Trên cung đường biên giới - Kỳ 4: Chuyện lá cờ Lũng Cú

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi lá cờ đại trên đỉnh Cột cờ Lũng Cú đang tung bay trong gió rũ đuôi xuống vai đúng lúc tôi đứng vào dưới bóng nó để chụp ảnh thì tôi đã tin câu chuyện cư sĩ Vũ Đình Lâm kể là có thật.

Nguyên do là cuối tháng 6 năm 2022, tôi được tham gia đoàn đi thăm quần đảo Trường Sa và được chứng kiến việc trao tặng một lá cờ diện tích đến 54 mét vuông (tượng trưng cho 54 dân tộc anh em của nước ta) từng treo trên cột cờ Lũng Cú ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc cho cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông. Lá cờ do cư sĩ Vũ Đình Lâm (Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam) xin được từ Đồn Biên phòng Lũng Cú, trên đó có ghi lời đề tặng: “Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang. Đồn Biên phòng Lũng Cú kính tặng Đảo Sinh Tồn Đông – Trường Sa. Lá cờ số 787 treo tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Lễ thượng cờ ngày 10/7/2021. Lễ hạ cờ ngày 15/7/2021. Đồn trưởng Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm”.

Trên cung đường biên giới - Kỳ 4: Chuyện lá cờ Lũng Cú ảnh 1

Cư sĩ Vũ Đình Lâm chuyển cho Đại tá Hồ Thanh Hoàn lá cờ Đồn Biên Phòng Lũng Cú gửi tặng Đảo Sinh Tồn Đông. Đảo Sinh Tồn Đông ngày 27/6/2022. Ảnh Lê Xuân Sơn

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã được ủy nhiệm thay mặt Đoàn công tác số 10 năm 2022 đi thăm quần đảo Trường Sa gồm hơn 200 người do Đại tá Hồ Thanh Hoàn – Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân chỉ huy cũng như thay mặt Đồn Biên phòng Lũng Cú trao tặng lá cờ đó cho đảo Sinh Tồn Đông. Khi trao, ông phát biểu trước cán bộ, chiến sĩ trên đảo và đoàn công tác, nói về trọng trách giữ gìn biển đảo, điều có tầm quan trọng chiến lược sống còn mà 500 năm trước, bậc thức giả của dân tộc là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhìn thấu trong bài thơ chữ Hán “Cự ngao đới sơn”, trong đó có hai câu “Vạn lý Đông minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình” được dịch ra là: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”.

Trên cung đường biên giới - Kỳ 4: Chuyện lá cờ Lũng Cú ảnh 2

Nhà sử học Dương Trung Quốc trao lá cờ của Đồn Biên phòng Lũng Cú gửi tặng đảo Sinh Tồn Đông cho chỉ huy trưởng và chính trị viên đảo. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Tôi cứ tâm đắc mãi câu chuyện những người lính Biên phòng ở địa đầu phía Bắc của Tổ quốc gửi tặng lá cờ thiêng liêng cho những người lính Hải Quân trấn giữ trên quần đảo tiền tiêu trên Biển Đông. Tháng 8 vừa qua, tổ chức giải Vô địch Golf Quốc gia tại Hải Phòng, phát biểu trước các thầy cô giáo và mấy trăm học sinh của trường phổ thông cơ sở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng tại sân Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi đã kể lại câu chuyện này để nói về tầm quan trọng của việc gìn giữ chủ quyền trên Biển Đông.

Sau chuyến đi Trường Sa, tôi có hỏi kỹ cư sĩ Lâm về lai lịch của lá cờ thì anh kể là khoảng một năm trước đó, anh cùng 8 đạo hữu lên Cột cờ Lũng Cú ngồi tụng kinh cầu an cho chiến sĩ, đồng bào, cho chúng sinh, đồng loại. Đó là một ngày tháng 7 năm 2021, trời có mưa và gió khá mạnh, lá cờ bay phần phật. Một người trong đoàn nói: Ước gì lá cờ hạ xuống cho mình nắm chút nhỉ. Cư sĩ Lâm bảo mình sẽ trì chú xin Trời Phật được nắm lá cờ. Vậy mà một lúc sau gió lặng, lá cờ rũ xuống, mọi người trong đoàn đều được nắm đuôi cờ thật. Một lúc sau lại có gió, lá cờ lại bay lên.

Tối hôm đó, cư sĩ Lâm nhờ người quen ở Hà Giang xin Đồn Biên phòng Lũng Cú một lá cờ đã treo rồi để gửi ra Trường Sa.

Trên cung đường biên giới - Kỳ 4: Chuyện lá cờ Lũng Cú ảnh 3

Các chiến sĩ Biên Phòng Lũng Cú tổ chức lễ chào cờ cho nhóm công tác của báo Tiền Phong và Tỉnh Đoàn Hà Giang. Ảnh: Phạm Duy

Ngày 17/9/2023 vừa qua, nhóm công tác của báo Tiền Phong và Tỉnh Đoàn Hà Giang qua Cột cờ Lũng Cú đã được các chiến sĩ Biên phòng ở đây tổ chức cho một lễ chào cờ rất trang nghiêm. Cùng đứng vào đội ngũ chào cờ dưới chân cột cờ cao tới 33,15 mét (kể cả phần thân trụ và đế) với chúng tôi hôm đó còn có khá đông du khách lúc đó tình cờ có mặt. Lúc đó, lá cờ 54 mét vuông trên đỉnh cột đang tung bay trong gió. Khi chúng tôi leo lên sân trên gần đỉnh cột cờ, lá cờ vẫn phần phật trên cao. Cùng với chúng tôi ở đó có một nhóm khá đông sinh viên từ các trường đại học ở phía Nam ra đi làm tình nguyện. Họ lần lượt đứng vào dưới lá cờ để chụp ảnh. Đến lượt tôi, khi đứng vào dưới lá cờ đang tung bay trên cán cờ cao đến mười mấy mét, tôi nghĩ trong đầu, giá lá cờ sa xuống một chút để mình nắm chụp một kiểu ảnh nhỉ. Vậy mà lá cờ sa xuống vai tôi thật. Sau tôi, lần lượt tất cả những người có mặt ở đó đều lần lượt vào chụp một kiểu ảnh đang nắm đuôi lá cờ ở địa đầu Tổ quốc. Người cuối cùng nắm lá cờ rồi thả cho nó đón gió bay lên chính là Sĩ Lực, phụ trách Ban Bạn đọc của báo Tiền Phong, người nhiều lần lặn lội trên các cung đường biên giới để chuyển quà đến cho cựu Thanh niên Xung phong, các cháu học sinh và Bộ đội Biên phòng.

Cho đến giờ, tôi không hiểu tại sao đến lượt tôi chụp ảnh thì lá cờ lại sa xuống vai. Chỉ là sự tình cờ hay thực sự có cái “duyên” như người ta thường nói?

Trên cung đường biên giới - Kỳ 4: Chuyện lá cờ Lũng Cú ảnh 4

Tác giả và nhà báo Xuân Ba với lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Sĩ Lực

Nhưng chưa hết. Hôm đó, chúng tôi ghé vào trạm Biên phòng gần Cột cờ Lũng Cú để thăm hỏi và trao quà. Sau khi nghe thông báo đặc điểm tình hình và công tác của Đồn Biên phòng Lũng Cú, câu chuyện giữa chúng tôi và hai sĩ quan trẻ có mặt khá thân tình. Thậm chí tôi còn hát cho họ nghe vài đoạn trong “Chiều dài Biên giới”, một bài hát hay nhạc sĩ Trần Chung sáng tác trong những ngày đầu chiến tranh Biên giới hơn 40 năm trước mà hồi học phổ thông chúng tôi hay hát (Chiều dài biên giới, dài theo bước chân chúng tôi/ Những đỉnh núi mờ sương, tiếng sóng vỗ trùng dương/ Nghe đất quê hương hát cùng bước chân chúng tôi/ Đường về biên giới, tình đất nước đẹp núi đồi/ Cánh rừng với dòng sông, mỗi tấc đất ngàn năm/ Gian khó đau thương vẫn ngời sắc hương…). Bài hát này giờ ít người biết vì trong đó có những câu không còn phù hợp với tình hình nên ít được hát.

Trong câu chuyện hôm đó, người sĩ quan Biên phòng cho chúng tôi biết là tất cả cờ treo ở Cột cờ Lũng Cú đều có diện tích 54 mét vuông, 9 mét chiều dài và 6 mét chiều dọc. Cờ lớn, nặng cộng với gió trên cao rất mạnh nên chỉ khoảng trên dưới một tuần là phải thay lá cờ mới. Việc thay tiến hành ngay cả khi lá cũ chưa rách vì cờ Tổ quốc là thiêng liêng, nhất là ở nơi địa đầu, phải luôn luôn ở tình trạng tốt.

Điều vui mừng nhất là các chiến sĩ Biên phòng đã chuẩn bị sẵn một lá cờ 54 mét vuông đã treo trên Cột cờ Lũng Cú để tặng báo Tiền Phong với lời đề tặng trang trọng.

Chúng tôi mang lá cờ được tặng về Hà Nội như một bảo vật.

Trên cung đường biên giới - Kỳ 4: Chuyện lá cờ Lũng Cú ảnh 5

Đại diện Đồn Biên phòng Lũng Cú trao cho báo Tiền Phong lá cờ 54 m2 đã treo trên Cột cờ Lũng Cú. Ảnh Phạm Duy

Cuối tháng 9 vừa qua, báo Tiền Phong phối hợp với tập đoàn Him Lam tổ chức một sự kiện rất xúc động là mời 100 thương binh nặng mất trên 81% sức khoẻ đại diện cho khoảng gần 1.000 thương binh nặng, người có công đang được Nhà nước chăm sóc nuôi dưỡng trong 14 trung tâm mà báo Tiền Phong có quan hệ (cả nước có chừng gần 30 trung tâm như thế) cùng 50 cán bộ, y bác sĩ làm nhiệm vụ chăm sóc, phục vụ thương binh về Hà Nội để tham dự Chương trình "Ánh lửa từ trái tim” tôn vinh và tri ân những người đã hi sinh một phần xương máu và phần lớn sức khoẻ của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tôi là người trực tiếp lập chương trình cho cả sự kiện và viết kịch bản sự kiện chính là đêm giao lưu “Ánh lửa từ trái tim” giữa thương binh và gần 700 sinh viên các trường đại học Kinh tế - Quốc dân, Bách khoa, Xây dựng Hà Nội. Nhiều chuyện cảm động đã được đưa vào kịch bản nhưng Thu Hà, người là tác giả của những màn xúc động thắt tim trong các giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài mà báo Tiền Phong chủ trì tổ chức như Lễ thượng cờ, Màn trải và tạo sóng lá cờ rộng vài trăm mét vuông nơi tổ chức giải, Cắm cờ đỏ sao vàng dọc đường chạy… vẫn góp ý là nên có một màn cao trào hơn nữa. Chúng tôi thảo luận và thống nhất là dùng lá cờ đã được Đồn Biên phòng Lũng Cú tặng vào màn chào kết. Khi tất cả mọi người đứng dậy cùng hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lá cờ đại được sinh viên trải ra phủ gần kín sân khấu và vẫy tay để tạo sóng dồn dập.

Trên cung đường biên giới - Kỳ 4: Chuyện lá cờ Lũng Cú ảnh 6

Lá cờ Đồn Biên Phòng Lũng Cú tặng báo Tiền Phong được dùng trong màn kết đêm giao lưu đặc biệt “Ánh lửa từ trái tim” do báo Tiền Phong và Tập Đoàn Him Lam tổ chức tại ĐH Xây dựng cho 100 thương binh nặng và gần 700 sinh viên

Giây phút đó, tôi đang đứng hát với nhiều người, thấy một niềm tự hào khôn tả khi nghe giọng lanh lảnh của MC Tuyết Ngân của Đài Truyền hình Việt Nam thuyết minh: Đây là lá cờ rộng 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam đã từng được treo trên Cột cờ Lũng Cú được Đồn Biên phòng Lũng Cú tặng cho báo Tiền Phong. Bây giờ, mỗi lần giở xem lại bức ảnh chụp màn cao trào ấy, tôi đều thấy rưng rưng.

Nguồn gốc cái tên Lũng Cú và lá cờ 54 m2

Đi lên Cột cờ Lũng Cú, trên xe có nhà báo Xuân Ba. Anh đã từng đi nát vùng này cùng ông Vương Kỳ Sơn, cháu gọi Vua Mèo Vương Chí Sình (người mà Bác Hồ kết nghĩa anh em) bằng chú. Ông Vương Kỳ Sơn sinh thời là chuyên viên cao cấp của Ủy ban Dân tộc. Những chuyện anh Xuân Ba nghe được từ ông Vương Kỳ Sơn và kể lại rất hay. Chẳng hạn đi qua địa danh Lũng Táo, anh nói đây là biến âm từ từ “long đao”. Nguyên ở vùng này Thái uý Lý Thường Kiệt từng đặt các kho vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch tiến công Châu Ung, Châu Khâm của nhà Tống, chủ động phá huỷ thành trì và quân lương, khí giới quân Tống chuẩn bị cho cuộc xâm lược nước ta.

Hay anh giảng nguồn gốc từ Lũng Cú. Theo nhiều người kể thì từ thời Tây Sơn sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, Vua Quang Trung đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước (nhưng anh Xuân Ba ngờ rằng từ thời Lý Thường Kiệt đã cho đặt trống ở đây). Người Mông gọi đấy là trống của vua, theo tiếng Mông là “Long Cổ”, biến âm thành Lũng Cú.

Tôi cũng đọc được nguồn gốc của Cột cờ Lũng Cú và việc treo những lá cờ 54 mét vuông lên Cột cờ Lũng Cú.

Cột cờ Lũng Cú cách điểm cực Bắc nước ta khoảng 3,3 km theo đường chim bay. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó như 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước ta.

Năm 2010, cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m) trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ, cũng tương tự như những lá cờ sử dụng trước đó, có diện tích 54m2.

Đường lên đỉnh núi có cột cờ cũng được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ và đồng thời xây một lối đi mới cũng có số lượng bậc là 839. Dưới chân cột là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.

Cột cờ mới đã được xây dựng trong 7 tháng, và khánh thành vào ngày 25 tháng 9 năm 2010.

Người có sáng kiến treo lá cờ 54 mét vuông là nhà thơ Hùng Đình Quý, người Mông. Khi đưa ra sáng kiến ông là Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn. Sau đó, ông trở thành Phó giám đốc rồi Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tuyên. Khi tách tỉnh, Hùng Đình Quý qua làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Hà Giang. Chức vụ cuối cùng, ông Hùng Đình Quý là Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Hà Giang.

MỚI - NÓNG