Triển khai đề án tái cơ cấu: Agribank “vượt bão” an toàn

Agribank đã đóng góp hơn 8.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho đối tượng khách hàng ưu tiên do áp trần lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh minh họa
Agribank đã đóng góp hơn 8.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho đối tượng khách hàng ưu tiên do áp trần lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh minh họa
Chặng đường gần 3 năm Agribank thực hiện Đề án tái cơ cấu (2012-2015) đang bước vào giai đoạn nước rút với những dấu ấn hết sức quan trọng. Agribank đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu đề ra.

Mặc dù phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn, vất vả, vừa căng sức “chống bão” xử lý các tồn tại, hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng, vừa đảm trách các nhiệm vụ chính trị trọng yếu trên thị trường tín dụng nông nghiệp nông thôn. Song, chỉ còn hơn 1 tháng nữa mới “chốt” Đề án tái cơ cấu nhưng đến nay có thể khẳng định Agribank đã cán đích thành công.

Nợ xấu được ưu tiên xử lý

Để đạt được mục tiêu hoàn thành Đề án tái cơ cấu trong bối cảnh vô cùng khó khăn và nhiều thách thức, Agribank đã đề ra kế hoạch, từng bước thực hiện lộ trình tái cơ cấu toàn diện ngân hàng, bắt đầu từ việc lấy lại tinh thần cho hàng vạn cán bộ nhân viên, lấy lại lòng tin của hàng chục triệu khách hàng đã đồng hành cùng ngân hàng trong nhiều năm qua.

Xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong số các mục tiêu của đề án Tái cơ cấu, Agribank đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu. Chỉ tính riêng từ tháng 11/2013 đến nay, đã có gần 300 văn bản về cơ chế, quy định, quy trình nghiệp vụ được Agribank ban hành, trong đó có trên 150 văn bản về lĩnh vực tín dụng. 

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, củng cố hệ thống kiểm tra – kiểm toán nội bộ, Agribank cũng đã hết sức nỗ lực chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường cán bộ hỗ trợ các các chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu cao. Hàng trăm cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm về công tác tín dụng của toàn hệ thống đã được Trụ sở chính trưng tập. Các đoàn công tác do các thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban điều hành trực tiếp phụ trách được phân công làm việc tại từng chi nhánh, thực hiện phân tích từng khoản nợ có vấn đề, làm việc với từng khách hàng để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng, quyết định phương án xử lý nợ đảm bảo hài hòa lợi ích, từ đó động viên khách hàng hợp tác trả nợ vay. Agribank cũng luôn là ngân hàng tiên phong trong việc chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, đặc biệt là khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Trong 03 năm qua, Agribank vừa tự khắc phục khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tài chính như: chưa được cấp bổ sung đầy đủ vốn điều lệ theo lộ trình Tái cơ cấu, chi phí hoạt động cao do duy trì mạng lưới rộng và chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng nhỏ lẻ, vừa phải chịu áp lực và đối mặt với hàng loạt vụ việc, trong đó có những vụ án trọng điểm đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Tuy vậy, bằng những nỗ lực của toàn hệ thống, Agribank đã đóng góp hơn 8.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho đối tượng khách hàng ưu tiên do áp trần lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, chủ động trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, đồng thời cũng đã thu hồi được trên 10.000 tỷ đồng đối với nợ đã xử lý rủi ro, giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo tài chính toàn ngành, đảm bảo đời sống và ổn định tinh thần đối với cán bộ, nhân viên và người lao động.

Với những nỗ lực của toàn hệ thống, trong vòng chưa đầy 3 năm Agribank đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu. Cụ thể, đến 31/10/2015, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đã đạt 768.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2014; dư nợ tăng 9,2%; Cơ cấu nguồn vốn và tín dụng được chuyển đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 73,1%; Tỷ lệ nợ xấu 2,41%; Thu dịch vụ tăng trưởng bình quân 12%/năm; Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 3.222 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 đạt trên 3.500 tỷ đồng; Các tỷ lệ an toàn hoạt động được đảm bảo…

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Chuẩn bị tổng kết giai đoạn I thực hiện đề án Tái cơ cấu, Agribank đang hoàn thiện chiến lược kinh doanh 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030, đặt mục tiêu xây dựng Ngân hàng phát triển ổn định, vững chắc theo hướng ngân hàng thương mại hiện đại, sẵn sàng thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhiệm vụ đặt ra đối với Agribank lúc này là hơn lúc nào hết, toàn hệ thống phải cùng nhau đoàn kết, chung sức chung lòng để đương đầu và vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngân hàng thương mại chủ lực trên thị trường nông nghiệp, nông thôn. Lấy bài học trong quá khứ làm tấm gương, mỗi vị trí công tác từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên Agribank tự răn mình, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ quy định của ngành, biết sửa sai và chủ động khắc phục hậu quả.

Agribank đang bước sang giai đoạn phát triển mới. Để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của Agribank nói riêng cùng hệ thống ngân hàng thương mại nói chung tiếp tục ổn định và phát triển, Agribank kính đề nghị Quý cơ quan thông tấn báo chí quan tâm, hỗ trợ Agribank trong việc xử lý thông tin, góp phần định hướng dư luận xã hội, giúp Agribank hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của Ngân hàng Thương mại Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nền kinh tế.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.