Triết lý làm mẹ qua 'Thư gửi con'

Triết lý làm mẹ qua 'Thư gửi con'
TP - Thư gửi con (NXB Hội Nhà văn, 2012) gồm hai phần. Phần một tuyển chọn những lá thư viết cho con khi ngồi trong phòng đợi và trên máy bay trong những chuyến đi xa. Phần hai là những tùy bút viết cho con gái .Qua Thư gửi con độc giả nhận ra được nhiều điều, trong đó có triết lý nuôi dạy con từ kinh nghiệm làm mẹ của Tiến sĩ Thái Kim Lan.

> Cư dân mạng rớt nước mắt vì “Thư gửi con”

Đầu thập niên 1980 ở Việt Nam, giáo dục mầm non được xem là sự khởi đầu với việc sát nhập hệ thống nhà trẻ và mẫu giáo, vốn thuộc sự quản lý của cơ quan bảo vệ bà mẹ và trẻ em, vào ngành giáo dục.

Trước đó khởi đầu bắt đầu lớp một, cấp một. Trong khi đó trên thế giới có trường phái xem thai giáo là sự khởi đầu của quá trình chăm sóc, nuôi dạy, hình thành tính cách. Một trong những người theo trường phái này là Thái Kim Lan.

Từ một nữ sinh khuê các, hồn nhiên, qua Đức du học, rồi ở lại lập nghiệp, xây dựng gia đình, chỉ đến khi sắp làm mẹ Thái Kim Lan mới lo lắng về vấn đề này. Bà đã chọn triết lý quê hương và truyền thống gia đình.

Huy động các mối quan hệ thân thiết trong cộng đồng người Việt ở Đức để tìm hiểu kinh nghiệm, học hỏi kỹ năng nuôi, dạy con từ khi còn là bào thai. Nhớ câu Con vô dạ mạ đi tu, hàng ngày bà ngồi thiền, nghe kinh kệ và nghe nhạc cho đến tận ngày sinh nở.

Theo Thái Kim Lan, điều quan trọng nhất cho một đứa bé ngoài dinh dưỡng và tình thương yêu vô bờ bến còn là đối thoại không ngừng, một thứ truyền thông không chỉ qua lời nói, âm thanh, ngôn từ, mà còn là cử chỉ, cách đối xử, thái độ sống. Từ đó tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa mẹ và con, truyền được cho con cảm xúc tích cực và những điều tốt đẹp nhất.

Có thể nhận ra phương pháp nuôi dạy con của Thái Kim Lan là thai giáo, thân giáolễ giáo. Trong ngôi nhà Việt Nam “tam đại đồng đường” xứ người, những đứa trẻ lớn lên, học hành thành đạt và luôn hướng về quê hương. Mai Lan, con gái TS Thái Kim Lan hiện làm việc ở Viện Goethe Hà Nội. Một cô gái sinh ra lớn lên ở CHLB Đức nhưng nhiều nét rất Huế.

Được hỏi về phương pháp giáo dục của mẹ, Mai Lan nói: Phương pháp đó không bảo thủ theo nếp xưa, mà được sàng lọc so sánh rút tỉa từ những lối giáo dục khác nhau. Điểm tích cực nhất là mẹ dạy cho em suy nghĩ độc lập. Em cảm thấy mình lớn lên trong tự do, đồng thời trong khuôn khổ lễ giáo gia đình một cách tự nguyện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG