể trở thành một Singapore thứ hai.
Theo ông Ri, Triều Tiên đã có tuyến đường sắt nối với Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công khai ủng hộ kế hoạch tái khởi động các tuyến đường sắt xuyên biên giới càng sớm càng tốt. Nếu Triều Tiên có thể vận hành tuyến đường sắt này, việc vận chuyển hàng hóa từ Hàn Quốc qua Siberia thuận lợi hơn nhiều so với đường biển.