Việc đổi tên gọi được ông Vi Kiến Thành, trưởng BTC giải thích sẽ giúp triển lãm “khẳng định được tầm vóc quốc gia” hơn. Triển lãm trao hai giải Nhất cho hai hệ thống. Một bên là các tác phẩm Hội họa, Đồ họa, Nghệ thuật trình diễn, Video. Bên kia là các tác phẩm Điêu khắc và Sắp đặt.
Công cuộc tuyển chọn kỳ này báo hiệu sẽ gay cấn hơn vì từ 700-800 tác phẩm được trưng bày kỳ trước nay BTC chỉ lấy 500. Danh sách các tác phẩm được bày sẽ có vào tháng 12. Sau 5 năm “trượt giá”, tiền thưởng cho giải Nhất tăng từ 30 triệu đồng thành 50 triệu đồng. Ngoài ra còn 4 giải Nhì, mỗi giải 20 triệu đồng, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.
Nỗi lo chỗ bày
BTC bắt đầu nhận tác phẩm qua ảnh hoặc đĩa hình từ ngày 6 đến 12/7. Qua vòng “gửi ảnh”, BTC sẽ tiếp tục chọn tác phẩm trên hiện vật. Kích thước tác phẩm tham dự triển lãm dù là tranh hay tượng giới hạn trong vòng 200cm. Không gian tối đa dành cho tác phẩm sắp đặt là 300cm.
Họa sĩ Hà Đình Tài (giải thưởng Nhà nước) không phải người đầu tiên cho rằng với kích thước đó, khó có chỗ nào tại Hà Nội đáp ứng yêu cầu trưng bày. Ông đề nghị xây dựng một nhà triển lãm xứng tầm Thủ đô. “Ở nước ngoài phòng triển lãm rất sang trọng, vào đấy con người mình tự nhiên cũng tử tế hẳn lên,” họa sĩ lão thành nói. “Nhà trưng bày Ngô Quyền giống như siêu thị cấp huyện. Triển lãm Vân Hồ dành để bày hàng hóa hợp hơn bày tranh. Hàng Bài cũng không đạt yêu cầu”. Ông khẳng định không có nhà triển lãm đạt tiêu chuẩn là “lo âu số một” của người sáng tác(!)
Cục trưởng Vi Kiến Thành cho hay Trung tâm Triển lãm Vân Hồ hiện nay là địa điểm khả dĩ hơn cả cho các triển lãm cấp quốc gia. Bảo tàng Hà Nội từng được tận dụng cho triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc được cho là không hợp để bày tranh do thiếu tường, thiếu sáng. Ông cho hay bản Quy hoạch phát triển của ngành đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt có đề cập việc xây dựng nhà triển lãm và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Hà Nội. Năm thành phố lớn cũng sẽ được xây dựng bảo tàng mỹ thuật. Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền có sáng kiến trong khi chờ nhà triển lãm xứng tầm, hãy cải tạo Trung tâm Triển lãm Vân Hồ. “Mỗi lần đến đây mà buồn. Các tác phẩm điêu khắc như chỉ thêm nếm vào không gian thảm đỏ, cây cảnh um xùm,” bà Hiền nhận xét.
Khai trừ “nhái sĩ”
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005 và 2010 đều vướng phải lùm xùm là tác phẩm đoạt giải bị có hiện tượng sao chép tác phẩm của người khác. Ông Vi Kiến Thành khẳng định đây là vấn đề nhức nhối và cũng khó tránh khỏi: “Trong 5-7 trăm tác phẩm được chọn, vẫn có 1-2 bị cái này”. Dĩ nhiên tác phẩm nào được khẳng định là không hoàn toàn do tác giả sáng tác sẽ bị tước giải (nếu được giải) và bị dỡ bỏ (nếu được treo). Ngoài ra, Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa thông qua quyết định sửa đổi điều lệ: Hội viên nào vi phạm bản quyền tác phẩm triển lãm hoặc công bố sẽ bị khai trừ. Hy vọng cách xử lý mạnh tay này sẽ khiến các “nhái sĩ” chùn bước.
Để khắc phục việc dư luận ít chú ý đến triển lãm mỹ thuật tầm cỡ quốc gia như nó đáng được, BTC năm nay nghĩ ra một cách. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bao giờ cũng ưu tiên mua tác phẩm tham dự triển lãm toàn quốc. Sự kiện này ít ai biết đến. Vì đến cuối triển lãm, bảo tàng mới ra quyết định. Nay bảo tàng sẽ có động thái mua tác phẩm ngay từ khai mạc triển lãm. Tuy nhiên ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói rõ bảo tàng chỉ gắn biển “dự kiến mua” với một số tác phẩm vào ngày khai mạc. Vì việc có quyết định mua hay không phải trải qua nhiều quy trình, tham khảo từ nhiều bên. “Tác phẩm được mua phải đạt tiêu chí của bảo tàng”, ông Tiến nói. “Cho nên rất có thể tác phẩm không đoạt giải lại được mua”.
Trong khi chờ Bộ VHTT&DL ban hành khung giá mua tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng vẫn áng chừng mặt bằng thị trường để mua. “Hai, ba năm gần đây, chúng tôi mua tác phẩm ngang giá với thị trường, chứ không còn thấp hơn như trước,” Phó giám đốc Bảo tàng cho hay. Được biết, giá cao nhất Bảo tàng Mỹ thuật trả cho một bức tranh đến nay là 300 triệu đồng. Trung bình 1m2 sơn dầu có thể được mua trong khoảng 100 triệu đồng.