Triển khai Đề án 32 về nghề công tác xã hội: Những khó khăn và thách thức

Cận cảnh một lớp học dạy cho trẻ em khuyết tật tại Làng trẻ Hòa Bình (Thanh Xuân- Hà Nội)
Cận cảnh một lớp học dạy cho trẻ em khuyết tật tại Làng trẻ Hòa Bình (Thanh Xuân- Hà Nội)
Không thể phủ nhận những kết quả tích cực trong việc thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) trong thời gian qua, song vẫn còn tồn tại những khó khăn cần sự chung tay giải quyết của toàn xã hội.

Những vướng mắc còn phải đối mặt thấy rõ như việc ban hành thêm một số quy định hướng dẫn nhưng tổng thể chưa hoàn chỉnh; Việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên CTXH mới dừng lại ở giai đoạn đầu, kinh nghiệm đào tạo ít; Chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy còn thiếu, nhiều bất cập; Đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH còn mỏng; Các hoạt động mang nặng tính quản lý Nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt; Số người dân có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH còn ít…

Trong lĩnh vực đào tạo, theo thông tin từ Bộ LĐTB và XH, đến nay đã có khoảng 20 trường đào tạo nghề đã hình thành bộ môn hoặc khoa dạy nghề CTXH; khoảng 13.400 người được đào tạo về CTXH; hơn 11.400 người được đào tạo chuyên ngành CTXH; 300 giảng viên dạy nghề công tác xã hội được đào tạo cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước; hàng năm hỗ trợ các tỉnh/thành phố bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 10 ngàn cán bộ, nhân viên CTXH… 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng mới chỉ chú trọng đến số lượng; chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở, đơn vị sử dụng nguồn nhân lực CTXH được đào tạo. Ngoài ra, các chương trình, giáo trình giảng dạy về CTXH còn thiếu, nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Hải Hữu, Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo CTXH cho biết: “Khó khăn đầu tiên là đội ngũ giảng viên còn chưa hoàn thiện, cơ sở thực hành còn thiếu và yếu, đội ngũ kiểm huấn viên (đào tạo thực hành) cũng còn thiếu. Trong khi đó, chương trình đào tạo vẫn còn chưa chuẩn hóa. Cơ sở vật chất đào tạo cho nghề CTXH vẫn còn những hạn chế nhất định…"

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng cục bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) cho biết thì chia sẻ có một thực tế đáng buồn là hiện nhiều người, trong đó có cả những người đang nắm giữ cương vị quản lý cũng chưa hiểu hoặc hiểu không đầy đủ về nghề CTXH. Điều này khiến tiến độ triển khai đề án phát triển nghề công tác xã hội gặp không ít khó khăn.

Về khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH, ông Hồi cho biết, hiện chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số bộ Luật, Luật liên quan. Bao gồm như Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... Số người dân, đặc biệt số người có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AID và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH còn ít.

Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức ngoài công lập. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng mới chỉ bước đầu được hình thành tại một số địa phương…

Các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ CTXH đều là những người yếu thế trong xã hội chính vì vậy ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các yếu tố về chuyên môn nghiệp vụ, rất cần có sự cảm thông và tấm lòng chia sẻ của những người thực hiện sứ mệnh công tác xã hội để hoàn thành được nhiệm vụ đặc biệt này.

Bài viết phục vụ tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)

MỚI - NÓNG